Lối thoát cho Dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới

Sinh mệnh của Dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) và nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 3 đoạn Km 75 - Km 100 đang nằm trong tay UBND tỉnh Thái Nguyên.

Chờ địa phương

Một văn bản đồng ý chính thức là điều mà cả Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) và liên danh nhà đầu tư Dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) và nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 3 đoạn Km 75 - Km 100 (gọi tắt là Dự án) chờ đợi nhất vào thời điểm này.

Vào đầu tuần này, Bộ GTVT đã phát văn bản “giục” UBND tỉnh Thái Nguyên sớm có văn bản thống nhất về phương án giảm phí tại trạm thu giá dịch vụ Quốc lộ 3 tại Km 77 + 922,5 gửi Bộ GTVT và chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh phối hợp với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, hướng dẫn các chủ phương tiện kê khai, đăng ký giảm phí theo phương án đã thống nhất.

Trạm thu phí trên tuyến Thái Nguyên - Chợ Mới mang lại khoản doanh thu “bèo bọt” cho nhà đầu tư. Ảnh: Anh Minh

Bộ GTVT cũng đề nghị UBND tỉnh Thái Nguyên phối hợp với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và các cơ quan thông tấn tổ chức tuyên truyền, giải thích, vận động người dân chấp hành đúng chủ trương về đầu tư BOT và việc thu phí hoàn vốn cho dự án.

Trước đó, tại cuộc họp xử lý khó khăn, vướng mắc Dự án theo hình thức hợp đồng BOT được tổ chức vào cuối tháng 5/2018, lãnh đạo Bộ GTVT và UBND tỉnh Thái Nguyên thống nhất lựa chọn phương án giảm tối đa mức phí cho các phương tiện (đối với người dân khu vực lân cận trạm Quốc lộ 3 sẽ được giảm phí từ 50 - 100%; các phương tiện khác khi qua trạm Quốc lộ 3 được giảm 30%).

“Điều này có nghĩa là, chúng tôi sẽ được thu phí dịch vụ để hoàn vốn cho Dự án tại trạm thu phí Km 77 + 922,5, Quốc lộ 3 và trạm Km 72+930 trên tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới ”, ông Phạm Minh Đức, Giám đốc Công ty TNHH BOT Thái Nguyên - Chợ Mới cho biết.

Được biết, Công ty TNHH BOT Thái Nguyên - Chợ Mới tiến hành thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ tại Trạm Km 72+930, tuyến Thái Nguyên Chợ Mới (25/1/2018 - 25/4/2018) đạt tổng doanh thu lũy kế là 6,687 tỷ đồng. Tính bình quân, mỗi ngày chỉ có chưa đầy 1.735 PCU (phương tiện quy đổi lấy xe 5 chỗ ngồi làm chuẩn) qua trạm thu phí này, mang lại khoản doanh thu “bèo bọt” 74 triệu đồng.

CEO Tập đoàn Cienco4 - ông Nguyễn Tuấn Huỳnh chua chát nói: “Nếu chiểu theo phương án tài chính, lưu lượng xe trung bình phải đạt tối thiểu 9.398 PCU/ngày, với doanh thu là 594,5 triệu đồng, thì nhà đầu tư mới đạt đến điểm hòa vốn. Trong khi đó, tính đến cuối tháng 4/2018, doanh nghiệp dự án (Công ty TNHH BOT Thái Nguyên - Chợ Mới) đã chi 219 tỷ đồng, bao gồm các khoản trả lãi vay và nợ gốc; chi phí quản lý thu; chi phí duy tu bảo trì.

“Doanh nghiệp dự án đang khó khăn trong việc trả nợ ngân hàng và duy trì dự án hoạt động bình thường. Nếu tiếp tục kéo dài thêm vài tháng, việc mất thanh khoản chắc chắn sẽ diễn ra”, ông Huỳnh nhận định.

Được biết, Dự án BOT đầu tư xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) và nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 3 đoạn Km 75 - Km 100 có tổng mức đầu tư ban đầu là 2.746,3 tỷ đồng. Để hoàn vốn cho Dự án gồm 2 hợp phần không thể tách rời này, nhà đầu tư được sử dụng 2 trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ trên đường Thái Nguyên - Chợ Mới (Km 72+930) và trên Quốc lộ 3 hiện tại (Km 77+922) để hoàn vốn trên cơ sở sự thống nhất cao giữa 2 bộ Tài chính, GTVT và 2 tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn.

Tuy nhiên, do vấp phải sự phản đối của một số người dân địa phương, UBND tỉnh Thái Nguyên chỉ cho phép Dự án thu phí tại trạm thu Km 72+930 trên tuyến Thái Nguyên - Chợ Mới, với thời gian thu phí bắt đầu từ 0h ngày 25/1/2018.

Tới ngưỡng chịu đựng

Để gỡ khó cho nhà đầu tư, Bộ GTVT để ngỏ một “cửa sinh” theo hướng căn cứ số liệu thu thực tế trong 3 tháng, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền sẽ tính toán các phương án và báo cáo Thủ tướng tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư.

Tại cuộc họp giữa Bộ GTVT, UBND tỉnh Thái Nguyên, ông Phạm Minh Đức thay mặt Liên danh Cienco4 - Tuấn Lộc - Trường Lộc đề xuất 2 phương án thu phí dịch vụ hoàn vốn cho dự án BOT này.

Phương án thứ nhất là, thực hiện theo hợp đồng BOT đã ký giữa nhà đầu tư với Bộ GTVT với việc thu phí ở cả 2 trạm, miễn giảm cho các phương tiện khu vực lân cận trạm theo phương án đã thống nhất với UBND tỉnh Thái Nguyên. Đối với các phương tiện khác (ngoài khu vực lân cận nói trên) thì giảm 30% giá dịch vụ sử dụng đường bộ cho các loại xe. Thời gian hoàn vốn của Dự án theo phương án này tăng thêm 3 năm 4 tháng so với phương án cũ được chấp thuận.

Phương án thứ hai là, theo kiến nghị của UBND tỉnh Thái Nguyên, thực hiện miễn giảm như phương án 1, đồng thời bổ sung nâng cấp Quốc lộ 37 đoạn từ đèo Khế đến Bờ Đậu với kinh phí khoảng 250 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bộ GTVT, phương án thứ nhất sẽ khả thi hơn vì vẫn nằm trong các điều khoản thực hiện hợp đồng BOT của Dự án, không bị vướng mắc về pháp lý, lại dễ nhận được sự đồng thuận cao của người dân và xã hội do mức thu phí đã giảm sâu tối đa. Còn phương án thứ 2 sẽ phát sinh nhiều rắc rối về mặt pháp lý, khi lấy tiền từ dự án này đầu tư sang dự án khác, không phù hợp với Nghị quyết số 437/NQ -UBTVQH14 ngày 21/10/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trước đó, trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ đánh giá các trạm thu phí BOT còn bất cập vào giữa tháng 4/2018, Bộ GTVT cho biết, hiện có 4 dự án với 6 trạm thu trên cả tuyến quốc lộ và cao tốc khi đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc và cải tạo quốc lộ song hành mà Dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới và nâng cấp Quốc lộ 3 đoạn Km 75 - Km 100 là ví dụ điển hình.

Bộ GTVT cho biết, nếu bỏ các trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ, phương án tài chính các dự án sẽ không khả thi do nhà nước phải bố trí ngân sách để bù phần thiếu hụt doanh thu. Tính toán sơ bộ cho thấy, phần thiếu hụt này có thể lên tới 21.000 tỷ đồng, trong đó Quốc lộ 5 cần tới 16.000 tỷ đồng.

Trong điều kiện ngân sách khó khăn như hiện nay, phương án này là khó khả thi, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng cho phép tiếp tục thu phí tại các trạm này đi kèm với việc miễn, giảm giá dịch vụ đối với người dân quanh trạm và ưu tiên giảm giá chung cho các phương tiện nếu phương án tài chính các dự án còn khả thi.

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ PPP (Bộ GTVT), thời gian qua, việc dừng lại 1 trong 2 trạm thu phí hoàn vốn cho Dự án đang gây ra nhiều bất cập, khác với cam kết ban đầu của cơ quan nhà nước với nhà đầu tư, vi phạm các điều khoản trong hợp đồng BOT đã ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền với nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định, phương án giữ nguyên 2 trạm thu phí theo hợp đồng và tiến hành giảm giá tại trạm trên Quốc lộ 3 là khả thi nhất trong các phương án được đưa ra, nó nằm trong phạm vi các điều khoản thực hiện hợp đồng của các bên mà không phải báo cáo lên Chính phủ.

“Sức chịu đựng của nhà đầu tư là có hạn, không nên đẩy họ vào bước đường cùng. Vấn đề là, chính quyền địa phương cần tuyên truyền để người dân chia sẻ khó khăn với nhà đầu tư”, ông Huyện đánh giá.

Anh Minh

Nguồn Đầu Tư: http://baodautu.vn/loi-thoat-cho-du-an-bot-thai-nguyen---cho-moi-d83643.html