Lời tạm biệt quá dài và đau đớn với Covid-19

Ai cũng tin chắc rằng đại dịch cuối cùng sẽ bị đẩy lùi, mặc dù virus vẫn có khả năng tiếp tục tồn tại. Nhưng rõ ràng cuộc sống vẫn còn xa mới đạt được như mức bình thường và bình thường mới chắc chắn sẽ khác biệt sâu sắc so với bình thường cũ.

Tác phẩm “Vòng quay ánh sáng” về chủ đề Covid-19 của Nguyễn Đới Chung Anh, 11 tuổi, được Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF) chọn là ảnh nền trang web của tổ chức này.

Tác phẩm “Vòng quay ánh sáng” về chủ đề Covid-19 của Nguyễn Đới Chung Anh, 11 tuổi, được Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF) chọn là ảnh nền trang web của tổ chức này.

Trong một năm rưỡi, Covid-19 đã bám trụ và tàn phá hết quốc gia này đến quốc gia khác. Ngay khi bạn nghĩ rằng, virus đã bị đánh bại, một biến thể mới lại bùng phát trở lại, có khả năng lây nhiễm mạnh hơn so với biến thể trước.

Theo các nhà khoa học, tình trạng thiếu vaccine đang mở đường phát triển cho các biến thể mới có khả năng lây nhiễm cao hơn. Tuy nhiên, trên thực tế, ngay cả ở những nước đạt tỷ lệ tiêm phòng khá tốt như Mỹ, cuộc sống vẫn còn xa mới đạt mức bình thường. Hiện ta chỉ có thể nói rằng, “bình thường mới” rõ ràng sẽ khác biệt sâu sắc so với “bình thường cũ”.

Ngày đại dịch hoàn toàn chấm dứt dường như vẫn còn khá xa, nhưng đến những ngày này, di sản của nó đã rất rõ ràng, thậm chí vẫn tiếp tục xuất hiện những vấn đề mới.

Một thế giới khác

Tuy nhiên, khi số lượng tiêm chủng vượt qua 3 tỷ, những cái nhìn thoáng qua về cuộc sống hậu dịch bệnh đang dần rõ nét. Trong đó, có hai điều rõ ràng rằng, giai đoạn cuối của đại dịch sẽ kéo dài và đau đớn và khi Covid-19 đi qua sẽ để lại đằng sau một thế giới khác.

Để mường tượng rõ hơn về thế giới hậu đại dịch, mới đây The Economist đã công bố Chỉ số bình thường nhằm phản ánh hai trạng thái trước và sau đại dịch. Theo đó, với mức trung bình trước đại dịch là 100, chỉ số theo dõi đầy đủ những hoạt động thường ngày trong 50 nền kinh tế chiếm khoảng 76% dân số, như chuyến bay, giao thông và bán lẻ. Hiện tại, chỉ số đó đang đứng ở mức 66, gần gấp đôi mức được ghi nhận vào tháng 4/2020.

Tuy nhiên, sự tàn phá của Covid-19 vẫn đang rõ ràng ở nhiều quốc gia. Malaysia là quốc gia ghi nhận chỉ số thấp nhất, chỉ đạt 27 điểm và hiện vẫn đang hứng chịu làn sóng lây nhiễm và tử vong cao gấp sáu lần so với đợt dịch bùng phát vào tháng Giêng. Lý do chính được giới chuyên gia cho là do việc tiêm vaccine chưa thể hoàn tất một cách nhanh gọn.

Ở châu Phi cận Sahara, nơi dịch bệnh chết người vẫn đang bùng phát, chỉ 2,4% dân số trên 12 tuổi được tiêm một liều duy nhất. Ngay cả ở Mỹ, nơi vaccine thậm chí được cho là dư thừa, thì chỉ có khoảng 30% người dân bang Mississippi và Alabama được bảo vệ đầy đủ.

Dù thế giới dự kiến sản xuất khoảng 11 tỷ liều vaccine trong năm nay, nhưng vẫn sẽ phải mất vài tháng trước khi tất cả những mũi tiêm đó được trở thành vũ khí cho con người và có thể còn lâu hơn nữa nếu các quốc gia giàu có kế hoạch cần đến chúng trước.

Tình trạng thiếu vaccine càng trở nên trầm trọng hơn trước các biến thể mới. Biến thể Delta lần đầu được phát hiện ở Ấn Độ, có khả năng lây nhiễm cao gấp hai đến ba lần so với chủng virus từ Vũ Hán. Các ca bệnh lây lan nhanh đến mức các bệnh viện có thể nhanh chóng hết giường bệnh, thiếu nhân viên y tế và thậm chí cả oxy.

Các biến thể mới vẫn đang lây lan, ngay cả trong số những người được đã được tiêm chủng. Nhưng chưa có đột biến nào làm giảm tác dụng của vaccine, đặc biệt giảm khả năng ngăn ngừa hầu hết các ca bệnh nặng và tử vong. Tuy nhiên, không ai có thể biết trước điều gì trong những ngày sắp tới.

Đại dịch rồi sẽ bị đẩy lùi, nhưng…

Tất nhiên, không điều gì có thể làm thay đổi sự thật rằng, đại dịch cuối cùng sẽ bị đẩy lùi, mặc dù virus vẫn có khả năng tiếp tục tồn tại. Đối với những người đủ may mắn, được tiêm chủng đầy đủ và tiếp cận với các phương pháp điều trị mới, Covid-19 sẽ nhanh chóng trở thành một căn bệnh thông thường và không gây chết người.

Ở Anh, nơi chủng Delta đang thống trị, tỷ lệ tử vong hiện vào khoảng 0,1%, tương tự như bệnh cúm theo mùa – là một mối nguy hiểm nhưng có thể kiểm soát được. Để đối phó với một biến thể mới, cộng đồng cũng sẽ không phải mất quá nhiều thời gian để tạo ra một vaccine cải tiến.

Tuy nhiên, khi các nước phát triển ngày càng có nhiều sự lựa chọn về loại vaccine hay phương pháp điều trị nào, thì sự tức giận cũng sẽ tăng lên trước cảnh những người nghèo khổ phải chịu chết vì không thể tìm được nguồn cung. Từ đó gây ra những căng thẳng giữa các nước giàu và phần còn lại. Những lệnh cấm du lịch, hạn chế giao lưu sẽ càng khiến hai thế giới ngày càng xa cách.

Đến một lúc nào đó các chuyến bay sẽ được nối lại, nhưng những thay đổi về hành vi không thể nhanh chóng được hàn gắn, không kể một số hành vi có thể hằn sâu cả một thế hệ.

Cho đến nay, có vẻ như di sản của Covid-19 sẽ tuân theo mô hình được thiết lập bởi các đại dịch trong quá khứ. Giáo sư Nicholas Christakis của Đại học Yale xác định ba sự thay đổi lớn, bao gồm: Mối đe dọa tập thể thúc đẩy sự phát triển quyền lực nhà nước; cuộc sống hàng ngày bị đảo lộn thôi thúc người ta tìm đến những điều có ý nghĩa và khi cận kề cái chết con người trở nên cẩn trọng hơn khi bệnh tật hoành hành, nhưng thúc đẩy sự quyết đoán khi mọi việc đã đi qua. Mỗi người sẽ đánh dấu vào đời sống xã hội theo cách riêng của mình.

Trong thời đại dịch, công dân của các quốc gia giàu có vẫn được hưởng những lợi ích vượt trội. Chỉ cần nhìn vào kế hoạch chi tiêu của chính quyền Tổng thống Mỹ Biden đã cho thấy, một chính phủ mạnh hơn, chắc chắn dám sử dụng những giải pháp mạnh tay, mà có thể chưa quan tâm đúng mức đến bất bình đẳng, tăng trưởng kinh tế chậm chạp hay sự an toàn của chuỗi cung ứng.

Trong thế kỷ trước, những năm sau đại dịch cúm Tây Ban Nha, “cơn thèm khát” và sự phấn khích bùng lên ở mọi lĩnh vực. Lần này, các biên giới mới sẽ bùng nổ có thể là du hành vũ trụ đến kỹ thuật gen, trí tuệ nhân tạo...

Trước khi SARS-CoV-2 xuất hiện, cuộc cách mạng kỹ thuật số, biến đổi khí hậu và sự trỗi dậy của Trung Quốc dường như đang đưa trật tự do phương Tây lãnh đạo sau Thế chiến II kết thúc. Đại dịch lần này liệu có đẩy nhanh một quá trình chuyển đổi nào đó?

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/loi-tam-biet-qua-dai-va-dau-don-voi-covid-19-152406.html