Lợi nhuận ANZ Việt Nam giảm hơn 75% nửa đầu năm 2018 sau thương vụ bán mảng bán lẻ

Sau khi nhận 825 tỷ đồng lợi nhuận từ thương vụ bán mảng bán lẻ, hoạt động của ANZ Việt Nam nửa đầu năm sụt giảm tới 75%.

Cuối năm 2017, Ngân hàng MTV ANZ Việt Nam chính thức hoàn thành xong thương vụ bán lại mảng bán lẻ - retail banking tiếp sau loạt động thái của ANZ tại nhiều quốc gia khác. Thông tin thời điểm đó cho biết có ít nhất 5 nhà đầu tư ngỏ ý mua lại nhưng đối tác cuối cùng đáp ứng được các yêu cầu về giá, chính sách với nhân viên... là Shinhan Bank. Khoản thu nhập khác mà ANZ Việt Nam ghi nhận từ thương vụ này là hơn 825 tỷ đồng.

Nhận được lợi nhuận lớn cũng đồng nghĩa với việc hoạt động của ANZ Việt Nam thu hẹp đáng kể sau đó khi không còn mảng bán lẻ.

Theo báo cáo tài chính bán niên 2018 vừa công bố, lợi nhuận sau thuế của ANZ Việt Nam có bước sụt giảm mạnh chỉ đạt gần 42,3 tỷ đồng, giảm 75,3% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế khoảng 52,9 tỷ đồng.

Sự lao dốc lợi nhuận của ANZ Việt Nam là do lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh giảm mạnh trong khi chi phí trích lập dự phòng rủi ro lại tăng cao. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm nay, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của ANZ Việt Nam chỉ đạt hơn 103 tỷ đồng giảm tới 56,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, thu nhập lãi thuần giảm gần 41% xuống còn 370,6 tỷ đồng. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ chỉ đạt 33,5 tỷ giảm 79%. Lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối cũng suy giảm gần 15% xuống mức 84,2 tỷ đồng. Đồng thời, lãi từ chứng khoán đầu tư giảm mạnh hơn 51% và chỉ mang về chưa đầy 6 tỷ đồng.

Trong các hoạt động kinh doanh của ngân hàng, hoạt động chứng khoán kinh doanh là mảng duy nhất có sự tăng trưởng lãi thuần khi tạo ra 17,4 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ 2017. Cùng với đó, mức lỗ của hoạt động kinh doanh khác chỉ còn 18 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước lỗ 27 tỷ đồng).

Cùng với đó, ANZ Việt Nam lại tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro tín dụng lên gần 51 tỷ đồng, 2,3 lần cùng kỳ năm trước.

Từng là một trong những ngân hàng có tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu ở mức khá (10,5% hồi năm 2016 và đột biến ở mức 20% trong năm ngoái), ROE của ANZ Việt Nam trong 6 tháng đầu năm hiện mới đạt chưa đến 1%.

Mặc dù kết quả kinh doanh không mấy tích cực, tổng tài sản của ANZ Việt Nam đến cuối quý II vẫn tăng 16% so với đầu năm. Mức tăng chủ yếu ở hai khoản mục là tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước (tăng 320 tỷ) và tiền gửi, cho vay các tổ chức tín dụng khác (tăng 4.150 tỷ). Tuy nhiên, ANZ lại là một trong những ngân hàng hiếm hoi có mức tăng trưởng tín dụng âm. Ngoài ra, do ngân hàng chưa công bố thuyết minh báo cáo tài chính nên chưa tính toán được giá trị các khoản nợ xấu và tỷ lệ nợ xấu.

Cũng trong nửa đầu năm 2018, ngân hàng ngoại này cũng đã có sự thay đổi lớn về nhân sự cấp cao nhất. Ông Dennis Hussey, Tổng Giám đốc đã có thời gian công tác 3 năm tại ANZ Việt Nam đã được miễn nhiệm từ ngày 17/3. Từ đầu tháng 4, ông đã chuyển sang làm việc tại Tập đoàn tài chính đa quốc gia Citi tại Đài Loan.

Thời điểm chia tay mảng bán lẻ, đại diện ANZ Việt Nam cho biết đây là một quyết định khó khăn nhưng vẫn được lựa chọn bởi tính cạnh tranh ngày càng gia tăng và yêu cầu mức đầu tư lớn của mảng này. Sau thương vụ này, ANZ Việt Nam cũng đã chuyển một phần lợi nhuận về ngân hàng mẹ.

Khi bỏ đi mảng bán lẻ, ngân hàng kỳ vọng sẽ tiếp tục đầu tư và hoạt động mạnh với mảng dịch vụ khách hàng doanh nghiệp và định chế tài chính. Nếu không nhanh chóng phát huy mảng trên, ANZ Việt Nam sẽ khó thoát khỏi xu hướng tăng trưởng khi không còn mảng kinh doanh vốn từng đóng vai trò quan trọng của ngân hàng này.

Thu Hà

Nguồn ANTT: http://antt.vn/loi-nhuan-anz-viet-nam-giam-hon-75-nua-dau-nam-2018-sau-thuong-vu-ban-mang-ban-le-255400.htm