Lợi nhuận tăng cao ngất ngưởng, cổ phiếu Xiaomi vẫn tụt sâu

Cổ phiếu của hãng sản xuất điện thoại thông minh Xiaomi (Trung Quốc) niêm yết tại Hong Kong vẫn trượt sâu 3,68% dù trước đó hãng này công bố lợi nhuận ròng điều chỉnh trong quý III/2020 tăng vọt.

Trung tâm giới thiệu sản phẩm Xiaomi tại thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh chụp tối 6/11/2018. Nguồn: Shutterstock

Chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương khép lại ngày giao dịch 25/11 với sắc thái hỗn độn sau đà tăng cao nhờ hy vọng về vaccine Covid-19 và bất ổn chính trị Mỹ có phần hạ nhiệt.

Chứng khoán Trung Quốc đại lục ghi nhận mức giảm điểm sâu nhất trong số các thị trường lớn ở khu vực. Chỉ số Shanghai Composite giảm 1,19% và đóng cửa với 3.362,33 điểm còn Shenzhen Component trượt sâu hơn 1,7% về 13.656,09 điểm.

Chỉ số Hang Seng của Hong Kong hôm nay kết thúc ngày giao dịch với 26.669,75 điểm, tăng 0,31%. Cổ phiếu của hãng sản xuất điện thoại thông minh Xiaomi (Trung Quốc) niêm yết tại Hong Kong vẫn trượt sâu 3,68% dù trước đó hãng này công bố lợi nhuận ròng điều chỉnh trong quý III/2020 tăng vọt 19% so với cùng kỳ năm trước.

"Theo Công ty phân tích dữ liệu thị trường Canalys, các đơn hàng điện thoại thông minh toàn cầu của chúng tôi trong quý III/2020 đã leo lên vị trí thứ 3 với thị phần 13,5% - mức cao nhất từ trước đến nay", Xiaomi cho biết trong một tuyên bố mới đây.

Thị trường Hàn Quốc cũng đóng cửa trong sắc đỏ với chỉ số Kospi trượt 0,62% về 2.601,54 điểm. Tại Australia, chỉ số S&P/ASX 200 tăng 0,59% và khép lại ngày giao dịch với 6.683,30 điểm.

Trái lại, chứng khoán Nhật Bản hiện sắc xanh với Nikkei 225 nhích 0,5% lên 26.296,86 điểm và Topix tăng 0,3% để kết thúc ngày giao dịch với 1.767,67 điểm. Tính chung lại, chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) trượt 0,37%.

Thị trường chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương biến động trái chiều, bất luận chứng khoán Phố Wall đêm qua tăng sốc. Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones lần đầu tiên đóng cửa trên 30.000 điểm sau khi tăng "bốc đầu" 454,97 điểm lên 30.046,24. Chỉ số S&P 500 cũng đóng cửa cao kỷ lục, tăng 1,6% lên 3.635,41 điểm, còn Nasdaq Composite đạt mức tăng 1,3% để kết thúc giao dịch với 12.036,79 điểm.

Diễn biến tích cực trong cuộc đua phát triển vaccine Covid-19 đã đưa thị trường chứng khoán toàn cầu đi lên trong những ngày giao dịch gần đây. Đầu tuần này, Công ty dược phẩm sinh học đa quốc gia AstraZeneca (Vương quốc Anh) công bố kết quả phân tích sơ bộ cho thấy vaccine kháng Covid-19 do đơn vị này phát triển đạt hiệu quả kháng Covid-19 trung bình 70%. Trước đó, Pfizer-BioNTech và Moderna của Mỹ cũng công bố kết quả thử nghiệm cuối cùng rằng vaccine do họ phát triển có hiệu quả kháng Covid-19 tới 95%.

Thêm diễn biến thuận lợi cho chứng khoán Mỹ khi bất ổn chính trị Mỹ có chiều hướng dịu đi do chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức kích hoạt quá trình chuyển giao cho Tổng thống đắc cử Joe Biden sau nhiều tuần trì hoãn.

Thị trường tiền tệ chứng kiến đồng bạc xanh trượt giá. Chỉ số đô la Mỹ so với các đồng tiền mạnh khác sụt giảm còn 91,96, từ mức 92,4 thiết lập đầu tuần. Đồng yên Nhật Bản cũng suy yếu và quy đổi 104,39 JPY/USD, so với mức dưới 104 JPY/USD thường thấy trong tuần, trong khi đô la Australia nhích nhẹ lên 1 AUD "ăn" 0,7353 USD, so với mức 1 AUD quy đổi dưới 0,732 USD ghi nhận hôm qua 24/11.

Giá dầu trên thị trường châu Á đi lên trong phiên giao dịch chiều 25/11, với dầu thô Brent giao sau tăng giá 0,98% lên 48,33 USD/thùng còn dầu thô giao kỳ hạn của Mỹ cũng nhích giá 0,78% lên 45,26 USD/thùng.

Tâm lý lo ngại rủi ro giảm bớt phần nào đã cứu vãn thị trường chứng khoán và dầu mỏ trong những ngày gần đây, nhưng trái lại giá vàng giao ngay hôm 25/11 tiếp tục trượt chân còn 1.809,68 USD/ounce, sau mức sụt giảm gần đây về 1.830 USD/ounce.

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/loi-nhuan-tang-cao-ngat-nguong-co-phieu-xiaomi-van-tut-sau-d133773.html