Lời than thở của những khu nhà cũ

Những bức tường nứt toác, những cột dầm sụt lún, những lan can bong tróc của rất nhiều khu nhà tập thể cũ xập xệ ở Hà Nội tưởng đã hết vai trò lịch sử từ lâu nhưng hiện tại vẫn oằn mình gánh cuộc sống của biết bao số phận.

Trong cái thành phố ngày một hiện đại, xa xỉ và tốc độ này, ít ai để ý rằng từ khoảng cầu thang chật hẹp và tối tăm, từ rất nhiều căn phòng ngột ngạt và bức bối, ngày ngày vẫn vang lên những tiếng thở than lặng thầm…

Hà Nội hiện có đến 1.579 khu nhà tập thể cũ kĩ, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.

Hà Nội hiện có đến 1.579 khu nhà tập thể cũ kĩ, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.

Ước được đi thang máy một lần

Từ khu chợ Hà Đông sầm uất, đông vui trên phố Lê Lợi rẽ vào khu tập thể Cầu Đơ 2 (đường Lê Hồng Phong, phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông), chỉ vài trăm mét nhưng là sự khác biệt của mấy chục năm và hai thế giới. 4 dãy nhà tập thể A, B, C, D lợp ngói cũ nát nằm song song, nhìn từ trên cao xuống như 4 sợi chỉ hồng nhạt lọt thỏm giữa những khu nhà cao tầng quanh đó.

Chiều mưa ẩm ướt, bà Vũ Thị Kim Nhị (81 tuổi) chống gậy rờ rẫm từng bậc cầu thang từ tầng 3 xuống tầng 1 khu nhà A để đi mua gạo. Sau đó, bà lại nhờ chị bán gạo xách lên tầng 3 giúp. Việc chỉ có thế thôi nhưng cũng phải mất nửa buổi chiều bà mới hoàn thành. Những đoạn cầu thang tối om, tường vôi cát bở bùng bục, bậc thang thoai thoải, sứt sẹo, bé tí vì có “con lươn” ở giữa làm lối dắt xe lên xuống luôn là nỗi ám ảnh của bà Nhị. Đầu gối sưng đau, thành thử bà Nhị vừa đi vừa nghỉ, mắt dán xuống cầu thang để chọn chỗ đặt gậy, đặt chân. Nếu chẳng may đang đi mà có cậu thanh niên nào rồ ga phi xe máy vượt cầu thang đi lên thì bà luống cuống không biết tránh đi đâu.

Bà Nhị ao ước một lần được đặt chân vào thang máy.

“Tôi ao ước được một lần được đi thang máy cô ơi. Cái thang máy tôi mới nhìn thấy trên tivi chứ chưa bao giờ được đặt chân vào. Ở đây, đến một ngày tôi không thể leo cầu thang được nữa, là tôi sẽ bị nhốt ở trên tầng cao cho đến lúc chết thôi”, bà Nhị buông những lời than thở.

Khu tập thể này xây từ năm 1970. Năm 1976 bà Nhị được phân về đây ở, đã gần nửa thế kỷ. Ngày đó, cả thị xã Hà Đông (tỉnh Hà Tây cũ) mới có 2 dãy nhà A, B cao ngất giữa bốn bề toàn nhà cấp 4, ngay trước mặt là con đường thẳng tắp. Khu nhà quét ve vàng chói là niềm tự hào của thế hệ cán bộ một thời, là niềm ao ước của rất nhiều người. Đầu tiên người ta gọi là khu tập thể Cầu Đơ 2, rồi “khu cao tầng”, “khu tập thể 3 tầng”, bây giờ là tổ dân phố 13.

Trải qua từng ấy cái tên, khu nhà cũ dần, rồi hư hỏng. Có lần gió bão làm cả mảng ngói rộng bằng hai cái chiếu trên nóc nhà rơi xuống người bà Nhị, nhìn mái nhà hở hoác mà hãi hùng và bất an. Từ đó đến nay, cứ vài năm nhà bà lại phải sửa sang một lần mà cũ vẫn hoàn cũ, không chống đỡ nổi sự xuống cấp theo thời gian.

Hành lang tróc lở ở khu tập thể Cầu Đơ 2.

Bi kịch từ căn nhà hẹp

Trên tầng 3, tầng cao nhất của khu nhà, bà Hoàng Thị Nữ (74 tuổi), hàng xóm của bà Nhị đang phơi quần áo ngoài hành lang. Ngay trên đầu bà, mái ngói đã hỏng, phải lợp tôn và làm phên gỗ rồi trát lại. Nhưng, chỉ được một thời gian, gạch vữa rơi xuống, lộ phên gỗ trông như xương cá đen ngòm, nham nhở. Những dây điện nhỏ chằng chịt chạy dọc hành lang rồi tập trung lại ở phía cầu thang thành một búi đen sì rối rắm.

Cuộn tấm mành tre, bà Nữ mời tôi vào nhà uống nước. Nhà có 2 gian, gian trong 13m², gian ngoài 12m². Thêm một khoảng hẹp bố trí nhà vệ sinh và bếp. Tổng diện tích sử dụng của cả nhà là 40m², tính cả khoảng hành lang trước cửa phòng thành lối đi chung cho cả dãy. Trong nhà bà Nữ cũng chẳng khá hơn, nhìn tường nhà vỡ lở, trần nhà bằng vôi rơm đã rơi cả tảng xuống, tôi rùng mình.

Lời thở than nơi hành lang xập xệ.

Bà Nữ có 3 người con, 2 con gái đã đi lấy chồng. Còn anh con trai, lấy vợ, sinh con rồi ở đây với ông bà. 3 thế hệ sống thu lu trong căn nhà hẹp. Khi ngủ thì người nằm trên giường, người lăn dưới đất. Ngày nắng thì nóng bức ngột ngạt, mà ngày mưa thì lo dột tứ phía. Bốn phía tường đều có giá inox, đồ đạc chất lên tận nóc. Ngửa mặt lên nhìn trần nhà mà ám ảnh, lo lắng ngày đêm. Bao năm qua, vợ chồng bà cùng con cái và các cháu sống chui rúc, khổ sở. Bi kịch gia đình cũng từ đây mà ra.

Cách đây vài năm, cô con dâu của bà không chịu nổi cảnh sống chật chội, bí bách nên đã bỏ đi. Đứa cháu trai chê nhà ông bà nội nghèo cũng bỏ về sống với ông bà ngoại. Bà nhớ cháu nhưng chẳng có nhà rộng mà đón nó về. Mấy lần, anh con trai nghĩ đến việc đi bước nữa nhưng không có chỗ ở nên tặc lưỡi bảo thôi. Ông bà mỗi tháng chỉ có vài triệu lương hưu, ăn uống sinh hoạt còn khó, nói gì đến việc mua nhà cho con. Thế nên càng nghĩ càng buồn, càng vô vọng.

Bà bảo sắp hết đời, muốn mua bộ bàn ghế ngồi uống trà cũng không có chỗ. Chiếc giường cũng phải đóng thành 3 mảnh, khi cần thì gấp gọn lại. Hằng ngày, chỉ một manh chiếu trải ra ăn cơm rồi lại cuộn vào. Kệ thôi, nhắm mắt mà sống. Những ngày giỗ tết thì đến là khổ. Bà chỉ dám sắp 2 mâm cơm, ăn làm 2 lượt. Lượt đầu, bọn trẻ con ăn trước. Bọn chúng ăn xong thì bà dồn hết ra ngồi ngoài hành lang, đứa lớn trông đứa bé, lúc ấy người lớn mới ngồi xuống mâm. Có lần bà suýt mất đứa cháu chỉ vì cảnh ăn chia lượt ấy. Chả là trong lúc đợi người lớn ăn, mấy đứa cháu vạ vật ngoài hành lang. Một đứa nhỏ lần mò xuống cầu thang, đi ra đường rồi bị lạc, mãi mới tìm thấy. Nghĩ lại hú hồn hú vía.

Ngày nào bà Nữ cũng thẫn thờ ra hành lang, ngắm nghía những ngôi nhà cao tầng lộng lẫy ngay trước mặt rồi ngẫm ngợi, ao ước xa xôi. Chẳng phải mình bà, mà đa phần người dân ở khu nhà này đều mong ngóng từng ngày về việc cải tạo, tái thiết lại nhà tập thể. Cách đây mấy năm thành phố rục rịch quy hoạch, bà đã khấp khởi mừng nhưng rồi mọi thứ lại chìm vào im lặng. Chợt có tiếng xe máy rồ ga vang động cả khu nhà, bà Nữ lẩm bẩm: “Lại phi xe từ tầng 1 lên đấy, khiếp lắm, cứ như xiếc ấy. Nhưng mà không dắt lên thì họ lấy đâu ra tiền mà gửi xe...”.

Góc lãng mạn nhỏ xíu

Ở góc cầu thang tầng 1 khu nhà tập thể A3 ven hồ Thành Công, chị Vũ Nguyệt Thu đang kì cạch đạp máy khâu. Dù lấy chồng ở huyện Đông Anh nhưng hằng ngày chị vẫn sang nhà bố mẹ đẻ ở khu tập thể này, tận dụng khoảng cầu thang để mở tiệm sửa chữa quần áo. Một góc cầu thang mà đủ hết, máy khâu, buồng thay quần áo, bảng chỉ màu đủ loại, chiếc bàn gỗ là quần áo... Thỉnh thoảng, chị lại chạy lên tầng 4 nói chuyện với bố mẹ. Ông Vũ Văn Đức (78 tuổi) - bố chị Thu là bộ đội nghỉ hưu, được phân nhà ở đây từ năm 1986. Ông vẫn nhớ lại những ngày hân hoan dọn đồ về ở đây.

Ông Đức vẫn tìm kiếm những góc lãng mạn trong căn nhà chật chội.

“Hồi đó chúng tôi còn trẻ, khu nhà 5 tầng này cũng trẻ, trông gọn nhẹ, thanh thoát lắm. Bây giờ chúng tôi già, khu nhà cũng già nua, phải gồng gánh “chuồng cọp” đua trước đua sau. Ngày xưa 80 gia đình ở đây đều ít người, ở thì vừa, giờ mỗi nhà đều 5-6 người thì chật hẹp về không gian. Nhà nào cũng đã sửa sang, nâng cấp, cơi nới, xoay xở hết mức để có thêm diện tích”.

Bao năm nay, gia đình ông đã quen với sự giản đơn, không mua sắm gì nhiều, ngại bày vẽ. Ông thở dài, khu nhà ọp ẹp, quá tải rồi, mua thêm một chiếc áo, chiếc chăn là thêm nặng. Ngày trước khi mới về đây, tết đến cả khu còn gói bánh chưng, mỗi nhà 4-5 cái cho vào nồi áp suất rồi chất than tổ ong ở hành lang. Giờ thì chịu, chỉ mua 1-2 cái thắp hương các cụ thôi. Ngày cưới con, ông bà cũng chỉ dựng rạp giản đơn ở dưới đường, khách khứa cũng hạn chế mời.

Ông Đức bảo, tuy chật thế nhưng vẫn phải lạc quan mà sống. Vẫn phải tự kiếm cho mình những góc lãng mạn nhỏ xíu. Đó là khi những cơn gió mát lành từ hồ thổi lên khu nhà cũ kĩ, luồn qua song cửa sổ sắt rỉ sét ùa vào nhà. Đó là mỗi sáng ông ngồi bên ô cửa sổ, uống trà, hóng gió hồ, ngắm những giò lan mà con trai ông tỉ mỉ trồng và treo kín khoảng hành lang chật chội.

Ngày ngày đi lên đi xuống mấy tầng cầu thang là thở hổn hển nhưng ông bảo đấy cũng là tập thể dục. Những mảng tưởng lở loét, những ô thoáng cầu thang gãy vỡ nham nhở, ông đều nhìn thấy cả nhưng ông chỉ coi là những mụn nhọt ngoài da của khu nhà. Chiều đến, ông xuống công viên tập thể dục. “Phải có lúc mình rời nhà, cho nhà thở và nghỉ ngơi. Chứ cứ phải gồng gánh 6 người suốt ngày đêm, cái nhà cũng mệt mỏi”.

Cả nhà ông Đức phấp phỏng về số phận nhà A3. Có lúc ông tưởng khu nhà sẽ bị phá ngay tức thì để xây chung cư mới, khiến ông vừa mừng vừa lưu luyến. Rồi có lúc lại nghe phong thanh nhà đầu tư định lấp một phần hồ xây nhà, ông tiếc cái hồ đến ngẩn ngơ. Nhưng rồi mãi chả thấy gì, ông vẫn cứ chờ đợi...

Nhà siêu diện tích

Nếu như không bước chân vào khu tập thể Nhà máy in Tiến Bộ ở phố Giảng Võ thì tôi khó có thể tin giữa khu trung tâm Thủ đô, ngay phía sau những cửa hiệu sáng choang kia lại là những căn nhà tập thể u tối, nhếch nhác đến vậy. Dưới ngõ khu tập thể, quần áo đủ loại phơi thấp rà đầu người, xe cộ xếp hàng phơi mưa phơi nắng, mùi ẩm mốc xộc lên khó chịu. Cả khu nhà lồi lõm, chắp vá, biến dạng trông như con quái vật già nua gớm ghiếc nằm ngay cạnh một tòa nhà cao tầng đẹp đẽ gần đó.

Ở khu nhà này, nắng khó lọt xuống, gió cũng khó len vào, vì căn phòng nào cũng đều nở ra thành siêu diện tích. Với khoảng 36m² ban đầu, nhà nào cũng cơi nới, mở rộng cả phía trước, phía sau lên đến cả trăm mét vuông. Nhà ở tầng trên sẽ dựa vào phần đua ra ở tầng dưới để cơi thêm, càng lên cao, nhà càng rộng. Ngước trông những lồng sắt đè lên nhau như hình tháp ngược mà sợ run người.

Ở góc tầng 2, bà Nguyễn Thị Lỡ đã 92 tuổi đang lụi hụi nấu bữa chiều căn bếp trên cao. Bà nhớ rằng khu nhà này được xây quãng năm 1976. Chồng bà ngày trước công tác ở Nhà máy in Tiến Bộ nên cả nhà được phân một gian ở đây. Đếm sơ sơ, nhà bà có đến 9 phòng to nhỏ đủ loại. Vài năm thì con bà lại sửa nhà, trát, vít, chống rò rỉ, rồi lại lao dầm sắt ra khoảng không làm thêm “một phòng”, thành ra nhà bà có cả phòng làm việc, phòng học, phòng tập gym. Chỉ cần đi lại vài bước sẽ nhận ra ngay phòng nào là phòng cơi nới, vì nền nhà sẽ rung rung và có cảm giác rập rình.

Bà Lỡ trong gian bếp cơi nới trên cao.

Minh - cháu bà Lỡ bảo với tôi, ngày bé cậu sợ khoảng cầu thang tối tăm kia lắm, mãi sau này lớn mới dám đi một mình. Hai anh em giờ ở căn phòng cơi nới, thành ra đùa nghịch cũng phải gượng nhẹ vì sợ làm hỏng tường thạch cao mỏng manh.

Hằng ngày bà Lỡ cùng vợ chồng anh con trai và hai đứa cháu ở khu nhà chính, còn khi nấu nướng, ăn uống sẽ ra hành lang, leo cầu thang lên khu bếp phía đối diện. Toàn bộ khu bếp nằm trên mái của một cửa hàng ở mặt phố Giảng Võ, hoàn toàn là phần tận dụng. Ngày nào cũng vậy, cả chục lần bà Lỡ tay ôm chặt cái cột cũ, chân thận trọng leo bậc thang nhỏ xíu để lên bếp. Nhìn địa hình hiểm trở ấy mà thấy ái ngại cho tuổi già.

Nhà bà Lỡ cơi nới thêm phòng cho cháu bà có chỗ học bài.

Nhưng, bà bảo leo lên leo xuống mãi cũng thành quen, phải chịu khó vận động cho đỡ ốm đau, chứ giả sử có vấn đề gì, xe cứu thương cũng không vào đến đây mà đưa bà đi bệnh viện được. Rồi bà chỉ sang nhà bên vẫn đun bếp than tổ ong. Bên cạnh bao giờ cũng có thùng nước, nhỡ mà có cháy thì đổ ào nước vào, chứ bốn bề kín mít thế này thì thoát kiểu gì, xe cứu hỏa thì làm sao mà vào nổi đây...

Ông Ngô Ngọc Lâm - Chủ tịch UBND phường Thành Công, quận Ba Đình: Đã hết vai trò lịch sử

“Phường Thành Công chúng tôi diện tích chỉ 0,647 km², trong khi dân số lên đến 2,7 vạn và có đến gần 100 khu nhà tập thể cũ xây từ 2 đến 5 tầng. Con số đó đủ nói lên mật độ dân cư, mật độ nhà tập thể dày đặc đến mức nào, cứ đi vài bước lại gặp nhà tập thể cũ.

Nhu cầu ăn ở của người dân hiện tại đã thay đổi rất nhiều. Trước kia, một căn hộ chỉ cần 24-36m, bây giờ diện tích ấy không đủ, người dân tìm mọi cách cơi nới. Trước kia, cả khu chỉ có một nhà vệ sinh, một khu bếp thôi, giờ kết cấu ban đầu không còn hợp lý nữa, các gia đình tự nghĩ cách thay đổi, chia bếp riêng, chia nhà vệ sinh riêng cho từng nhà. Trước kia, một bể nước cả khu tập thể dùng chung, bây giờ nhà nào cũng có đường nước riêng, cũng sắm bồn nước. Có bao nhiêu căn hộ thì khu nhà sẽ vác thêm từng ấy bồn nước. Việc tăng tải khiến tình trạng xuống cấp càng nhanh hơn.

Những khu tập thể được xây dựng từ năm 70-80 của thế kỷ trước dành cho gia đình nhỏ ở, chứ có thiết kế để nhiều người ở như bây giờ đâu. Phần lớn các khu nhà là lắp ghép, kết cấu yếu, do đó không thể cải tạo khang trang trên nền cũ, các khu nhà đều đã hết vai trò lịch sử rồi. Các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để quy hoạch, cải tạo, xây mới đồng bộ các khu nhà tập thể càng sớm càng tốt. Có như thế đời sống bà con mới bớt khổ sở, việc quản lý dân cư cũng thuận lợi hơn. Tuy nhiên, việc cải tạo không đơn giản là phá tòa nhà 5 tầng để xây lên thành 20 tầng. Mà đồng thời với việc xây mới, phải xây dựng hạ tầng giao thông, trường học, khu vui chơi để đáp ứng nhu cầu mọi mặt của người dân”.

Tiến sĩ, kiến trúc sư Trương Văn Quảng - Phó Tổng Thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam: Hà Nội có đến 1.579 “đoàn tàu” ì ạch vào ga

“Cách đây mấy năm, tôi dẫn một đoàn chuyên gia đi khảo sát một số khu tập thể cũ ở Hà Nội. Khi đến khu tập thể Kim Liên, Trung Tự, nhìn những căn nhà tập thể 4-5 tầng cũ kĩ với lồng sắt, bồn nước lố nhố, một kiến trúc sư người Thụy Sĩ nói vui rằng cứ ngỡ một đoàn tàu chở đầy hành khách và hàng hóa đang ì ạch vào ga. Trên con tàu ấy lố nhố người ở đầy các toa, có người trèo lên nóc tàu, có người thò đầu ra ngoài cửa sổ, có người đu bám ở lối lên xuống. Cách liên tưởng đó thật thú vị và chân thực. Theo thống kê, Hà Nội hiện có 1.579 “đoàn tàu” như thế với biết bao con người luôn phải đối mặt với hiểm nguy tiềm ẩn. Bộ mặt đô thị cũng vì thế mà trở nên nham nhở, xấu xí và kệch cỡm.

Từ hơn 10 năm trước, Hà Nội đã đưa ra chương trình cải tạo, nâng cấp, xây mới các tập thể cũ xuống cấp trên địa bàn thành phố, tuy nhiên đến nay hầu như vẫn giậm chân tại chỗ. Có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân cốt lõi nhất là cơ chế chính sách, là việc giải quyết lợi ích của các bên liên quan, lợi ích của thành phố, của người dân và của doanh nghiệp... Các đô thị trên thế giới đều có những khu nhà cũ nhưng tùy từng nước mà có ít hay nhiều và có cách giải quyết nhanh hay chậm.

Đặc thù của Hà Nội là hầu hết nhà chung cư nằm trong các quận nội thành, khi xây mới sẽ bị khống chế về mật độ và chiều cao. Để thực hiện chính sách cải tạo chung cư cũ, Chính phủ, các Bộ, ngành và chính quyền đã ban hành nhiều chính sách ưu tiên để kêu gọi doanh nghiệp tham gia. Các chủ đầu tư muốn được hưởng lợi từ việc xây dựng khu nhà mới, đều muốn xây cao tầng. Còn người dân muốn được ở nhà tốt hơn mà không phải trả tiền hoặc chỉ phải trả rất ít tiền. Quyền lợi của cư dân, của nhà đầu tư vẫn còn là mâu thuẫn khó giải quyết. Bài toán quản lý của cơ quan quản lý nhà nước là phải dung hòa được lợi ích của doanh nghiệp và nguyện vọng của người dân,

Nguyên nhân nữa là công tác điều hành chỉ đạo của địa phương chậm đổi mới. Có câu “Hà Nội không vội được đâu”, kể cả việc giải quyết vấn đề nhà tập thể cũ để đưa người dân ra khỏi những ngôi nhà xuống cấp, nguy hiểm xem ra cũng phải... từ từ.

Một điều nữa là công tác giải phóng đền bù chưa thỏa đáng với đa số nguyện vọng của người dân. Nhiều chủ hộ không đồng thuận về hệ số đền bù nên vẫn cố thủ trong những căn nhà ọp ẹp. Hà Nội từng kiểm định các khu tập thể cũ, phân theo chất lượng A, B, C, D và đã từng đưa ra kế hoạch di dời người dân. Nhưng hiện tại ngay cả đến một số khu nhà loại D (loại xuống cấp đặc biệt nghiêm trọng) cũng chưa di dời được hết người dân ra khỏi đó.

Trong bối cảnh quỹ đất đô thị ngày càng hạn hẹp, việc rà soát, xem xét và đưa ra hướng xử lý là rất cần thiết và cần những động thái quyết liệt. Các khu tập thể cũ nên được cải tạo theo hướng cao tầng, mật độ thấp, bổ sung hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và các tiện ích công cộng để đảm bảo chất lượng sống của người dân đô thị.

Nhưng, một điều quan trọng là phải quy hoạch một cách tổng thể, toàn khu. Việc đầu tư đơn lẻ như một số khu nhà đang tiến hành cải tạo xây mới hiện nay sẽ rất cộc cạch, thiếu đồng bộ. Thời gian thực hiện dự án nhanh hay chậm phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố nguồn vốn, năng lực của nhà đầu tư và sự đồng hành của người dân trong các khu tập thể cũ. Do vậy, việc tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nhận thức cũng là một biện pháp hữu hiệu”.

Huyền Châm

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/so-tay/loi-than-tho-cua-nhung-khu-nha-cu-637334/