Lợi nhuận của công ty bánh phồng tôm Sa Giang giảm mạnh

Lợi nhuận thuần trong quý I/ 2021 của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Sa Giang (mã: SGC) giảm hơn 42% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính vừa công bố, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Sa Giang chỉ đạt 6,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái đạt 11,2 tỷ đồng, giảm hơn 42%.

Doanh thu xuất khẩu và doanh thu nội địa đồng loạt giảm do giá vốn vật tư, hàng hóa tăng cao từ 14 triệu đồng lên đến 539 triệu đồng.

Cùng với đó, doanh thu thuần đạt chưa đến 82 tỷ đồng nhưng giá vốn xấp xỉ 66 tỷ đồng làm biên lợi nhuân gộp chỉ đạt 19,6%, nghĩa là trong ba tháng đầu năm nay, cứ 100 đồng doanh thu được tạo ra thì Sa Giang chỉ thu về được 19,6 đồng lợi nhận gộp.

Ông Nguyễn Văn Kiệm, Tổng giám đốc Sa Giang, đại diện ban lãnh đạo công ty lý giải nguyên nhân khiến lợi nhuận đầu năm giảm hơn 42% là do sản lượng tiêu thụ thấp, tỷ suất USD thấp và giá nguyên vật liệu chính tăng cao trong khi giá bán không tăng.

Tính đến cuối quý I/ 2021, tổng tài sản của Sa Giang là hơn 197 tỷ đồng nhưng vốn chủ sở hữu chiếm xấp xỉ 133 tỷ đồng.

Đóng gói sản phẩm bánh phồng tôm Tíc Tắc tại công ty Sa Giang (Ảnh: Báo Đồng Tháp)

Đóng gói sản phẩm bánh phồng tôm Tíc Tắc tại công ty Sa Giang (Ảnh: Báo Đồng Tháp)

Dự kiến, Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 của SGC sẽ được tổ chức vào đầu tháng 06 tới, tại trụ sở công ty ở thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp.

Nhà máy bánh phồng tôm Sa Giang được hình thành và xây dựng vào năm 1960.10 năm sau đó, nhãn hiệu này đạt huy chương bạc tại hội chợ Osaka( Nhật Bản). Khi ấy, Pháp là thị trường xuất khẩu chính.

Đến năm 1992, UBND tỉnh Đồng Tháp quyết định thành lập Công ty xuất nhập khẩu Sa Giang là doanh nghiệp Nhà nước và được cổ phần hóa từ năm 2004, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất chế biến thực phẩm và xuất nhập khẩu.

Sa Giang đang sản xuất bốn dòng sản phẩm chính là các loại bánh phồng (phồng tôm, phồng cua, phồng cá,…), sản phẩm từ gạo (phở khô, hủ tiếu, bún gạo,…), sản phẩm từ thịt (chả lụa, giò thủ, da bao) và nước uống đóng chai.

Vào giữa tháng 04/2021, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (hoạt động trong lĩnh vực nuôi, chế biến cá tra) đăng ký mua 1,817 triệu cổ phiếu SGC, tương đương 25,43% vốn điều lệ của Sa Giang. Dự kiến giao dịch này sẽ diễn ra từ 16/04-16/05.

Vĩnh Hoàn sẽ mua lại số cổ phần trên từ nhóm 4 cá nhân, trong đó riêng bà Trần Thị Thanh Thúy sở hữu 21,08% vốn và ông Lê Văn Phúc (chồng bà Thanh Thúy) sở hữu 2,26% vốn. Ông Phúc cũng từng có thời gian đảm nhiệm vị trí thành viên HĐQT của Sa Giang.

Nếu giao dịch này thành công, tỷ lệ sở hữu của Vĩnh Hoàn tại Sa Giang sẽ tăng từ 51,29% lên 76,72%.

Trước đó, vào cuối năm 2020, Vĩnh Hoàn đã chi gần 348 tỷ đồng để mua lại 49,89% vốn Sa Giang mà Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước chào bán cạnh tranh.

Cùng với số cổ phần nhỏ lẻ đã mua gom trước đó, Vĩnh Hoàn chính thức trở thành công ty mẹ của Sa Giang từ tháng 01/2021.

Thị Hồng

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/loi-nhuan-cua-cong-ty-banh-phong-tom-sa-giang-giam-manh-d142075.html