Lối thoát nào cho cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng?

Nếu chỉ thực hiện bằng nguồn vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư và vốn vay tín dụng, không có vốn Nhà nước hỗ trợ, dự án sẽ không thể hoàn vốn.

Tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng dài 43km vẫn chưa thể triển khai khiến Bắc Giang - Lạng Sơn trở thành tuyến cao tốc "cụt"

Tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng dài 43km vẫn chưa thể triển khai khiến Bắc Giang - Lạng Sơn trở thành tuyến cao tốc "cụt"

Sự thành bại của tuyến cao tốc dài 43km từ Chi Lăng đến Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị đang phụ thuộc rất lớn vào quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong việc xem xét, bố trí vốn ngân sách Trung ương tham gia hỗ trợ dự án.

Ngân hàng sẽ cho vay tiền khi Nhà nước tham gia góp vốn

Để khép kín tuyến cao tốc hướng tâm từ Hà Nội đến Lạng Sơn dài 153km, ngay từ năm 2016, dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng đã được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư với chiều dài 43km, quy mô 4 làn xe cao tốc (TMĐT: 8.743 tỷ đồng) và giao Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) thực hiện bằng nguồn vốn vay ODA từ Ngân hàng phát triển châu Á (ADB).

Mục tiêu ban đầu dự án sẽ hoàn thành vào năm 2019 để khớp nối đồng bộ với tuyến BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn (kết thúc ở Chi Lăng). Tuy nhiên, sau gần hai năm triển khai, dự án Hữu Nghị - Chi Lăng rơi vào bế tắc trầm trọng do gặp quá nhiều khó khăn về thủ tục pháp lý.

Trước tình hình đó, đầu năm 2018, trên cơ sở kiến nghị của Bộ GTVT và UBND tỉnh Lạng Sơn, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chấp thuận chủ trương bổ sung tuyến Hữu Nghị - Chi Lăng vào dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn (Chi Lăng) thực hiện theo hình thức BOT và giao UBND tỉnh Lạng Sơn là cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại dự án.

Kể từ đó đến nay, số phận của cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng vẫn chưa hết lận đận, khó khăn tiếp tục bủa vây tuyến cao tốc này khi các nhà tài trợ tín dụng từ chối cho vay dù Chính phủ đã nhiều lần phát văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại, trong đó giao BIDV là đầu mối thu xếp vốn tín dụng cho dự án.

Nguyên nhân chính là các ngân hàng lo ngại cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng có quy mô quá lớn, nếu chỉ thực hiện bằng nguồn vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư và vốn vay tín dụng, không có vốn nhà nước tham gia hỗ trợ giống như các dự án BOT thông thường, dự án sẽ không thể hoàn vốn.

Trong văn bản phát đi đầu tháng 9/2019 gửi đến UBND tỉnh Lạng Sơn, ông Lê Ngọc Lâm - Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban Điều hành Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) khẳng định, BIDV và các ngân hàng đồng tài trợ chỉ xem xét thẩm định tài trợ vốn đối với dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng kèm theo các điều kiện: Vốn ngân sách tham gia đầu tư dự án tối thiểu 3.160 tỷ đồng; vốn vay tối đa khoảng 3.400 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư tham gia tối thiểu 1.750 tỷ đồng,…. Theo tính toán của BIDV, tổng mức đầu tư dự án sẽ giảm từ 8.743 tỷ đồng xuống 8.310 tỷ đồng (giảm 433 tỷ đồng).

Đại diện BIDV cũng nêu rõ lý do đề xuất nguồn vốn ngân sách tham gia dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng (3.160 tỷ đồng) căn cứ trên cơ sở một số dự án PPP cao tốc Bắc - Nam có lợi thế về lưu lượng xe, quy mô chiều dài tương đồng nhưng vẫn cần nguồn vốn ngân sách Nhà nước tham gia. Cụ thể, đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt dài 49km (TMĐT: 13.338 tỷ đồng, vốn Nhà nước tham gia 8.077 tỷ đồng, chiếm 60% tổng mức đầu tư), đoạn Nha Trang - Cam Lâm dài 50km (TMĐT: 7.615 tỷ đồng, vốn Nhà nước tham gia 5.058 tỷ đồng, chiếm 66% tổng mức đầu tư).

Tuyến cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn kết thúc “chơi vơi” – dừng cách TP. Lạng Sơn 30 km và cửa khẩu Hữu Nghị 43 km, không phát huy hết hiệu quả đầu tư

Địa phương góp 1.000 tỷ đồng, chờ ngân sách Trung ương

Về phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền, ông Hồ Tiến Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, trên cơ sở cơ cấu tổng mức đầu tư được các cơ quan liên quan thống nhất, để phương án tài chính dự án khả thi, nhà đầu tư dự án đã có văn bản cam kết góp 1.750 tỷ đồng vốn chủ sở hữu; BIDV cam kết cho vay 2.000/3.400 tỷ đồng vốn tín dụng; tỉnh Lạng Sơn cam kết góp 1.000/3.160 tỷ đồng vốn Nhà nước tham gia trong tổng mức đầu tư 8.310 tỷ đồng của dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng.

Để giải quyết phần vốn còn thiếu (2.160 tỷ đồng vốn ngân sách và 1.400 tỷ đồng vốn tín dụng), cuối tháng 5/2020, UBND tỉnh Lạng Sơn đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, cân đối hỗ trợ dự án khoảng 2.160 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để thực hiện chi trả cho công tác GPMB, các công trình đường gom, hầm chui dân sinh,…. Đồng thời, UBND tỉnh Lạng Sơn cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước có ý kiến với Vietinbank và các ngân hàng thương mại khác xem xét, thu xếp phần vốn tín dụng còn thiếu của dự án khoảng 1.400 tỷ đồng.

Trong diễn biến mới nhất, ông Phan Văn Thắng - Tổng giám đốc Công ty CP BOT Bắc Giang - Lạng Sơn - Hữu Nghị (nhà đầu tư) cho biết, để đẩy nhanh quá trình triển khai xây dựng và đảm bảo khả năng cân đối nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, dự án Hữu Nghị - Chi Lăng đang được xem xét phân kỳ đầu tư.

Theo đó, thay vì đầu tư hoàn chỉnh toàn tuyến 43km quy mô 4 làn xe cao tốc, giai đoạn 1 của dự án sẽ đầu tư trước đoạn Chi Lăng đến TP.Lạng Sơn (dài 27,3km) quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 17,5m, còn lại đoạn từ TP.Lạng Sơn đến Cửa khẩu Hữu Nghị (dài 15,7km) đầu tư quy mô 2 làn xe, nền đường rộng 13,5m. Với phương án này, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án khoảng 5.947 tỷ đồng, cơ cấu nguồn vốn, gồm: 1.600 tỷ đồng vốn chủ sở hữu, 2.347 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước và 2.000 tỷ đồng vốn vay thương mại.

“Nhà đầu tư cam kết góp đủ vốn chủ sở hữu, tổ chức tín dụng đã thống nhất cho vay 2.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương cũng sẵn sàng bỏ ra 1.000 tỷ đồng để hỗ trợ dự án. Vấn đề quyết định đến sự thành bại của dự án này giờ chỉ còn phụ thuộc vào nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước từ nguồn ngân sách Trung ương để đảm bảo phương án tài chính dự án khả thi”, ông Thắng chia sẻ.

Cần phải nói thêm, việc chậm triển khai cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng trong thời gian qua không chỉ làm đứt mạch tuyến cao tốc hướng tâm từ Hà Nội đến Lạng Sơn mà còn kéo theo những hệ lụy rất lớn về tính hiệu quả đầu tư, phương án tài chính của dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn (Chi Lăng). Bởi, dù được đưa vào khai thác từ cuối năm 2019, nhưng tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đến nay vẫn đang kết thúc “chơi vơi” tại huyện Chi Lăng, cách TP.Lạng Sơn 30km. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng phương tiện vẫn chủ yếu lưu thông trên tuyến QL1 cũ, khiến doanh thu của dự án sụt giảm, chỉ đạt khoảng 60% so với phương án tài chính ban đầu.

Ngoài đề xuất hỗ trợ 2.160 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương tham gia vào dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, trong văn bản vừa gửi đến Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn cũng đề nghị cơ quan này nghiên cứu, xem xét kiến nghị Chính phủ và cơ quan có thẩm quyền cân đối nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ 2.056 tỷ đồng cho dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn (Chi Lăng) bởi trong quá trình thực hiện dự án phát sinh một số khó khăn, vướng mắc do nguyên nhân khách quan: Dự án phải bỏ một trạm thu phí trên tuyến QL1; miễn giảm cho gần 6.000 phương tiện của người dân xung quanh trạm thu phí,....

Đình Quang

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/loi-thoat-nao-cho-cao-toc-huu-nghi-chi-lang-d468424.html