Lợi nhuận nhiều từ nghề nuôi yến kèm theo những phiền toái

Nghề nuôi yến mang đến nhiều lợi nhuận cho những người dân của các vùng biển Việt Nam nhưng cũng đem lại không ít phiền toái.

Hiện nay, cả nước có 42/63 tỉnh có nuôi chim yến, với 8.548 nhà yến. Nhiều nhất là Đồng bằng công cửu long, Đông nam bộ, Duyên hải miền Trung...

Hiện trạng và tiềm năng của nghề nuôi chim yến

Kiến thức khoa học kỹ thuật được phát triển trong nghề nuôi chim yến không ngừng trong những năm qua. Một số doanh nghiệp áp dụng công nghệ như: Kỹ thuật ấp nở nhân tạo trứng chim yến, kỹ thuật nhân tạo chim yến, kỹ thuật sản xuất thức ăn, kỹ thuật dẫn dụ, di đàn, kỹ thuật xây dựng nhà.

Việc nuôi chim yến vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Chưa có quy định cụ thể về vị trí xây dựng mới cơ sở nuôi chim yến. Đây là một việc rất khó cho các địa phương trong quá trình triển khai, thực hiện, đặc biệt là công tác quy hoạch. Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa các địa phương và các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác phát triển chim yến trên địa bàn chưa tốt.

Nuôi yến (Ảnh: Báo Công thương).

Nuôi yến (Ảnh: Báo Công thương).

Thực tế tiềm năng phát triển nghề nuôi chim yến ở nước ta rất lớn. Lợi thế về tự nhiên, khả năng về kỹ thuật cần khai thác tốt nhất để phát triển nghề nuôi chim yến, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho địa phương. Thức ăn chủ yếu của chim yến chính là côn trùng bay như: rầy nâu, rầy xanh, mối…

Ngoài ra, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp đang ảnh hưởng lớn đến nguồn thức ăn tự nhiên của chim yến. Đặc biệt hành vi xâm hại chim yến đang diễn ra gây tác hại nguy cấp đến sự an toàn của quần thể chim yến.

Nhiều phiền toái vì nuôi yến tràn lan

Nhiều người ở Phú Yên, Khánh Hòa muốn nhanh hốt bạc từ nghề nuôi chim yến, đua nhau dốc hết tiền bạc xây biệt thự, nhà cao tầng để dụ yến. Nhưng, kỹ thuật nắm bắt chưa vững, nuôi tự phát, có nơi yến về, có nhà xây lên mãi để cho rêu mọc. Các điểm nuôi chim yến lại ngay trong các khu đô thị, thị trấn chen chúc nhà cửa khiến âm thanh từ yến làm đảo lộn cả cuộc sống. Nhiều lúc thời tiết bất thường, yến bay loạn xạ cả vào cửa hàng ăn, công sở. Nhiều người cũng trỗi dậy nỗi lo kiểm soát bệnh tật lây lan từ yến nuôi.

Lợi nhuận thu được từ việc thành công của một số chủ nhà yến khiến các “biệt thự yến”, “nhà cao tầng yến” tự phát mọc lên tua tủa ở nhiều khu dân cư khu vực Nam Trung Bộ, nhất là tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên gây ảnh hưởng lớn đến đời sống.

Nhiều tuyến đường lớn ở trung tâm TP Tuy Hòa như Nguyễn Huệ, Trần Hưng Đạo, Trần Phú, Hùng Vương… đều mọc lên nhiều nhà nuôi yến tự phát.

Âm thanh từ yến nuôi cùng các công cụ dụ yến nếu lớn quá sẽ tác động xấu đến sức khỏe con người. Khoảng cách chuẩn thì các nhà nuôi yến, khu nuôi yến tối thiểu phải cách nhà dân sinh sống, công sở, quán xá, trạn y tế… tối thiểu 120 m. Người nuôi yến muốn tránh bớt các rủi ro thì phải trải qua khóa đào tạo kỹ thuật nuôi yến ít nhất là một năm, sau đó còn phải đi thực tế các mô hình đã nuôi thành công. Trong nuôi yến, các kỹ thuật căn bản nhất nhưng khá quan trọng là: Kỹ thuật tạo mùi yến trong hệ thống nhà nuôi, kỹ thuật thu tổ, kỹ thuật xử lý nấm mốc, kỹ thuật tạo ẩm… Đặc biệt, ở mỗi tỉnh có điều kiện thời tiết khác nhau thì đều phải có cách điều chỉnh kỹ thuật cho phù hợp nếu không sẽ tổn thất lớn.

Nuôi yến tự phát (Ảnh: Môi trường 24h).

Tại Phú Yên, trước tình trạng nuôi yến tự phát tràn lan, tỉnh này đã phê duyệt Quy hoạch vùng, làng nghề nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2020, toàn Phú Yên chỉ có bốn vùng được nuôi chim yến gồm; thôn Phú Liên (xã An Phú, TP Tuy Hòa) với diện tích 56,52 ha; thôn Phú Nông (xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa) diện tích 10,26 ha; thôn Tân Định và thôn Hội Sơn (xã An Hòa, huyện Tuy An) diện tích 87,62 ha; thôn Phú Lộc (xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa) diện tích 6,19 ha. Việc triển khai nuôi yến không để gần khu công nghiệp, nhà máy, bệnh viện, trường học, cơ sở y tế, khu hành chính, khu nội thị của thành phố, thị xã, thị trấn, thị tứ, khu dân cư đông người.

Ngày mùng 10 tháng 5 âm lịch hàng năm, những người làm nghề kinh doanh, khai thác yến sào tại Khánh Hòa và nhiều địa phương trong cả nước lại quy tụ về đảo yến Hòn Nội (TP Nha Trang, Khánh Hòa) cùng dâng hương giỗ tổ ngành. Đây là lễ giỗ tổ ngành yến sào khánh Hòa được lưu truyền qua 691 năm.

Nguyễn Trang

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/loi-nhuan-nhieu-tu-nghe-nuoi-yen-kem-theo-nhung-phien-toai-79971.html