Lợi nhuận thuần âm và khả năng trả nợ giảm mạnh, Lilama 69-2 có tìm được nhà đầu tư triệu USD?

9 tháng đầu năm 2018 ghi nhận lợi nhuận của Lilama 69 - 2 'bốc hơi' 80% so với cùng kỳ năm 2017, trong khi lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Lilama 69-2 tiếp tục âm 185,55 triệu đồng. Không chỉ vậy, nợ phải trả của Lilama 69 -2 hiện đang cao gấp 4 lần vốn chủ sở hữu, trong khi năng lực trả nợ ngắn hạn giảm dần. Vậy nhà đầu tư sẵn sàng chi ra 2 triệu USD để trở thành cổ đông lớn của Lilama 69-2?

Ông Phạm Hùng Tổng giám đốc Tổng công ty Lilama lúc đánh cồng bắt đầu cho phiên giao dịch đầu tiên của mã chứng khoán L62 vào năm 2008. (Ảnh: Lilama 69 - 2).

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) mới đây đã thông báo đấu giá 3.730.515 cổ phiếu của Công ty Cổ phẩn Lilama 69-2 (L62) do Tổng công ty Lắp máy Việt Nam – CTCP (Lilama) sở hữu.

Lilama là cổ đông lớn nắm giữ 3.730.515 cổ phiếu, tương ứng 44,96% vốn điều lệ của Lilama 69-2. Như vậy, thông qua đợt đấu giá này, Lilama muốn thoái toàn bộ vốn tại Lilama 69-2.

Dự kiến, phiên đấu giá diễn ra vào lúc 8h30 ngày 3.12.2018 với giá khởi điểm 13.900 đồng/cổ phiếu. Với giá khởi điểm như trên, nhà đầu tư dự kiến sẽ phải bỏ ra ít nhất 52 tỷ đồng, tương đương hơn 2 triệu USD để sở hữu cổ phần tại Lilama.

Mức giá khởi điểm Lilama đang đưa ra cao hơn mức giá giao dịch trên thị trường bởi cổ phiếu L62 của Công ty cổ phần Lilama 69-2 đang được giao dịch quanh mức 10.800 đồng/cổ phiếu trong ít ngày gần đây.

Nợ gấp 4 lần vốn chủ sở hữu, năng lực trả nợ ngắn hạn giảm dần

Theo tìm hiểu của PV, Công ty CP Lilama 69-2 được thành lập từ những năm 1960, tiền thân là Liên hiệp lắp máy 69. Tới năm 1996, Lilama 69-2 trở thành thành viên Tổng công ty Lắp máy Việt Nam. Cùng với công ty mẹ, Lilama 69-2 bắt đầu có những bước đột phá khi tham gia lĩnh vực gia công, chế tạo thiết bị và kết cấu thép phục vụ công trình công nghiệp.

Từ đây, Lilama 69-2 bắt đầu tạo dấu ấn trên thương trường khi thực hiện thành công nhiều hợp đồng chế tạo thiết bị cho các nhà máy xi măng Chifon, Hoàng Mai, Nghi Sơn, Sao Mai; Nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ; Nhựa đường CALTEX Hải Phòng; Nhà máy dầu thực vật Cái Lân... với giá trị hợp đồng hàng chục triệu USD.

Cuối năm 2007, Công ty cổ phần Lilama 69-2 chính thức lên HNX với mã chứng khoán L62, trở thành đơn vị đầu tiên trong hệ thống Lilama tham gia TTCK Việt Nam với số vốn điều lệ 30 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần LILAMA 69-2 lúc đó nhận Quyết định niêm yết 3.000.000 cổ phiếu với mã giao dịch L62 tại Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội (HASTC). (Ảnh: Lilama 69-2)

Trải qua hơn 10 năm giao dịch trên sàn, tính tới hết quý III.2018, vốn điều lệ của Lilama 69-2 đã tăng gấp gần 4 lần, lên 110,41 tỷ đồng. Tổng tài sản doanh nghiệp tính tới ngày 30.9.2018 đã đạt 615, 94 tỷ đồng, tăng gần 5% so với thời điểm đầu năm 2018.

Một điều đáng lưu tâm trong cơ cấu vốn của Lilama 69-2 là số nợ luôn chiếm trên 80% tổng tài sản. Cụ thể, năm 2016 là 81,34%, năm 2017 là 81,54%. Sau 9 tháng đầu năm 2018, hệ số nợ/tổng tài sản của Lilama 69-2 tiếp tục tăng nhẹ lên 82,07%.

Cùng với sự gia tăng của vốn chủ sở hữu, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu của Lilama 69-2 cũng lần lượt tăng trưởng trong 3 năm gần nhất. Năm 2016, con số này là 435,91%. Bước sang năm 2017, tăng thêm gần 6% lên 441,79% và 9 tháng đầu năm 2018 giảm nhẹ xuống 440,16%. Như vậy, nợ phải trả của Lilama 69-2 trong suốt 3 năm qua luôn cao hơn gấp 4 lần vốn chủ sở hữu.

Trong cơ cấu nợ phải trả của Lilama 69-2, nợ ngắn hạn chiếm trên 95% tổng nợ phải trả. Riêng khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn dù đã giảm nhẹ so với thời điểm cuối năm 2017, song xét về tỷ lệ vẫn chiếm gần 50% số nợ ngắn hạn của doanh nghiệp, đạt 240,107 tỷ đồng, tương đương 49,4%.

Khoản vay ngắn hạn lớn nhất của Lilama 69-2 là với SHB chi nhánh Hải Phòng, số tiền 207,625 tỷ đồng mà theo giải thích của doanh nghiệp là để bổ sung vốn lưu động, lãi suất vay theo từng khế ước nhận nợ.

Còn lại là các khoản vay với giá trị từ 3 - 18 tỷ đồng với HDBank, MBBank, An Bình đều với mục đích bổ sung vốn lưu động, phục vụ việc thanh toán các chi phí đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Hoạt động chế tạo, lắp đặt thiết bị tại Nhà máy hóa chất DAP - Đình Vũ do Lilama 69-2 thực hiện. (Ảnh: Lilama 69-2)

Nhu cầu vay vốn ngắn hạn lớn, nhưng khả năng thanh toán ngắn hạn lại của Lilama 69-2 lại giảm dần. Dù doanh nghiệp luôn duy trì một lượng tài sản ngắn hạn lớn hơn nợ ngắn hạn nhằm bảo đảm khả năng thanh toán ngắn hạn, song hệ số này luôn duy trì ở mức thấp, chỉ 1,06 trong 2 năm 2016 và 2017. Tính tới ngày 30.9.2018, hệ số này chỉ còn ở mức 1,0009.

Trong khi đó, hệ số thanh toán nhanh, phản ánh việc công ty có thể thanh toán được các khoản nợ bằng tài sản ngắn hạn có thể chuyển thành tiền lại giảm dần qua từng năm. Từ 0,72 năm 2016, xuống còn 0,65 năm 2017 và 0,57 sau 9 tháng đầu năm 2018. Một phần nguyên nhân xuất phát từ việc lượng hàng tồn kho tăng mạnh, trong khi tiền và các khoản tương đương tiền lại giảm khá sâu.

Lượng tiền mặt của Lilama 69-2 từ đầu năm 2018 chỉ ở mức dưới 1 tỷ đồng, trong khi số tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn đã giảm 7,49 tỷ đồng thời điểm đầu năm xuống còn hơn 5 tỷ đồng.

Lợi nhuận “bốc hơi” 80%

Dù sở hữu nguồn lực không hề nhỏ, đồng thời giới thiệu doanh nghiệp từng tham gia thực hiện nhiều công trình, dự án quan trọng như lắp đặt thiết bị, cung cấp mặt bằng, nhân lực, vận chuyển cho Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình II; Chế tạo, lắp đặt ống gói 1A cho dự án nhà máy lọc dầu Nghi Sơn... trong các năm 2016, 2017... song thực tế cho thấy các hệ số phản ánh khả năng sinh lời của Lilama 69-2 luôn ở mức rất thấp.

Quý III.2018, doanh thu và lãi ròng của Lilama 69-2 lần lượt đạt gần 110 tỷ đồng và 206 triệu đồng. Theo đó, lãi ròng của Công ty giảm hơn 80% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận của Công ty đạt hơn 1,2 tỷ đồng, giảm hơn 41% so với cùng kỳ. Thậm chí, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Lilama 69-2 tiếp tục âm 185,55 triệu đồng. Trước đó, trong năm 2017, khoản mục này cũng âm 995,258 triệu đồng, tương đương mức âm 0,22% tính trên doanh thu thuần.

Tuy nhiên, phía Lilama 69-2 chỉ đưa ra giải thích khá đơn giản là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây lắp. Doanh thu, chi phí, lợi nhuận chung của công ty chịu ảnh hưởng bởi tiến độ và giai đoạn nghiệm thu của từng hợp đồng. Do đó, việc ghi nhận doanh thu, chi phí và lợi nhuận tại từng thời điểm khác nhau là khác nhau nên kết quả kinh doanh giữa các kỳ báo cáo có sự chênh lệch.

Song trước đó, trong năm 2016, lợi nhuận sau thuế trên doanh thu tuần của Lilama 69-2 cũng chỉ đạt tỷ lệ 1,15%, còn hệ số LNST/tổng tài sản (ROA) thậm chí chỉ đạt 0,82% và tỷ suất lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh, tính trên doanh thu thuần thậm chí còn thấp hơn gần 3 lần khỉ chỉ đạt 0,27%.

Nguyên Phương

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-te/loi-nhuan-thuan-am-va-kha-nang-tra-no-giam-manh-lilama-69-2-co-tim-duoc-nha-dau-tu-trieu-usd-933411.html