Lời thề Hippocrates trong tim những đóa hồng

Dân tộc Việt Nam được dựng từ hàng ngàn năm lịch sử oai hùng, nơi đó có những chiến thắng vẻ vang, cũng có những đau thương mất mát, có những khúc ca oai hùng cũng có những năm đầy máu lửa.

Song hành suốt chiều dài lịch sử luôn hiện hữu hình ảnh người phụ nữ, những người có thể bình dị với thiên chức làm vợ, làm mẹ nhưng cũng đầy nhiệt huyết và can trường khi tiếng gọi tổ quốc được cất lên.

Với bốn ngàn năm lịch sử được lưu truyền, hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước từ truyền thuyết Mẹ Âu Cơ mang con lên non, đến Bà Trưng, Bà Triệu chống giặc ngoại xâm hay những nữ chiến sĩ anh hùng làm quân thù khiếp sợ, những nhà khoa học tài ba với kiến thức uyên thâm… Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam đã được khắc họa chân thực, rõ nét, thật đẹp và cũng thật anh hùng. Báo Sức khỏe & Đời sống xin giới thiệu đến độc giả những một mảnh ghép nhỏ trong hàng vạn mảnh ghép oai hùng - Mảnh ghép về những người phụ nữ cháy trong tim lời thề Hippocrates.

Thời chống Mỹ, có một bác sĩ Đặng Thùy Trâm...

Bác sĩ Đặng Thùy Trâm sinh tại Huế nhưng lớn lên tại Hà Nội trong một gia đình tri thức. Bố chị là ông Đặng Ngọc Khuê, bác sĩ ngoại khoa. Mẹ chị là bà Doãn Ngọc Trâm, giảng viên trường Đại học Dược Hà Nội. Tuổi thơ của chị trải qua thời kỳ khốn khó trong những năm kháng chiến. Năm 1961, nối nghiệp gia đình, Đặng Thùy Trâm thi đỗ vào Đại học Y Khoa. Sau khi tốt nghiệp, thay vì lựa chọn công việc chuyên môn ở hậu phương, nhưng nghe theo mách bảo của trái tim, của tiếng gọi thiêng liêng từ miền Nam ruột thịt, Bác sĩ Đặng Thùy Trâm đã xung phong vào miền Nam, nơi những chiến sĩ của ta đang chiến đấu ác liệt nhất, anh dũng nhất. Năm 1970 khi còn rất trẻ, chỉ mới chưa đầy 28 tuổi đời với 3 năm tuổi nghề và 2 năm tuổi Đảng, khi làm nhiệm vụ tại địa bàn huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, chị bị địch phục kích và anh dũng hy sinh.

Bác sĩ Đặng Thùy Trâm vào chiến trường miền Nam phục vụ với phương châm của lớp thanh niên thời đó “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Những trang nhật ký của chị thấm đẫm tình đồng chí, đồng đội, tình yêu tổ quốc

Bác sĩ Đặng Thùy Trâm vào chiến trường miền Nam phục vụ với phương châm của lớp thanh niên thời đó “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Những trang nhật ký của chị thấm đẫm tình đồng chí, đồng đội, tình yêu tổ quốc

Cuộc đời nữ bác sĩ - chiến sĩ Ðặng Thùy Trâm tràn đầy chất anh hùng ca, nhưng cũng đầy chất lãng mạn, tình đồng chí, đồng đội. Chị là một điển hình tiêu biểu cho thế hệ trẻ Việt Nam; một thầy thuốc trẻ mẫu mực, biết cống hiến hết mình cho dân, cho nước, chị đã cứu chữa cho hàng nghìn thương binh và nhân dân trong suốt những tháng ngày công tác, đã đứng ra cầm súng bảo vệ cho những thương binh và đã ngã xuống như những chiến sĩ ngoan cường.

Mang theo giấc mơ nhà văn từ thuở nhỏ, chị là tác giả hai tập nhật ký được viết từ ngày 8 tháng 4 năm 1968, khi phụ trách bệnh xá Đức Phổ, cho đến ngày 20/ 6/ 1970, 02 ngày trước khi hy sinh. Hai tập nhật ký này được Frederic Whitehurst, cựu sĩ quan quân báo Hoa Kỳ, lưu giữ cho đến ngày được trả lại cho gia đình tác giả vào cuối tháng 4/2005. Sau đó được biên tập thành quyển sách mang tên Nhật ký Đặng Thùy Trâm. Theo chân hành trình nhật ký của chị, chúng ta thấy rõ hơn chân dung một người bác sĩ với trái tim đầy yêu thương và nhiệt huyết, sẵn sàng hy sinh vì tổ quốc thiêng liêng

8.10.69

Đất nước ơi! Bao giờ cho nhớ thương nguôi bớt, bao giờ cho đất nước thanh bình? Mình biết ngày thắng lợi không xa nữa nhưng sao vẫn thấy hạnh phúc xa vời quá. Liệu có được thấy ngày hạnh phúc ấy nữa không? “Người cộng sản rất yêu cuộc sống nhưng khi cần vẫn có thể nhẹ nhàng mà chết được”. Chết mà vẫn yêu sao cuộc sống, cuộc sống mà người ta đã đổi bằng mồ hôi nước mắt và máu xương suốt hai mươi ba năm nay.

Nhưng cũng có những giây phút nhớ nhà, cũng có những lúc buồn lúc vui, lúc đau thương khi hay tin đồng đội đã ngã xuống.

1.6.68

Một buổi sáng như sáng nay, rừng cây xanh tươi sau một trận mưa rào. Không gian trong lành mà sao lòng mình lại ngập tràn thương nhớ, nhớ miền Bắc vô vàn. Nhớ từ những hàng cây bên đường phố, những cây bàng, cây sấu lá xanh bóng sau những cơn mưa và con đường nhựa sạch sẽ vào những buổi sáng. Nhớ một căn phòng đơn sơ nhưng đầm ấm, buổi sáng râm ran tiếng cươic nói chen lẫn tiếng phát thanh từ chiếc radio để giữa nhà. Nhớ mẹ, nhớ ba, nhỏ Phương và tất cả những người thân yêu ngoài ấy. Bao giờ tiếng súng chiến tranh chấm dứt để ta trở về với miền Bắc yêu thương? Liệu còn có được những ngày đoàn tụ ấy không? Chiến tranh là mất mát. Trên mảnh đất miền Nam nóng bỏng lửa khói này, hầu như 100% các gia đình đều có tang tóc. Chết chóc đau thương đè nặng lên đầu mỗi người dân. Nhưng càng đau xót, họ càng căm thù, càng thêm sức chiến đấu…

29.3.70

Địch uy hiếp khu vực bệnh xá một cách nghiêm trọng. Những chiếc HU-1A và rọ quần sát trên ngọn cây phóng lựu đạn, hỏa tiễn tầm ngắn và xổ từng tràng đại liên nghe đến điếc tai. Pháo từ núi Chóp bắn vào nổ sát bên hầm, một mảnh pháo to chẻ nát một thân cây lát hầm ngay giữa phòng mổ: nếu địch ập vào đây làm sao di chuyển được thương binh cho kịp Thành và anh Xuất đi cảnh giới không thấy về, súng nhỏ nổ hướng đó, tàu bay hạ hướng đó, có ai sao không?

….

Lần đầu tiên đào huyệt chôn một người đồng đội, những nhát cuốc của mình bổ xuống đá làm tóe lửa lên như nỗi căm thù đang bốc cháy trong lòng mình. Hôm qua trong lúc đi cảnh giới về gặp địch, Thành đã bị chúng bắn chết ngã ngay tại suối trước ngô vào nhà mình, và anh Xuất bị chúng bắn bị thương rồi hạ tàu bay chở đi. Chiếc quần của anh chúng rọc nát còn vứt lại một bên… Chưa đầy ba tháng cơ quan mất ba người? Huyệt đào chưa xong mọi người đã khiêng Thành về. Qua một ngày rồi mà máu vẫn còn chảy ướt đỏ tấm drap quấn quanh Thành. Mình nhìn không rõ mặt Thành lắm, chỉ thấy đôi mắt đã nhắm và nước da nhợt nhạt Lúc sống Thành có nhiều nhược điểm làm mình không ưa, nhưng bây giờ khi khỏa đất lấp lên thân hình người đồng đội ấy mình không cầm được nước mắt Vậy đó, hãy ráng mà đùm bọc thương yêu nhau khi còn sống chớ khi đã chết rồi có khóc thương cũng chỉ là những giọt nước mắt nhỏ trên nấm đất vô tri vô giác mà thôi.

Chị đã nằm xuống, nhưng chị vẫn sống mãi trong trái tim của hàng triệu con người, những trang nhật ký của chị vẫn tồn tại với thời gian, vẫn rực lửa như bản thân trang viết đã có lửa.

Thời chống dịch có thật nhiều những “bông hồng thép”...

Hơn một năm kể từ khi bệnh nhân COVID-19 đầu tiên xuất hiện ở nước ta, cuộc chiến chống dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường, gây hậu quả nghiêm trọng, toàn ngành y tế cùng cả hệ thống chính trị đang dồn toàn tâm, toàn lực để ngăn chặn, khống chế và đẩy lùi đại dịch, thì đâu đó trên khắp mảnh đất Việt Nam, trên từng điểm nóng của dịch bệnh những “bóng hồng thép” vẫn đang công tác, cống hiến và tận tâm, vì bình yên của người dân dù ở vị trí công tác hay cương vị nào.

Mái tóc dài biểu tượng của người con gái được cắt đi cùng quyết tâm “Hết dịch tóc lại dài”

Những ngày đầu tiên của cuộc chiến, COVID-19 đang có những diễn biến phức tạp, kẻ thù vô hình chưa được hiểu biết tường tận, sáng ngày 26/3 /2020 thực hiện chỉ đạo của Sở Y tế TP. HCM về tăng cường nhân sự cho công tác phòng chống dịch tại khu cách ly ký túc xá Đại học Quốc gia (Thủ Đức), bác sĩ CKI. Trần Thị Oanh, đang công tác tại BV Hùng Vương, TP. HCM và 10 “chiến sĩ áo trắng” của bệnh viện đã thần tốc lên đường làm nhiệm vụ. Trong gần một tháng thực hiện nhiệm vụ tại khu cách ly, bác sĩ Oanh cùng các đồng nghiệp làm công tác tiếp nhận người dân về cách ly, khám sàng lọc, theo dõi sức khỏe, điều trị bệnh thông thường và sắp xếp chỗ ở cho mọi người. Bác sĩ Oanh chia sẻ: “Do điều kiện phòng ốc không đủ, nên cả đoàn phải dọn dẹp khu vực nhà kho của ký túc xá làm phòng nghỉ… tối đến muỗi đốt dài hết cả cánh tay…”. Chị cùng đồng nghiệp nhiều lần xa gia đình mà chưa một lần về thăm nhà, chỉ có thể tranh thủ những giây phút hiếm hoi để hỏi thăm tình hình gia đình qua những cuộc điện thoại vội vã. Bác sĩ Oanh nói: “Là phụ nữ nên thời gian đầu nhận nhiệm vụ, gia đình rất lo lắng cho tôi, nhưng sau đó hiểu được tính chất công việc và nhiệm vụ cao cả là chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân nên gia đình lại động viên tôi cố gắng cùng đồng nghiệp hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.

Ở một chiến tuyến khác, bác sĩ Đỗ Thị Băng Ngân đã phải hoãn cưới tới ba lần, xung phong vào tuyến đầu điều trị. Lần đầu tiên, đó là đầu năm 2020, bác sĩ Ngân đã có kế hoạch tổ chức đám cưới cùng chồng đang công tác tại BV Đa khoa Quảng Ninh, tuy nhiên dịch bệnh bất ngờ bùng phát, không một chút ngần ngại chị đã ngay lập tức tham gia vào công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Quảng Ninh; tháng 8/2020 thì đợt dịch tại Hải Dương bùng phát. Bác sĩ Ngân tiếp tục tham gia công tác chống dịch; Và ngay trước thềm mùa xuân năm 2021, dịch bệnh lại bùng phát ở đúng hai tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh, Bệnh viện nơi bác sĩ Ngân công tác trở thành cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19. Đám cưới của chị lại được hoãn lại lần 3. “Đám cưới lại thêm một lần trì hoãn, vẫn chưa biết khi nào mới có thể tổ chức được. Thế nhưng, tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, chúng tôi xác định đều gác lại việc cá nhân để thực hiện nhiệm vụ, góp chút sức lực nhỏ bé sớm đẩy lùi được dịch bệnh”, bác sĩ Ngân tâm sự.

Những sự hi sinh không nói hết thành lời...

Trong rất nhiều những nỗi đau khổ của con người, không có sự mất mát nào lớn hơn mất cha, mất mẹ của mình. Vậy mà, lần cuối tiễn đưa cha về nơi an nghỉ cuối cùng, nữ chiến sĩ áo trắng ấy lại không thể có mặt... Sau khi được tin cha ruột qua đời, mặc dù đang ở ngay trong cùng một thành phố, nhưng chị Hoàng Thị Thu Hương điều dưỡng trưởng khoa B6 của BV số 2, Quảng Ninh vẫn không thể về chịu tang cha.

“Cuộc chiến này khốc liệt đúng không cha?

Cha mất mà con không về nhà

Lập bàn thờ cha, nơi dã chiến

Ôm vành khăn trắng khóc thương cha…”

Tại Bình Thuận, trường hợp nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Liên phải nén nỗi đau mất mẹ để ở lại bệnh viện cùng thực hiện nhiệm vụ chống COVID-19 đã lan tỏa thông điệp cao cả về sự hy sinh những người thầy thuốc nơi tuyến đầu chống dịch. Ngày mà 7 trong số 9 bệnh nhân đang điều trị dịch COVID-19 của tỉnh Bình Thuận đã có kết quả xét nghiệm âm tính lần đầu sau hơn nửa tháng được điều trị, chăm sóc đáng lẽ là một ngày vui, nhưng niềm vui chỉ lướt qua chị Liên trong khoảnh khắc ít ỏi. Một cuộc điện thoại báo tin, đau đớn. “Má mất rồi em” đã để lại những niềm đau không gì so sánh được.

Chị bật khóc! Chị khóc nhưng lại sợ đồng nghiệp nhìn thấy, lấy hai tay che lại gương mặt. Lúc đó, cả khoa ai cũng được biết, tìm chị an ủi. Những cái ôm, động viên ấy kịp cho chị lấy lại bình tĩnh. Chưa bao giờ chị chông chênh như lúc này. Đêm đó, chị không thể nào chợp mắt được. Chị lại khóc! Dẫu biết rằng quy luật sinh, lão, bệnh, tử là điều khó tránh thế nhưng khi hay tin thì cũng không khỏi bàng hoàng: “Tôi thấy rất là đột ngột. Tại vì trước khi tôi vào Khoa Truyền nhiễm để chống dịch thì thấy sức khỏe bà cũng bình thường, rồi ăn uống cũng bình thường. Nhưng mà trong thời gian 20 ngày thì nghe tin mẹ mất. Tôi rất là đau vì không thể về nhìn thấy mặt mẹ”.

Nỗi đau mất mẹ khó ngôn từ nào tả hết, nhưng càng mất mát hơn chính là không thể về chịu tang mẹ vì đang tham gia vào tuyến đầu chống dịch, trong những ngày dịch bệnh đang hoành hành, chị đã gác lại nỗi đau cá nhân vì cuộc chiến chống dịch vẫn còn, vì chiến sĩ ngành y nên chị vẫn phải xông pha vì bình yên của người dân, của đất nước. Chị như chết lặng vì chữ hiếu chưa tròn, vì vành khăn tang chưa thể đội “Chắc không còn gì nữa đâu, chị đã cố gắng trong thời gian qua, chắc má hiểu. Giờ chắc còn nợ má vành khăn, để chờ ngày chị về thắp hương thôi” Chị đã nói như thế.

Vì lời kêu gọi cho tuyến đầu chống dịch, bác sĩ Đỗ Thị Băng Ngân đã 3 lần hoãn cưới cùng với hàng trăm đồng nghiệp lăn xả, căng mình trong trận chiến chống dịch Covid-19

Và có sự ra đi là mãi mãi...

Ngày 1/3, Bộ Y tế đã có Quyết định số 1411/QĐ-BYT về việc truy tặng Kỷ niệm chương Vì Sức khỏe nhân dân cho nữ cán bộ Vũ Thị Tình bị tai nạn tử vong thương tâm sau khi làm nhiệm vụ trực chốt chống dịch COVID-19. Đây là một sự hy sinh mất mát vô cùng lớn lao của gia đình và của ngành y tế địa phương trong khi đại dịch COVID-19 còn chưa được khống chế và đặc biệt cả nước đang có nhiều hoạt động tri ân những y bác sĩ, những chiến sĩ áo trắng trên mặt trận diệt giặc COVID-19.

Trước đó, khoảng 17h55 ngày 25/2/2021, sau khi hết ca trực tại chốt phòng chống dịch COVID-19 (tại chốt Lâm Đồng, xã Văn Tố, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương), trên đường trở về nhà ở thôn Tất Thượng, xã Cộng Lạc, chị Vũ Thị Tình (SN 1986) là nhân viên y tế của Trạm y tế xã Văn Tố không may bị tai nạn giao thông thương tâm và không qua khỏi.

Quá khứ đã lùi xa, tương lai đang tiến tới và ở đó những “nữ anh hùng” mang trong tim lời thề Hippocrates vẫn sẽ tiếp tục nỗ lực, hiến dâng để góp phần tô vẽ nên bức tranh thật hùng vĩ nhưng cũng thật đời thường, thật oai hùng nhưng dung chứa tình yêu thương vô hạn - Bức tranh về người phụ nữ Việt Nam.

KHÔI NGUYỄN - HOÀNG NGỌC

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/loi-the-hippocrates-trong-tim-nhung-doa-hong-n188311.html