Lời nhắn nhủ của Mỹ tới Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Mỹ khẳng định sẽ sẵn sàng sát cánh cùng đồng minh, hành động quyết liệt và mau chóng khi có vấn đề an ninh phát sinh tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Hàn Quốc Yoon Suk-yeol gặp gỡ ngày 21/5 tại Seoul, Hàn Quốc. (Nguồn: Yonhap)

Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Hàn Quốc Yoon Suk-yeol gặp gỡ ngày 21/5 tại Seoul, Hàn Quốc. (Nguồn: Yonhap)

Chuyến thăm châu Á (ngày 20–24/5) của Tổng thống Mỹ Joe Biden trong lúc xung đột Nga-Ukraine vẫn nóng từng ngày là cách tốt nhất để Washington truyền tải thông điệp đó tới Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Cam kết mạnh mẽ với đồng minh

Trước hết, đảm bảo an ninh cho Seoul và Tokyo, cũng như tăng cường liên minh an ninh với hai nước này là chủ đề xuyên suốt trong hội đàm giữa ông Joe Biden với tân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio.

Với Hàn Quốc, ông chủ Nhà Trắng tái cam kết đảm bảo an ninh cho nước này trước những “thách thức” và “đe dọa” an ninh từ Triều Tiên, trong bối cảnh Bình Nhưỡng đã triển khai tới 16 vụ thử tên lửa xuyên lục địa từ đầu năm đến nay.

Việc thúc đẩy quan hệ song phương của ông Joe Biden cũng phù hợp với chính sách an ninh và đối ngoại mới của tân Tổng thống Yoon Suk-yeol. Đó là Hàn Quốc sẽ cứng rắn và không do dự “tấn công phủ đầu” nếu như Triều Tiên có ý đồ tấn công trước. Bên cạnh đó, Seoul sẽ thắt chặt quan hệ liên minh với Washington, dù nước này có phải “trả giá” trong trường hợp Bắc Kinh có phản ứng “không thuận”.

Đối với Nhật Bản, Mỹ tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của liên minh an ninh giữa hai nước, đồng thời khuyến khích Tokyo tăng ngân sách quốc phòng lên 2% GDP để chia sẻ gánh nặng an ninh với Washington.

Nhìn xa hơn, Mỹ không chỉ tái cam kết đảm bảo an ninh cho hai đồng minh quan trọng ở Đông Bắc Á, mà còn gửi thông điệp rằng nước này sẵn sàng làm điều tương tự với các đồng minh khác ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Nhìn xa hơn, Mỹ không chỉ tái cam kết đảm bảo an ninh cho hai đồng minh quan trọng ở Đông Bắc Á, mà còn gửi thông điệp rằng nước này sẵn sàng làm điều tương tự với các đồng minh khác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Nước Mỹ “đã quay trở lại”

Với chuyến thăm châu Á này, ông Joe Biden cũng muốn khéo léo gửi thông điệp: Nước Mỹ “đã quay trở lại” – vấn đề an ninh châu Âu hay quan hệ căng thẳng với Moscow sẽ không làm chệch hướng sự quan tâm của Washington với khu vực.

Thực vậy, Đông Á là một phần không thể tách rời của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, vốn có tầm quan trọng chiến lược số 1 của Mỹ.

Không chỉ trong lĩnh vực an ninh, nơi đây có tầm quan trọng đặc biệt với Washington về mặt kinh tế, với Nhật Bản và Hàn Quốc lần lượt là nền kinh tế lớn thứ 3 và thứ 10 trên thế giới.

Trong chuyến thăm châu Á lần này, ông Biden đã khẳng định quyết tâm thúc đẩy Sáng kiến chiến lược về kinh tế với khu vực là Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF).

Ông chủ Nhà Trắng lần đầu đề cập IPEF tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) tháng 10/2021. Mỹ coi đây là một ưu tiên trong chương trình hành động thực hiện sáng kiến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mới, được chính quyền Tổng thống Joe Biden công bố tháng 2/2022.

Tại sao IPEF khiến Mỹ “hao tâm tổn sức” thúc đẩy tới vậy?

Nó được kỳ vọng sẽ giúp Washington can dự sâu hơn về kinh tế với khu vực, sau khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) không được lưỡng đảng và dư luận ủng hộ.

IPEF dự kiến sẽ tập trung vào tiêu chuẩn cho nền kinh tế kỹ thuật số, xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết lập các yêu cầu về lao động, giảm khí thải carbon, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo... cho những nước thành viên.

Đáng chú ý, hiện cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều quan tâm và bày tỏ mong muốn sớm tham gia IPEF.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio hội đàm ngày 22/5 tại Tokyo, Nhật Bản. (Nguồn: Anadolu)

Củng cố nhóm Bộ tứ

Cuối cùng, một trong những dấu ấn nổi bật trong chuyến thăm của ông Biden là tham dự trực tiếp Hội nghị thượng đỉnh nhóm Bộ tứ tại Tokyo, với sự góp mặt của tân Thủ tướng Australia Anthony Albanese.

Đây là cuộc họp thượng đỉnh trực tiếp lần 2 của nhóm Bộ tứ, sau lần đầu tổ chức tại Washington D.C vào tháng 9/2021.

Cuộc họp lần này sẽ tập trung vào hỗ trợ y tế cho các nước nghèo ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương; hợp tác an ninh biển; chống biến đổi khí hậu và hợp tác trong các vấn đề toàn cầu; thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng; thiết lập chuỗi cung ứng và nghiên cứu các công nghệ mới nổi...

Quan trọng hơn, đây là bước đi quan trọng tiếp theo trên hành trình thể chế hóa cơ chế Bộ tứ, bao gồm hoạt động tổ chức họp thượng đỉnh hàng năm như được ghi trong Tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh nhóm Bộ tứ tháng 9/2021.

Đặc biệt, tân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ đối với các chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Đồng thời, ông cho biết Seoul sẽ sớm công bố chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của riêng mình. Riêng với nhóm Bộ tứ, Hàn Quốc cũng mong muốn sớm tham gia chính thức hoặc ít nhất, một phần thuộc liên minh mới này.

Với chuyến thăm châu Á này, ông Joe Biden cũng muốn khéo léo gửi thông điệp: Nước Mỹ “đã quay trở lại” – vấn đề an ninh châu Âu hay quan hệ căng thẳng với Moscow sẽ không làm “chệch hướng” sự quan tâm của Washington với khu vực.

Tuy nhiên, không phải mọi chuyện đều thuận buồm xuôi gió.

Nhiều thách thức mới đang chờ đợi chiến lược “quay trở lại” của Mỹ. Đó là thái độ không thỏa hiệp từ Triều Tiên, hay sự xích lại gần nhau hơn bao giờ hết giữa Nga và Trung Quốc...

Liệu chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cần làm gì để vượt qua các thách thức này? Tương lai của IPEF rồi sẽ đi đâu về đâu?

Câu trả lời còn ở phía trước.

TS. Hoàng Anh Tuấn

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/loi-nhan-nhu-cua-my-toi-an-do-duong-thai-binh-duong-184712.html