'Lời thề thứ 9' - vở kịch nói thấm đẫm tính phản biện xã hội sâu sắc

Tối 24-4, tại Nhà hát lớn thành phố Hải Phòng, vở kịch nói 'Lời thề thứ 9' – tác phẩm thuộc Đề án Sân khấu truyền hình Hải Phòng do Đoàn Kịch nói Hải Phòng chủ trì thực hiện chính thức lên sóng phục vụ khán giả.

NSUT Đức Khuê cùng các diễn viên đoàn kịch nói Hải Phòng trong vở diễn

NSUT Đức Khuê cùng các diễn viên đoàn kịch nói Hải Phòng trong vở diễn

“Lời thề thứ 9” là một trong những vở kịch cuối cùng của cố nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ. Đây là tác phẩm kinh điển, nổi tiếng có nội dung về lý tưởng, tình yêu Tổ quốc, tình yêu nhân dân, hừng hực bầu máu nóng vì bảo vệ đất nước, mong muốn người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Chuyện kịch mở màn bằng một hoạt cảnh dở khóc dở cười khi hai chiến sĩ trẻ Đôn, Xuyên hò nhau cướp va li của một ông trung niên béo béo, trắng trắng mà họ nghi là buôn lậu, để rồi khi về đến đơn vị, họ mới phát hiện ra ông trung niên kia chính là ông Hà - bố của Hiến, một người bạn còn lại trong đơn vị. Ông Hà hiện là Chủ tịch của một tỉnh nọ, cựu Sư trưởng Sư đoàn của họ. Đôn, Xuyên bị lãnh đạo quyết định kỷ luật. Không muốn bỏ rơi hai bạn, Hiến rủ hai người còn lại bỏ trốn.

Trong khi đó, ở quê nhà, gia đình Xuyên bị Chủ tịch xã Quách Văn Tuần ức hiếp, vu khống và bắt giam, ba người lính trẻ, vì thương đồng đội, đã quyết định tự thực thi công lý, bắt Quách Văn Tuần, ép ông ta thả bố Xuyên. Sự việc trở nên nghiêm trọng hơn khi sư đoàn phái người về bắt giữ ba chiến sĩ vì vi phạm kỷ luật.

Vở diễn được nhiều lãnh đạo thành phố và khán giả Hải Phòng đón nhận nồng nhiệt

Vai diễn ông Hà do NSƯT Đức Khuê thể hiện đã khắc họa rõ nét chân dung nhận vật có tính phản biện sâu sắc. Ông ta không phải người xấu, thế nhưng, vì quá bận bịu, ông không bao quát, chăm lo đời sống nhân dân, từ đó nảy sinh quan liêu. Ông hối lỗi vì trong thời gian làm chủ tịch xã đã lơ là, quan liêu, để cấp dưới lộng hành, gây ra những hậu quả đáng tiếc.

Trong đêm kịch, vai diễn bà Hoài - mẹ của Xuyên do NSND Lê Khanh thể hiện thực sự là điểm sáng của “ Lời thề thứ 9”, nhân vật gây xúc động bởi giọng nói đanh thép, nhiều câu thoại chí lý. Bà Hoài chính là đại diện cho lớp người dám đứng lên phản kháng, chống lại thói quan liêu, sách nhiễu của quan chức địa phương.

Theo NSƯT Lệ Thu – Trưởng đoàn Kịch nói Hải Phòng, “Lời thề thứ 9” vẫn còn tính thời sự nóng hổi bởi thông điệp chống tham nhũng, chống tiêu cực của nó.

Một phân cảnh trong vở “ Lời thề thứ 9”

Câu chuyện đầy tính chính luận trước sự thoái hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ đã được Lưu Quang Vũ phản ánh sắc sảo trong vở kịch “Lời thề thứ 9” từ 35 năm trước. Cho tới tận hôm nay, người ta vẫn thấy bóng dáng những sự việc như thế diễn ra trong xã hội.

Kết thúc vở kịch, khán giả sẽ nhận ra rằng, có những người lính trẻ vẫn vẹn nguyên tình yêu tổ quốc, tình yêu nhân dân; hừng hực bầu máu nóng vì bảo vệ đất nước, vì muốn đất nước mình tốt đẹp, muốn mỗi người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Và cũng ở đấy, có những người dân dù thế nào cũng không đổi thay, vẫn một lòng tin vào Đảng, vào Nhà nước; vẫn khẳng định rằng rồi đây mọi chuyện trắng đen cũng sẽ được rõ ràng, tốt xấu sẽ được phân minh...

Vậy nên, khán giả sẽ giữ cho mình những lạc quan về một xã hội tương lai tốt đẹp, nơi mà ở đó công lý sẽ được thực thi, vẫn còn đó tình đồng đội, tình làng nghĩa xóm keo sơn gắn kết... để giúp nhau vượt qua hoạn nạn.

“Lời thề thứ 9” được sáng tác vào năm 1986, lần đầu ra mắt công chúng yêu nghệ thuật vào năm 1988. Tác phẩm đã được nhận giải thưởng về đề tài chiến tranh cách mạng của Bộ Quốc phòng năm 1995. Sau 35 năm, giá trị của tác phẩm vẫn còn vẹn nguyên khi nó không chỉ phù hợp với hoàn cảnh xã hội Việt Nam hiện nay, mà còn gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về sự vô cảm khi mà nó đang đeo bám, sinh sôi trong mỗi chúng ta bởi sự buông xuôi, dễ dãi của con người.

Ngọc Dũng

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/loi-the-thu-9-vo-kich-noi-tham-dam-tinh-phan-bien-xa-hoi-sau-sac-236244.html