Lời thú tội day dứt của đứa con khiến bố lâm trọng bệnh ở đất Cảng

Nghe tin anh trai bị đánh, Phạm Văn Thọ, SN 1976, trú tại Đồ Sơn, Hải Phòng cầm dao đi bênh. Không ngờ, trong cơn nóng giận ấy, Thọ đã khiến cho người đàn ông khác thiệt mạng.

Bị kết án chung thân về tội giết người, Thọ đau khổ không phải vì mang danh kẻ sát nhân mà bởi người cha nơi quê nhà, vì không chịu nổi

Gây trọng tội vì bênh anh

Gương mặt xương xương, nước da trắng nhưng điều đặc biệt ở phạm nhân Phạm Văn Thọ, SN 1976, trú tại Đồ Sơn, Hải Phòng không phải dáng người thanh mảnh mà là đôi mắt đượm buồn. Thọ sinh ra trong một gia đình làng chài có hai anh em, bản thân là con út. Cuộc sống của người dân ven biển vốn chỉ quen sóng nước nên việc học hành ít được trú trọng và Thọ cũng vậy.

Đang học lớp 9 thì Thọ bỏ học ở nhà đi biển phụ với bố nhưng rồi được cô giáo, nhà trường vận động nên Thọ quay lại trường. Thế nhưng cũng chỉ để lấy cái bằng tốt nghiệp THCS rồi Thọ nghỉ hẳn.

Theo lời Thọ thì anh trai cũng chỉ học hết cấp hai là nghỉ ở nhà đi biển nên Thọ không học hơn làm gì cho tốn kém. Cũng đi biển phụ việc với bố nhưng rồi Thọ thích đi đào sá sùng hơn bởi cứ cầm cái xẻng con con cùng cái thúng ra bờ biển thì chiều đến, trưa về biết ngay là mình kiếm được bao nhiêu tiền.

“Ngày đó tôi đã rất ngây thơ vì nghĩ rằng đi đào sá sùng bán nhanh hơn, có tiền hơn đi biển. Hôm nào đào được nhiều sá sùng thì hôm đó kiếm được tiền triệu còn hôm nào ít cũng kiếm được hơn trăm ngàn. Không nhiều nhưng an toàn hơn ra khơi”, Thọ kể.

Không nghề nghiệp ổn định nên cuộc sống của Thọ vẫn là sáng sáng cắp thúng, cắp xẻng ra bờ biển. Sá sùng đi bắt cũng có mùa nên khi mùa hết, Thọ ở nhà lông bông. Anh trai vẫn đi biển phụ với bố, thành ra mỗi khi anh trai lên bờ, Thọ lại theo anh đi chơi, đi nhậu. Người ta bảo rượu vào lời ra. Anh em Thọ cũng không tránh khỏi chuyện đó. Vì rượu và vì quan điểm sống mỗi người một kiểu mà giữa anh em Thọ với một số thanh niên trong làng xảy ra mâu thuẫn.

Theo hồ sơ vụ án, do có mâu thuẫn từ trước giữa anh em Phạm Văn Thọ với một số trai làng là Diễm, Thành và Giàng nên ngày 9-7-1997, khi Sơn là em trai Giàng đi làm ăn xa trở về có nghe gia đình kể lại mâu thuẫn của anh trai mình. Cho rằng mình đi vắng, anh em Thọ cậy thế cố tình làm khó anh trai mình nên sau khi nghe xong, Sơn đã tính chuyện trả thù. Anh ta rủ Quân đi tìm Diễn là anh trai Thọ để nói chuyện phải quấy.

Mục đích ban đầu là để nói chuyện với nhau nhưng khi gặp Diễn đi một mình, Sơn đã không chịu để yên. Anh ta xông vào đấm đá Diễn còn Quân thì cản để Diễn không đánh lại được. Lúc đó có anh Ngọc đi qua, nhìn thấy Sơn đánh anh Diễn đã nhảy vào can. Sơn bỏ về, Quân đi theo anh Ngọc vào quán uống rượu.

Cứ tưởng mọi chuyện thế là xong, ai ngờ khi anh Ngọc đang uống rượu với Quân thì Thọ xuất hiện. Chẳng biết có phải vì muốn lập công hay vì rượu mà không kiềm chế được nên anh Ngọc đã kể cho Thọ nghe về việc lúc chiều Diễn bị Sơn đánh.

Nghe anh Ngọc nói vậy, máu trong người Thọ sôi lên, nhất là khi trong đầu anh ta hình dung cảnh anh trai mình bị đấm đá. Thọ rủ Phạm Văn Ngọc đi tìm Sơn để trả thù. Ngọc đồng ý nên hai người đèo nhau bằng xe máy đi tìm Sơn. Khi cả hai đi đến thôn Trung Nghĩa, xã Hợp Đức, huyện Đồ Sơn (Hải Phòng) thì gặp Sơn.

Thọ và Ngọc đã dùng gạch và gậy tre đánh nhiều nhát vào người Sơn. Chưa hả cơn tức giận, Thọ đã dùng dao đâm một nhát vào ngực trái anh Sơn, khiến thanh niên này chết trên đường đi cấp cứu.

Bị kết tội giết người, Phạm Văn Thọ đã phải trả giá bằng bản án không hẹn ngày về, thi hành án ở trại giam Xuân Nguyên.

Day dứt và ân hận

Về trại giam Xuân Nguyên (Tổng cục 8, Bộ Công an) cải tạo ở đội dệt cói, công việc của Thọ là luồn những sợi cói để đan thành những chiếc chiếu. Buổi đầu làm việc Thọ ngại và không tự tin bởi bàn tay chỉ quen cầm xẻng, cầm cuốc, đã bao giờ làm những công việc tỉ mẩn như đan nát, dệt cói.

Nhưng rồi Thọ đã làm được và sau hơn chục năm trong trại, anh ta đã trở thành người dệt chiếu siêu nhất trong đội, tháng nào cũng vượt định mức được giao. Vừa làm việc, Thọ vừa kể với chúng tôi rằng anh ta vừa được giảm án xuống có thời hạn. Thọ bảo khi được cầm trên tay tờ quyết định giảm án từ chung thân xuống 20 năm, anh ta mới giật mình nghĩ đến quãng thời gian đã qua khi ở trong tù.

Phạm nhân Phạm Văn Thọ đang lao động ở đội dệt chiếu cói

“Người ta bảo ở trong tù đếm từng ngày đi trại, điều đó không hề sai vì ai mà chẳng mong sớm được hết án, được trở về với gia đình. Lý thuyết thì là vậy nhưng với những kẻ án dài như chúng tôi, thời gian đầu còn đếm ngày đếm tháng nhưng ở riết rồi cũng thôi, chẳng nghĩ nữa. Tới khi được xuống khung, xuống án mới giật mình bảo hóa ra mình sống trong này đã hơn chục năm rồi”, Thọ kể.

Từ ngày vào trại giam đến giờ, Thọ chưa phải luân chuyển buồng giam lần nào, chỗ làm cũng vậy nên có nhắm mắt, Thọ cũng thuộc lòng đường đi từ buồng giam tới nơi làm việc và ngược lại. Hỏi về cuộc sống trong tù, Thọ bảo vui nhất là những ngày lễ Tết, vừa không phải đi làm, vừa được ra ngoài chơi mà khẩu phần ăn còn gấp hai, gấp ba ngày thường, chưa kể còn được quà cáp do gia đình gửi vào…

Nhắc đến gia đình, Thọ chợt buồn. Đôi mắt xa xăm, anh ta tâm sự: “Tôi ở mãi trong này cũng quen rồi, chẳng còn thấy gò bó nữa. Đồ ăn cũng không có nhu cầu thêm nhưng nỗi ân hận lớn nhất của tôi là khiến cha già phải nằm một chỗ như bây giờ”, Thọ tiếp lời.

Bố thường xuyên đi biển kiếm thêm nhưng từ ngày Thọ gây trọng tội, ông xấu hổ chẳng tha thiết gì đến chuyện cưỡi sóng ra khơi nữa. Uống rượi để giải sầu, để chìm đắm trong ma men mà quên đi hiện thực bi đát của gia đình, trong một lần uống say rồi đi về trúng gió độc, bố Thọ đã bị tai biến mạch máu não. Ông không thể tự đi lại được, đến nói chuyện cũng khó khăn. Không muốn Thọ biết điều đó, mẹ vào thăm cố giấu.

Anh trai Thọ cũng lảnh tránh, ít nhắc đến bố hơn. Thọ cũng vô tâm, mỗi khi gặp mẹ, gặp anh, Thọ cũng có hỏi về bố nhưng rồi quên ngay khi mải trò chuyện với mẹ và anh trai về những dự định của mình. Chỉ khi được gọi điện thoại về nhà, tình cờ nghe thấy giọng nói méo mó, chật vật của bố, anh ta mới giật mình.

“Bố lâm bệnh vì tôi, đó là điều khiến tôi đau khổ nhất. Mỗi đêm khi ngủ, nghe tiếng ai đó nói mơ, tôi lại giật mình nghĩ đến bố. Giá như tôi không làm điều dại dột ấy thì giờ này bố vẫn còn khỏe lắm, còn ra khơi đánh cá chứ đâu phải quanh quẩn nơi góc nhà như bây giờ”, Thọ kể.

Đau khổ vì mình mà bố lâm bệnh, Thọ suy nghĩ rất nhiều nhưng rồi anh ta đã vượt lên khi được bạn tù động viên, cán bộ an ủi. Cố gắng cải tạo thật tốt, 11 năm cố gắng để rồi cuối cùng công sức mà Thọ bỏ ra đã được đền đáp. Được xuống án có thời hạn, ngày trở về với Thọ đã gần hơn.

Nghĩ đến ngày đoàn tụ với gia đình, Thọ rơm rớm nước mắt: “Việc đầu tiên khi trở về nhà là tôi sẽ xin lỗi bố. Tôi sẽ ở nhà chăm bố để bố khỏe mạnh trở lại. Dẫu biết là khó có thể khiến bố trở lại là người năng động như xưa nhưng được chăm sóc bố, tôi sẽ thấy thanh thản hơn”...

Hương Vũ

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.net.vn/loi-thu-toi-day-dut-cua-dua-con-khien-bo-lam-trong-benh-o-dat-cang-55018.htm