Lợi nhuận Vietnam Airlines tuột dốc do 'chi phí quản lý' tăng cao

Báo cáo tài chính quý II của Vietnam Airlines (mã HVN) ghi nhận mức doanh thu bán hàng tăng trưởng nhẹ nhưng giá vốn và chi phí quản lý cao đã kéo 'tụt' lợi nhuận của doanh nghiệp xuống thấp hơn đối thủ VietJet.

Chi phí tăng cao khiến lợi nhuận Vietnam Airlines giảm mạnh

Chi phí tăng cao khiến lợi nhuận Vietnam Airlines giảm mạnh

Báo cáo tài chính quý II của Vietnam Airlines (mã HVN) vừa được công bố ngày 10/7 cho thấy thực trạng phần nào khó khăn của doanh nghiệp này. Theo báo cáo mới nhất, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Vietnam Airlines trong quý II là hơn 24.363 tỷ đồng. Cộng dồn nửa đầu năm, HVN đã thu về hơn 50.111 tỷ đồng tăng nhẹ so với côn số gần 48.000 tỷ đồng của nửa đầu năm 2018.

Tuy nhiên, lợi nhuận gộp của hãng lại sụt giảm khá mạnh. Trong quý II/2019, lợi nhuận gộp chỉ đạt hơn 2.436 tỷ đồng sụt giảm mạnh so với con số hơn 3.000 tỷ đồng cùng kỳ năm 2018. Nếu tính trong nửa đầu năm 2018 mức lợi nhuận còn sụt giảm đôi chút khi chỉ đạt mức hơn 6.451 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính quý II/2019 của HVN

Điểm đáng chú ý trong báo cáo tài chính của các hãng hàng không là lợi nhuận của Công ty cổ phần hàng không VietJet (mã cổ phiếu - VJC). Ở mảng dịch vụ vận tải hàng không, Vietjet Air đạt doanh thu 20.148 tỷ đồng, tăng trưởng 22% và lợi nhuận trước thuế đạt 1.563 tỷ đồng, tăng trưởng 16% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả hợp nhất bao gồm lĩnh vực thương mại mua bán máy bay, doanh thu hợp nhất đạt 26.301 tỷ đồng, tăng 24% và lợi nhuận trước thuế đạt 2.398 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu hợp nhất thấp hơn nhưng lợi nhuận trước thuế của Vietjet đã "vượt mặt" Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Vietnam Airlines 6 tháng đầu năm đạt 1.650 tỷ đồng, Vietjet đạt hơn 2.398 tỉ đồng, cao hơn 748 tỉ đồng so với đàn anh. Lợi nhuận sau thuế của VJC cũng đạt mức hơn 621 tỷ đồng, cao hơn rất nhiều so với HVN.

Trong 6 tháng đầu năm, Vietjet cũng ghi nhận nguồn vốn chủ sở hữu đạt 15.622 tỷ đồng, tăng trưởng 32% so với cùng kỳ năm trước. Tổng tài sản đạt 44.461 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước; trong đó tài sản dài hạn là 21.955 tỷ đồng, chiếm 49% trong tổng tài sản.

>>> Cá nhân nào chịu trách nhiệm khoản lỗ 4.000 tỷ đồng của Jetstar Pacific?

VietJet Air tiếp tục ghi nhận mức lợi nhuận vượt bậc

Lý giải cho việc sụt giảm lợi nhuận kể trên là hàng loạt chi phí của Vietnam Airlines đều được kê khai cao hơn cùng kỳ năm 2018. Đơn cử như giá vốn hàng hóa của Vietnam Airlines ở quý II/2019 cao tới hơn 1.700 tỷ so với cùng kỳ 2018. Nếu tính trong 6 tháng đầu 2019, chi phí giá vốn đã tăng vọt lên tới hơn 2.500 tỷ đồng.

Một chi phí khác rất đáng chú ý cũng tăng so với cùng kỳ năm 2018 chính là chi phí quản lý doanh nghiệp của Vietnam Airlines. Chi phí quản lý trong quý II/2019 tăng nhẹ khoảng hơn 90 tỷ so với cùng kỳ quý II/2018. Trong nửa đầu năm 2019 khoản chi phí này của HVN cũng tăng lên tới hơn 160 tỷ đồng.

Nguyên nhân được Vietnam Airlines lý giải trong báo cáo kể trên là việc: "Thị trường hàng không đang cạnh tranh khốc liệt, giá nhiên liệu tăng mạnh trong 5 tháng đầu năm và biến động tỉ giá của một số đồng tiền chiếm tỉ trọng lớn trong thanh toán so với USD".

Người đang chèo lái Vietnam Airlines hiện nay là ai?

Tháng 5/2016, Đại hội cổ đông đã bầu ông Dương Trí Thành, Phó TGĐ, vào thành viên Hội đồng quản trị Vietnam Airlines. Ngay sau đại hội, Hội đồng Quản trị Vietnam Airlines đã họp và nhất trí thông qua việc: Ông Phạm Ngọc Minh, thành viên Hội đồng Quản trị thôi giữ chức Tổng giám đốc Vietnam Airlines để giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng Quản trị, ông Dương Trí Thành thôi giữ chức Phó tổng giám đốc để giữ cương vị Tổng giám đốc Vietnam Airlines kiêm thành viên Hội đồng Quản trị.

Ông Dương Trí Thành đang "chèo lái" Vietnam Airlines

TGĐ Vietnam Airlines hiện nay từng có thời gian dài được điều sang hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific để làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Hiện Jetstar đang "vướng" khoản lỗ khủng hơn 4.000 tỷ đồng và dư luận đang đặt dấu hỏi về "trách nhiệm cá nhân"?

Lợi nhuận sau thế của Vietnam Airlines cũng giảm mạnh khoảng 70% trong quý II/2019

Những chi phí cố định kể trên đã kéo tụt lợi nhuận của công ty mẹ khoảng hơn 70% so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, nếu tính cả nửa đầu năm 2019 mức lợi nhuận của Vietnam Airlines vẫn duy trì khá tốt khi đạt khoảng hơn 1.275 tỷ đồng.

Một điểm đáng lưu ý nữa trong báo cáo tài chính lần này của HVN là dư nợ phải trả của doanh nghiệp tiếp tục tăng so với cùng kỳ. Kết thúc quý II/2019, HVN còn dư nợ hơn 64.837 tỷ đồng tăng nhẹ so với con số 63.717 tỷ của nửa đầu năm 2018. Trong đó, nợ ngắn hạn là khoảng hơn 35.681 tỷ đồng. Hiện tại Vietnam Airlines cũng đang còn khoảng hơn 2.061 tỷ đồng gửi ngân hàng không kỳ hạn giảm khoảng 850 tỷ so với thời điểm đầu năm 2019.

Hoàng Cường

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/loi-nhuan-vietnam-airlines-tuot-doc-do-chi-phi-quan-ly-tang-cao-84024.html