Lợi nhuận VPBank quý I/2021: Khéo co thì ấm

Lợi nhuận VPBank quý I/2021 tăng trưởng 38% chủ yếu nhờ tối ưu chi phí.

 Lợi nhuận VPBank quý I/2021: Khéo co thì ấm

Lợi nhuận VPBank quý I/2021: Khéo co thì ấm

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2021 vừa công bố, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HoSE: VPB) ghi nhận lợi nhuận trước thuế lên đến 4.006 tỷ đồng trong quý đầu năm, tăng tới 38% so với cùng kỳ năm 2020.

Đáng chú ý, mức tăng trưởng này chủ yếu đến từ việc tối ưu hóa chi phí.

Cụ thể, ở mảng tín dụng, thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự (biểu thị doanh thu tín dụng) chỉ nhích nhẹ 0,7%. Tuy nhiên, thu nhập lãi thuần mảng này đem về lên đến 9.119 tỷ đồng trong quý I/2021, tăng tới 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đó là vì chi phí lãi và các khoản chi phí tương tự (biểu thị giá vốn tín dụng) giảm mạnh 19%. Một số khả năng dẫn đến sự suy giảm này có thể kể đến: tối ưu chi phí huy động (trong đó không loại trừ lãi suất huy động giảm mạnh hơn lãi suất cho vay); tối ưu hóa tỷ lệ dư nợ tín dụng trên vốn huy động (LDR) khi trong quý, dư nợ cho vay của VPBank tăng 3,6% nhưng tiền gửi khách hàng lại giảm 0,4%; gia tăng tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn trong tổng tiền gửi khách hàng (CASA), từ mức 15,2% cuối năm 2020 lên mức 16,7% cuối quý I/2021.

Nếu như tăng trưởng thu nhập lãi thuần từ mảng tín dụng của VPBank chủ yếu đến từ tối ưu chi phí thì với các mảng phi tín dụng, lãi thuần chỉ tăng 2,5%, đạt 1.931 tỷ đồng.

Để đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận cao, VPBank đã tiết kiệm chi phí hoạt động đến mức đáng ngạc nhiên. Quý I/2021, ngân hàng này chỉ ghi nhận 2.592 tỷ đồng chi phí hoạt động, giảm tới 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ chi phí hoạt động/thu nhập hoạt động (CIR) theo đó tụt xuống 23,5% từ mức 33% cùng kỳ, nhiều khả năng là ngân hàng có CIR thấp nhất hệ thống trong quý đầu năm.

Được biết vài năm trở lại đây, CIR của VPBank giảm rất mạnh do ứng dụng số hóa để tối ưu chi phí hoạt động cũng như giảm mạnh số lượng nhân viên. Quý I/2021, mặc dù tăng 2.054 nhân viên so với cuối năm 2020 nhưng nếu so với cuối quý I/2020, số lượng nhân viên vẫn giảm mạnh 3.611 nhân viên, là nguyên nhân quan trọng khiến chi phí cho nhân viên giảm mạnh 28% so với cùng kỳ.

Nhờ các giải pháp tối ưu chi phí mà trong quý đầu năm nay, VPBank đạt được lợi nhuận thuần 8.459 tỷ đồng, tăng tới 28% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sau trích lập dự phòng (chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng 20%), lợi nhuận trước thuế hợp nhất của VPBank đạt 4.006 tỷ đồng, tăng trưởng 38%.

Tính đến hết ngày 31/3/2021, tổng tài sản của VPBank ở mức 436.241 tỷ đồng, tăng 4,1% sau 3 tháng. Trong đó, dư nợ cho vay ở mức 301.172 tỷ đồng, tăng 3,6%. Tỷ lệ nợ xấu hợp nhất trên dư nợ cho vay ở mức 3,46%.

Về nguồn vốn, vốn chủ sở hữu của ngân hàng đến hết ngày 31/3/2021 đạt 55.995 tỷ đồng, tăng trưởng 6,1%. Tiền gửi khách hàng đạt 232.426 tỷ đồng, giảm 0,4%; tiền gửi và vay các tổ chức tài chính, tổ chức tín dụng khác tăng mạnh 25%.

Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu VPB ghi nhận mức tăng giá ấn tượng, lên đến trên 50%.

Minh Tâm

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/loi-nhuan-vpbank-quy-i2021-kheo-co-thi-am-20180504224252170.htm