Cần giải pháp mạnh để xử lý tình trạng bán xe ô tô kiểu 'bia kèm lạc'

Trước tình trạng bán xe ô tô theo kiểu 'bia kèm lạc', 'kênh' giá hàng trăm triệu đồng/xe so với giá niêm yết, khiến người tiêu dùng bị thiệt, luật sư Lê Thị Hồng Vân - Giám đốc Công ty Luật TNHH Labor Law, đã có bài viết gửi TBTCVN và cho rằng, cần có giải pháp ngăn chặn việc những đại lý bán xe ô tô tự ý 'kênh' giá, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.

Bán xe kiểu “bia kèm lạc” diễn ra khá phổ biến

Năm 2017, khi tôi mua chiếc xe ô tô cá nhân đầu tiên để sử dụng, bản thân cũng rất băn khoăn không biết nên chọn xe nào để phù hợp với các tiêu chí về giá cả, về độ tiết kiệm nhiên liệu để sử dụng cho việc đi lại phục vụ công việc. Cũng tham khảo một số bạn bè đã dùng ô tô cá nhân trước đó, tham khảo trên mạng xã hội để có thêm thông tin. Sau đó lại băn khoăn giữa lựa chọn dòng xe đã qua sử dụng, hay xe mới. Mỗi lựa chọn đều có những ưu và nhược điểm nhất định, khiến người lần đầu mua xe có nhiều băn khoăn.

Thời điểm năm 2017, dòng xe tôi chọn đã được ký hợp đồng và giao xe ngay sau đó. Thậm chí, theo đại lý cho biết, chiếc xe này còn đang được giảm giá để bán cho hết, sau đó hãng xe sẽ tung ra mẫu mới hơn.

Do đã lựa chọn được chiếc xe yêu thích, đáp ứng mọi nhu cầu, nên tôi cũng không mảy may để ý đến thị trường xe ô tô cùng thời điểm.

Tình trạng bán xe ô tô kiểu “bia kèm lạc” đang khá phổ biến hiện nay. Ảnh minh họa.

Năm 2021, tôi quyết định đổi xe do nhu cầu công việc và cuộc sống có sự thay đổi nhất định. Với kinh nghiệm từ lần mua xe trước đó, tôi vẫn chọn dòng xe mới vì an tâm hơn về chất lượng, giá cả công khai, các chính sách về khuyến mại tốt… Thế nhưng tôi đã gặp phải những vấn đề có thể nói là bức xúc ngay trong khi mình đang là “thượng đế”.

Tôi đặt xe từ đầu tháng 8, đến đầu tháng 1 năm sau mới được nhận xe, tức là sau đúng 5 tháng kể từ khi đặt cọc. Sự bức xúc lên đến đỉnh điểm và có lúc muốn khởi kiện đại lý bán xe bởi vi phạm các cam kết về thời hạn giao xe, đồng thời, yêu cầu khách hàng phải mua thêm những phụ kiện khác đi kèm. Thậm chí, có nhiều đại lý còn tự ý nâng giá xe bằng cách tính tiền “chênh” nhằm đánh vào tâm lý những khách hàng đang rất thích dòng xe đó và muốn nhận xe ngay.

Qua tìm hiểu bạn bè đang có nhu cầu mua xe ô tô được biết, nhiều dòng xe ô tô trên thị trường đều có hiện tượng “kênh” giá so với báo giá của hãng, thậm chí, mỗi đại lý lại có giá khác nhau. Mỗi xe có thể bị “kênh” lên đến vài chục, hoặc hàng trăm triệu đồng.

Tại sao lại có hiện tượng “kênh” giá?

Câu hỏi đặt ra ở đây, tại sao lại có hiện tượng “kênh” giá, khác với giá hãng công bố? Ai quy định việc này và việc kênh giá có được công khai, minh bạch hay không?

Để trả lời cho câu hỏi này, bản thân tôi tìm hiểu và được nhân viên tư vấn bán hàng cho biết, tùy vào từng thời điểm sẽ có những mức giá khác nhau và khuyến mại khác nhau. Nhưng thông thường, đại lý sẽ đánh vào tâm lý, cũng như thị hiếu khách hàng, đối với những dòng xe mới, hoặc dòng xe cũ, nhưng được nâng cấp phiên bản hiện đại hơn thì khách hàng sẽ quan tâm hơn, cũng như những món thời trang dẫn đầu xu hướng.

Đồng thời, mỗi hãng sẽ có chính sách quảng cáo khác nhau, chi phí quảng cáo, quảng bá thương hiệu khác nhau, lượng nhân viên tư vấn khách hàng, nhân viên bán hàng cũng khác nhau, vì vậy để tránh bị lỗ, hoặc không phải chi phí nhiều cho các chiến dịch quảng bá sản phẩm, thì những chi phí này sẽ bị đánh vào giá sản phẩm.

Nếu sau khi đã áp dụng mọi chiến dịch bán hàng như quảng cáo, dịch vụ sau bán hàng,... mà xe vẫn chưa đạt hiệu quả về doanh số thì họ sẽ phải giảm giá. Tuy nhiên, nếu phải giảm giá xe thì đại lý đó cũng không hẳn phải chịu lỗ, bởi giá niêm yết khi được giảm là giá đã được nâng lên, sau đó mới giảm. Như vậy, khách hàng tưởng được giảm, nhưng thực tế thì không.

Luật sư Lê Thị Hồng Vân

Nhiều đại lý còn áp dụng chính sách “bia kèm lạc”. Chẳng hạn như, bán phụ kiện đi kèm, hoặc nâng giá xe rồi áp dụng khuyến mại như: film dán kính, camera hành trình…, giá của những sản phẩm khuyến mại này thường đắt hơn gấp 2, 3 lần giá thị trường.

Sự chênh lệch giá ở những đại lý khác nhau cũng bởi đó là đại lý xe nhập tư nhân, hay đại lý ủy quyền chính hãng. Chỉ tiêu doanh số phải đạt được của nhân viên bán hàng tại đại lý tư nhân và đại lý chính hãng cũng khác nhau.

Thực tế cho thấy, sau hơn 2 năm dịch bệnh Covid-19 hoành hành trên toàn thế giới đã ảnh hưởng rất lớn đến các nhà sản xuất. Đại công trường gia công các linh kiện, phụ kiện lớn nhất thế giới cho các hãng là Trung Quốc do áp dụng chính sách zero Covid nên việc sản xuất ngừng trệ. Từ đó, các hãng sản xuất xe ô tô đều trong tình trạng thiếu nguyên liệu, linh kiện, phụ kiện, thậm chí cả nhân công lao động. Điều này kéo theo sự chậm trễ xuất xưởng các sản phẩm so với thời gian công bố ban đầu. Trong khi đó, các chính sách quảng bá đã được tung ra trước đó, khách hàng đặt cọc sản phẩm cũng nhiều.

Quay trở lại câu chuyện năm 2021 tôi đặt cọc xe ô tô của mình, từ đầu tháng 8, hẹn tháng 10 có xe, nhưng đến hẹn vẫn không thấy xe đâu, điện thoại nói nhẹ nhàng không được, tôi đành phải dọa kiện đại lý, cũng không xong, vì đại lý chấp nhận trả tiền cọc với lý do bất khả kháng chậm trễ từ nhà máy lắp ráp.

Sau nhiều cuộc làm việc, nhiều lời hứa hẹn, đến tận tháng 11 tôi mới được biết số khung, số máy chiếc xe của mình, lúc đó mới được ký hợp đồng chính thức. Nhưng phát sinh thêm tiền, bởi vì thiết kế bên trong xe đã có sự thay đổi, có thêm phụ kiện mới khi giới thiệu xe không có. Nếu tôi từ chối mua, chiếc xe của tôi ngay lập tức có người khác mua. Vậy là đành nuốt cục tức và trả thêm tiền.

Nhưng tôi vẫn còn may mắn hơn nhiều khách hàng ở các dòng xe khác, họ còn bị tính tiền chênh từ vài chục, cho đến vài trăm triệu, tùy từng dòng xe khác nhau.

Dưới góc độ pháp lý, để nhìn nhận về sự việc trên, qua tìm hiểu, tôi thấy các hãng xe đều minh bạch trong việc công khai giá đối với từng sản phẩm. Người tiêu dùng cũng biết điều này và chuẩn bị tâm lý, cũng như tài chính đối với chiếc xe mình yêu thích. Nhưng khi về các đại lý, giá này lại bị điều chỉnh ở mức tăng với vô vàn lý do khác nhau nhằm hợp thức hóa việc kênh giá như độ khan hiếm xe, sản xuất và lắp ráp bị chậm vì dịch bệnh… Thế nhưng, nếu kèm theo điều kiện chấp nhận chênh giá, hoặc mua kèm phụ kiện thì sẽ được nhận xe sớm.

Xử lý nghiêm các đại lý bán xe kiểu “bia kèm lạc”

Lợi nhuận này ai là người được hưởng? Có hợp pháp hay không? Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng đã vào cuộc và có động thái gì?

Để trả lời câu hỏi này, tìm hiểu thực tế cho thấy, phần giá trị “chênh” không nằm trong hợp đồng, mà là sự thỏa thuận bên ngoài giữa đại lý và khách hàng, giá xe ghi trên hợp đồng vẫn là giá được công bố và khách hàng buộc phải chấp nhận điều này. Phần chênh giá này, nhà sản xuất không được hưởng và Nhà nước càng không, bởi vì Nhà nước chỉ quản lý được giá ghi trên hợp đồng và hóa đơn.

Như vậy, chính đại lý là người được lợi từ việc chênh giá không có căn cứ. Một số hãng xe cũng biết điều này và hứa sẽ có phương án xử lý. Tuy nhiên, cho đến nay chưa thấy một đại lý nào tại Việt Nam bị hãng sản xuất xe xử lý nghiêm. Vì thế để trục lợi, đại lý vẫn ngang nhiên áp dụng các chính sách do mình tự đẻ ra và người chịu thiệt thời chính là khách hàng.

Để hạn chế tình trạng bán xe ô tô kiểu "bia kèm lạc", cần có sự vào cuộc một cách tích cực của Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng.

Đối với cơ quan quản lý, cần tăng cường giám sát, có những cuộc khảo sát với khách hàng đăng ký xe để biết chính xác số tiền mà họ phải chi trả là bao nhiêu cho chiếc xe của mình. Từ đó sẽ biết chính xác đại lý nào trục lợi, số tiền trục lợi là bao nhiêu.

Qua đây cũng cần hoàn thiện khung pháp lý để xem xét hành vi kênh giá như phản ánh trên có thể xem xét xử phạt vi phạm hành chính hay không, có phải hành vi lừa dối khách hàng hay không?

Mặc dù biết mình bị “móc túi”, nhưng đa số khách hàng vẫn “ngậm bồ hòn làm ngọt”, bởi lẽ bù lại thì mình được thỏa mãn nhu cầu về xe.

Giải pháp nào để có sự minh bạch về giá, đồng thời Nhà nước không bị thất thu thuế? Không ai khác, ngoài những khách hàng thông thái, phải có những biện pháp mạnh nhằm “trừng trị” những âm mưu móc túi khách hàng. Cần phải có sự đồng thuận, liên kết cùng lên tiếng của khách hàng để phản ánh những đại lý, nhân viên tự ý nâng giá sản phẩm, cũng như chèo kéo khách mua thêm những phụ kiện cho chiếc xe của mình một cách không cần thiết.

Chính chúng ta - các "thượng đế" - đã góp phần làm “lũng đoạn” thị trường, tiếp tay cho những hành vi toan tính, vụ lợi của người bán hàng. Vì thế, để ngăn chặn việc móc túi khách hàng của các đại lý, chúng ta phải nâng cao cảnh giác, thông tin kịp thời cho các khách hàng khác đang chuẩn bị mua xe thông qua mạng xã hội.

Theo kinh nghiệm của tôi, dòng xe nào cũng có những “group” là những khách hàng cùng quan tâm đến dòng sản phẩm đó. Nếu chúng ta thông tin kịp thời, có sự trao đổi với nhau, thì các đại lý không thể có cơ hội "kênh" giá nhằm tư lợi, bản thân khách hàng cũng sẽ mua được chiếc xe đúng với giá trị thực của nó./.

Luật sư Lê Thị Hồng Vân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/can-giai-phap-manh-de-xu-ly-tinh-trang-ban-xe-o-to-kieu-bia-kem-lac-104385.html