Lối thoát nào cho Bolivia?

Cuộc khủng hoảng chính trị đang bao phủ Bolivia xem ra đã nhìn thấy chút 'ánh sáng le lói' khi Tòa án Hiến pháp Bolivia ngày 13-11 đã công nhận bà Jeanine Anez là Tổng thống lâm thời của nước này, lấp đầy khoảng trống quyền lực do người tiền nhiệm Evo Morales từ chức.

Cuộc khủng hoảng chính trị đang bao phủ Bolivia xem ra đã nhìn thấy chút “ánh sáng le lói” khi Tòa án Hiến pháp Bolivia ngày 13-11 đã công nhận bà Jeanine Anez là Tổng thống lâm thời của nước này, lấp đầy khoảng trống quyền lực do người tiền nhiệm Evo Morales từ chức.

Trong một tuyên bố mới nhất, Phó Chủ tịch thứ 2 Thượng viện Boliva Jeanine Anez, người tự xưng là Tổng thống lâm thời, và đã được tòa án chấp nhận, thông báo sẽ tổ chức bầu cử sau khi những thành viên mới của các cơ quan bầu cử được bổ nhiệm. Hiện nay, 30 thành viên của các ủy ban bầu cử khu vực, trong đó có ít nhất 3 thành viên của Tòa án Bầu cử Tối cao, đã bị bắt giữ như một phần của cuộc điều tra được mở ra để điều tra cuộc bầu cử gây tranh cãi hôm 20-10, vốn mang về chiến thắng cho ông Morales.

Bolivia giờ đây đã có tổng thống tạm quyền, nhưng thực tế nước này vẫn chưa thể đi đến một lối thoát khi vẫn chia rẽ và xung đột gay gắt. Bà Jeanine Anez không phải là nhân vật được ủng hộ mạnh mẽ. Khi Quốc hội nước này được triệu tập nhằm xem xét đơn từ chức của Tổng thống Morales và phê chuẩn bà Anez làm tổng thống tạm quyền, rất nhiều nghị sĩ vắng mặt, không đủ số lượng cần thiết theo luật định để tiến hành bỏ phiếu. Nhiều thành viên đảng cánh tả của cựu Tổng thống Morales cho biết sẽ tổ chức một cuộc bỏ phiếu khác để hủy quyết định của bà Anez. Từ Mexico, cựu Tổng thống Morales cũng gọi đây là hành động bất hợp pháp, khi bà Anez tự tuyên thệ nhậm chức mà không có mặt đầy đủ của các thành viên Quốc hội.

Tình hình hiện nay cho thấy xung đột vẫn lan rộng khắp nước giữa những người ủng hộ và chống đối ông Morales. Trong tuyên bố sẽ sớm tổ chức bầu cử, bà Anez lại không đưa ra bất cứ khung thời gian cụ thể nào. Những người ủng hộ cựu Tổng thống Morales đã xuống đường đi đến tòa nhà Quốc hội ở La Paz yêu cầu nữ Tổng thống lâm thời từ chức. Cảnh sát đã phải vất vả đối phó với người ủng hộ ông Morales ở thành phố Cochabamba và một số khu vực khác. Liên đoàn Lao động lớn nhất của Bolivia cũng cảnh báo đình công vô thời hạn, nếu các chính trị gia và các nhà lãnh đạo dân sự không thành công trong việc khôi phục trật tự.

Tình hình ở Bolivia bất ổn đến nỗi Mỹ đã lệnh cho thân nhân của các nhân viên chính phủ nước này phải rời khỏi quốc gia Nam Mỹ này. Trong khi đó, LHQ và các nước cũng chưa thể tìm được lối đi cho Bolivia.

THANH VĂN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/92_215943_loi-thoat-nao-cho-bolivia-.aspx