Lợi nhuận quý IV sụt giảm, Phân bón Bình Điền vẫn vượt kế hoạch cả năm

Với khoản lợi nhuận trước thuế đạt 235 tỷ đồng trong cả năm 2022, Phân bón Bình Điền đã vượt kế hoạch đề ra.

Phân bón Bình Điền (HoSE: BFC) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022 với doanh thu thuần đạt 1.894 tỷ đồng. Giá vốn hàng bán của doanh nghiệp ghi nhận tăng 6%. Điều này kéo theo lợi nhuận gộp của doanh nghiệp chỉ còn đạt 167 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ năm 2021.

Bên cạnh đó, doanh thu hoạt động tài chính của doanh nghiệp đạt 5,2 tỷ đồng, tăng 205%; chi phí tài chính ở mức 48,2 tỷ đồng, gấp 2 lần; chi phí bán hàng đạt 56 tỷ đồng, tăng 93%. Trừ các khoản chi phí, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt gần 23 tỷ đồng, giảm 83% so với quý IV/2021.

Lũy kế cả năm 2022, Phân bón Bình Điền thu về 8.579 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 10% so với năm 2021. Giá vốn bán hàng của doanh nghiệp đạt 7.707 tỷ đồng, tăng 12%. Lợi nhuận gộp đạt 871 tỷ đồng, giảm 3%. Lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp đạt 235 tỷ đồng, giảm 36% so với so với năm 2021.

Năm 2022, BFC đặt mục tiêu 6.428 tỷ đồng doanh thu, 200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Với kết quả đạt được, doanh nghiệp sở hữu thương hiệu Phân bón Đầu trâu đã vượt 33% kế hoạch doanh thu và vượt 17% kế hoạch lợi nhuận đề ra.

Tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản của doanh nghiệp ở mức 3.487 tỷ đồng, giảm 14% so với ngày đầu năm. Trong đó, tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn tăng gấp 2 lần, ở mức 533 tỷ đồng; khoản phải thu ngắn hạn từ các khách hàng tăng 2 lần, đạt 569 tỷ đồng.

Ngược lại, hàng tồn kho của doanh nghiệp lại giảm 7%, đạt 2.333 tỷ đồng (chủ yếu giảm nguyên liệu phân bón các loại như ure, DAP, Kali…).

Nợ phải trả của BFC tính đến cuối năm 2022 ở mức 2.937 tỷ đồng, tăng 17% so với ngày đầu năm. Trong đó, vay và thuê nợ tài chính ngắn hạn đạt 2.054 tỷ đồng, tăng 49%; vay và thuê nợ tài chính dài hạn đạt 23,1 tỷ đồng, giảm 54%.

Ngành phân bón trải qua hai quý đầu năm 2022 với kết quả kinh doanh vượt trội, nhờ giá bán tăng cao. Tuy nhiên từ quý III/2022, giá phân bón có xu hướng giảm khi chi phí khí đốt và nhu cầu của nông dân đều suy yếu.

Giá ure trong năm 2023 được dự báo quanh mức 400 USD/tấn – 500 USD/tấn so với mức đỉnh hơn 1.000 USD/tấn trong năm 2022. Tại thị trường châu Âu, giá khí đốt bắt đầu tăng mạnh kể từ năm 2021. Tuy nhiên, việc nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng đã làm cho giá khí đốt tại thị trường này hạ nhiệt.

Fitch Ratings dự báo giá khí tự nhiên sẽ vào khoảng 40 USD/MMBTU trong năm 2023, thấp hơn 57% so với mức cao lịch sử là 94 USD/MMBTU ở tháng 8/2022. Đơn vị phân tích cho biết, theo dữ liệu của ICSC, giá khí đốt cao đã khiến 63% công suất sản xuất phân bón và hóa chất trong khu vực này ngừng hoạt động hoặc hoạt động với công suất thấp.

Việc giá khí tự nhiên hạ nhiệt đã giúp khôi phục sản xuất các ngành này tại châu Âu. Theo đó, Yara, một trong những nhà sản xuất phân bón và hóa chất lớn nhất thế giới, đã quay trở lại sản xuất amoniac với công suất khoảng 65% vào tháng 11.

Bên cạnh đó, năm 2022, Nga và Trung Quốc đều áp dụng hạn ngạch xuất khẩu phân bón khiến nguồn cung khan hiếm. Tuy nhiên, một số tín hiệu cho thấy hai quốc gia này sẽ dỡ bỏ những biện pháp hạn chế xuất khẩu của mình.

Nga đã cung cấp một hạn ngạch cao hơn cho xuất khẩu các sản phẩm phân bón trong 5 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ. Trong khi, Trung Quốc cũng đã đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu phân bón vào những tháng cuối của 2022.

Nguyễn Thu Huyền

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/loi-nhuan-quy-iv-sut-giam-phan-bon-binh-dien-van-vuot-ke-hoach-ca-nam-a590994.html