Lối thoát nào cho nông dân?

Vì mức lời cao như vậy, nông dân ào ạt chuyển đổi diện tích cây trồng khác sang trồng thanh long, mà không tuân thủ theo quy hoạch chung của địa phương. Nguy hiểm hơn do phát triển tự phát nên đã dẫn đến tình trạng không kiểm soát được dịch bệnh đối với cây giống, dẫn đến bùng phát dịch bệnh trên nhiều diện tích.

Nông dân điêu đứng… với thanh long

Từ đầu tháng 8/2014 đến nay, trên quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Bình Thuận, người qua đường rất dễ nhận thấy thanh long được người dân xếp thành đống để bán. Bên cạnh những đống thanh long để bán là nhiều đống thanh long bị đổ đi ven hai bên đường quốc lộ do bán không được…

Những đống thanh long bị đổ đi ven hai bên đường quốc lộ do bán không được

Những hình ảnh này được bắt gặp nhiều nhất là đoạn qua huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, trái thanh long bị các chủ vựa, nhà vườn đổ bỏ từng đống hoặc cho gia súc ăn.

Tại Bình Thuận, gần đây câu chuyện thanh long thu hoạch mang cho gia súc ăn trở thành “chuyện thường ở huyện” bởi thanh long mất giá thê thảm. Không những mất giá, có nơi còn không bán được. Chính sự biến động này khiến các chủ vựa cũng như người nông dân trồng thanh long trên địa bàn điêu đứng.

Thực tế cho thấy, những năm trước, giá thanh long cuối vụ thường cao hơn so với thời điểm chính vụ. Song năm nay, giá thanh long cuối vụ lại giảm mạnh, có loại chỉ còn 500 – 1.000 đồng/kg. Hiện tại, thanh long ruột trắng loại 1, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu được thu mua với giá 6.000 – 7.000 đồng/kg, loại 2, loại 3 có giá khoảng 3.000 – 5.000 đồng/kg…

Thực trạng trái thanh long mất giá khiến nhiều nông dân ngao ngán. Một nông dân ở xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam chia sẻ: Vụ này thất bát quá. Tình hình dịch bệnh phức tạp, khiến người nông dân tốn nhiều công sức, tiền của để chăm bẵm… Nhưng đến vụ thu hoạch, giá bèo quá, không bõ công thu hoạch. Chỉ còn khoảng 1-2 đợt thu trái nữa là hết mùa, thế nhưng giá quá thấp, nhiều nông hộ ở đây chẳng buồn thu hoạch...

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp Bình Thuận, năm nay do thời tiết biến động thất thường, mưa sớm dẫn đến những loại bệnh hại trên cây thanh long nhiều hơn. Do đó, tỷ lệ trái đẹp, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu không nhiều. Vì vậy, nông dân khó bán được giá cao. Nếu lựa bán loại 1, loại 2 thì phần còn lại không có người mua, phải đổ bỏ.

Cần có chiến lược dài hạn

Thời gian qua, Bình Thuận xác định thanh long là loại cây xóa đói, giảm nghèo, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người nông dân. Tuy nhiên, gần đây người nông dân trồng càng nhiều thì càng nặng gánh nợ nần…

Những năm trước, cây thanh long không những giúp hàng chục ngàn hộ nông dân thoát nghèo mà còn tạo cơ hội cho rất nhiều gia đình vươn lên làm giàu chính đáng… Thời vàng son đó, thanh long Bình Thuận xuất khẩu sang hàng chục quốc gia và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Indonesia, Malaysia, Singapore, Anh, Hà Lan, Pháp, Đức…

Tiềm năng là thế, nhưng yếu tố nào dẫn đến hệ lụy khiến không ít nông hộ rơi vào cảnh khóc dở, mếu dở vì trót đầu tư trồng thanh long? Một nông hộ trăn trở, trước đây người nông dân để cây thanh long phát triển tự nhiên, mỗi năm thu hoạch 1 vụ. Song hiện nay, với kỹ thuật chong đèn kích thích cây ra hoa, nông hộ có thể thu hoạch 3 đợt/năm. Nếu bán với giá 10.000 đồng/kg, nhà vườn canh tác tốt có thể thu lợi khoảng 50% so với doanh thu…

Chính vì mức lời cao như vậy, nông dân ào ạt chuyển đổi diện tích cây trồng khác sang trồng thanh long, mà không tuân thủ theo quy hoạch chung của địa phương. Việc phá vỡ quy hoạch dẫn đến tình trạng cung vượt quá cầu. Nguy hiểm hơn do phát triển tự phát nên đã dẫn đến tình trạng không kiểm soát được dịch bệnh đối với cây giống, dẫn đến bùng phát dịch bệnh trên nhiều diện tích.

Theo các chuyên gia trong ngành nông nghiệp, năm 2000 cả nước chỉ có khoảng 560ha thanh long, chủ yếu ở tỉnh Bình Thuận thì hiện nay đã tăng gấp 50 lần lên gần 30.000 ha. Lý do diện tích trồng cây thanh long tăng nhanh được các chuyên gia phân tích rằng do loại cây này mau cho trái (khoảng 8 tháng), dễ trồng, lợi nhuận có thể gấp 7-10 lần so với trồng lúa. Các yếu tố này đã hấp dẫn người nông dân làm cho diện tích thanh long phát triển rất nhanh trong thời gian gần đây.

Tất yếu sản lượng thanh long cũng sẽ tăng lên tương ứng với diện tích trồng. Nếu như thời điểm năm 2000 cho thu hoạch khoảng 50.000 tấn thì đến nay tổng thu hoạch đã là khoảng trên 600.000 tấn. Trong khi, thị trường không được mở rộng dẫn đến cung vượt cầu, mất giá, ứ đọng, ế ẩm… là hệ lụy không thể tránh khỏi…

Một yếu tố khác cần các cơ quan hữu quan nghiên cứu và có giải pháp để hỗ trợ nông dân thoát “điệp khúc buồn” là cần phải có giải pháp hỗ trợ xuất khẩu bền vững đối với các mặt hàng nông sản của Việt Nam nói chung - đây cũng là trăn trở của các chuyên gia có tâm huyết với ngành nông nghiệp. Riêng đối với trái thanh long Việt Nam, gần như những năm qua đầu ra đang phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc.

Trong năm 2013, có đến 68% giá trị xuất khẩu thanh long Việt Nam xuất sang thị trường này. Không riêng gì thanh long, hầu hết sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đều phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc. Trong khi đó, Trung Quốc đang đầu tư phát triển nông nghiệp với quy mô lớn để dần thay thế nông sản từ Việt Nam và xa hơn là cạnh tranh trực tiếp với nông sản Việt Nam trên thương trường quốc tế.

Thiết nghĩ, đã đến lúc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và các ngành liên quan cần xây dựng chiến lược phát triển dài hạn đối với các sản phẩm nông nghiệp. Đừng để người nông dân tự sản xuất và tự “bơi” trong “bể” thị trường để tìm đường tiêu thụ sản phẩm…

Bài và ảnh M.Trung

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/tin-tuc/11-loi-thoat-nao-cho-nong-dan-24415.html