Lời nhắc về sức mạnh quân sự Nga

Cựu Ngoại trưởng Đan Mạch đánh giá nước Nga dưới thời Tổng thống Vladimir Putin đã một lần nữa đạt được vị thế là một cường quốc quân sự.

Lời nhắc từ đồng minh của Mỹ

Trong bài viết được đăng trên nhật báo Berlingske, cựu Ngoại trưởng Đan Mạch Uffe Ellemann-Jensen đánh giá nước Nga dưới thời Tổng thống Vladimir Putin đã một lần nữa đạt được vị thế là một cường quốc quân sự. Ông Ellemann-Jensen viết: “Trong 20 năm qua, Tổng thống Putin đã tìm cách hồi sinh nước Nga như một cường quốc quân sự. Trên nhiều khía cạnh, nó đã thành công”.

Theo đó, cựu Ngoại trưởng Đan Mạch lưu ý rằng bộ binh Nga đã chứng tỏ hiệu quả ở Bán đảo Crimea, cũng như tại Syria. Ông cũng đồng thời đánh giá cao việc hiện đại hóa Lực lượng Không quân Vũ trụ Nga. Đáng chú ý, nếu xét về số lượng đầu đạn hạt nhân, Nga vẫn là một trong những cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới, do vậy các nước châu Âu cần vừa tích cực thúc đẩy đối thoại với Nga, vừa phải củng cố tiềm lực quốc phòng của mình.

Những chiếc tăng T-34 duyệt binh trên Quảng trường Đỏ nhắc nhở về sức mạnh một thời của Nga

Những chiếc tăng T-34 duyệt binh trên Quảng trường Đỏ nhắc nhở về sức mạnh một thời của Nga

Theo giới phân tích, nhận định của cựu Ngoại trưởng Đan Mạch trái ngược hoàn toàn với đánh giá của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đưa ra trong cuốn hồi ký "Miền đất hứa” khi cho rằng Nga đã mất vị thế siêu cường. Điều này được ông Obama chứng minh qua việc nền kinh tế Nga gần như hoàn toàn phụ thuộc vào xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên, không có mạng lưới liên minh quân sự, trong khi tình trạng bất bình đẳng cao ở trong nước.

Tất nhiên, đánh giá của cựu Tổng thống Mỹ không phải hoàn toàn vô lý nếu chỉ xem xét lướt qua. Nhưng về mặt quân sự, ý kiến của ông Ellemann-Jensen có phần xác đáng hơn. Không chỉ chứng minh hiệu quả chiến đấu ở Crimea, Syria, Nga còn đang đẩy mạnh các chương trình vũ khí mà Mỹ đang rất loay hoay để có thể bắt kịp.

Ví dụ điển hình là việc đứng đầu tập đoàn nhà nước Rostec của Nga, ông Sergei Chemezov, mới đây đã hé lộ bí mật của nền quốc phòng Nga khi gọi năm 2021 là năm bắt đầu sản xuất hàng loạt các mẫu thiết bị quân sự lớn tiềm tàng, trong số này có xe tăng T-14 Armata, máy bay chiến đấu Su-57 thế hệ thứ 5 và hệ thống tên lửa phòng không S-500 Prometey.

Các hợp đồng nhà nước liên quan đến việc sản xuất các loại vũ khí nói trên đã được ký vào những thời điểm khác nhau. Ví dụ, tại diễn đàn Triển lãm Kỹ thuật Quân sự Army 2016, Bộ Quốc phòng Nga và tổ hợp Uralvagonzavod (công ty con của Rostec) đã ký thỏa thuận cung cấp hơn 100 xe, chế tạo trên nền tảng bánh xích Armata, gồm xe tăng T-14, xe chiến đấu chở bộ binh hạng nặng T-15 và các thiết bị công binh.

Xe tăng T-14 của Nga

Điểm đặc biệt của những cỗ máy này nằm ở ý tưởng thiết kế mang tính "cách mạng" của chúng, đó là sự tách biệt giữa kíp xe, đạn dược, động cơ và nhiên liệu trong các khoang bọc thép đặc biệt, giúp tăng tỷ lệ sống sót của xe nếu tham gia chiến sự.

Ông Chemezov thông báo: “Việc giao xe tăng T-14 sản xuất hàng loạt trên nền tảng Armata sẽ bắt đầu vào năm 2021. Đây là xe tăng tốt nhất trên thế giới. Trong tương lai, phương tiện này sẽ là xe tăng chủ lực mới của quân đội Nga”.

Hợp đồng mua máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 là thỏa thuận giữa Bộ Quốc phòng Nga và Tổng công ty Chế tạo máy bay Thống nhất được ký kết tại diễn đàn Army-2019. Thứ trưởng Quốc phòng Nga Alexei Krivoruchko xác nhận bộ này sẽ nhận 76 chiếc Su-57. Các máy bay sẽ được chuyển giao, theo lệnh của tổng thống, cho đến năm 2028. Theo ông Sergei Chemezov, chiến đấu cơ sản xuất hàng loạt đầu tiên sẽ được bàn giao cho quân đội vào cuối năm nay. Xét về tầm quan trọng, sự kiện này sẽ được thông báo tại hội nghị tổng kết của Bộ Quốc phòng.

Nga đang khiến Mỹ nản lòng?

Theo báo chí Nga, Su-57 mở ra một trang mới trong tiến trình phát triển của không quân Nga. Ngoài khả năng “tàng hình”, máy bay được trang bị radar mảng pha quét điện tử chủ động (AFAR) mới nhất. Không giống như hệ thống định vị truyền thống, ở AFAR, bộ thu, bộ phát và ăng-ten là một tổng thể duy nhất, được kết hợp trong các modul. Điều này giúp máy bay không bị “mù” dù một số modul bị trục trặc vì các lý do khác nhau.

Đối với S-500, quân đội Nga cho biết hệ thống này có khả năng đối phó hiệu quả với máy bay tàng hình F-22, F-35 và máy bay ném bom B-2 của Mỹ. Nó có thể đánh chặn đầu đạn tên lửa đạn đạo cũng như vệ tinh trên vũ trụ. S-500 có thể hạ mục tiêu ở độ cao khoảng 200 km và đánh chặn tên lửa đạn đạo bay đến ở khoảng cách 640 km, tức là có tầm bắn xa hơn nhiều tầm bắn của hệ thống phòng không S-400 Triumph hiện đại nhất của Nga (400 km).

Máy bay chiến đấu tàng hình Su-57 của Nga

Báo chí phương Tây cho biết trong quá trình thử nghiệm, hệ thống S-500 mới của Nga có khả năng bắn trúng mục tiêu ở cự ly 481,2 km, xa hơn 80 km so với bất kỳ hệ thống phòng không hiện có nào. Ngoài ra, theo các nguồn thạo tin, không giống như S-400 Triumph, S-500 sẽ có thể cùng lúc tiêu diệt 10 mục tiêu, với thời gian phản ứng từ 3-4 giây. S-400 có thể đối phó đồng thời 6 mục tiêu và thời gian phản ứng là 9 giây.

Còn trong bài viết mới đây, trang Sputnik của Nga nhấn mạnh các chuyên gia Mỹ nhiều lần thừa nhận họ tụt hậu nghiêm trọng so với Nga và Trung Quốc về công nghệ siêu thanh. Do đó, người Mỹ đang đẩy nhanh các chương trình phát triển vũ khí siêu thanh để bắt kịp Nga.

Mỹ hiện đang thực hiện chương trình tên lửa đất đối đất siêu thanh Operational Fires (OpFires), do Cơ quan Dự án Nghiên cứu Tiên tiến Bộ Quốc phòng Mỹ (DARPA) và công ty Lockheed Martin “dẫn dắt”. Chương trình đã đi vào giai đoạn thực hiện chính thức với chi phí 59 triệu USD.

Mỹ đang nỗ lực bắt kịp Nga trong lĩnh vực vũ khí siêu thanh

Người Mỹ tự tin rằng vũ khí mới có tính cơ động cao - các bệ phóng sẽ được đặt trên khung sườn xe bánh lốp. Tầm bay của tên lửa là 1.600 km. Đầu đạn siêu thanh C-HGB có khả năng phát triển tốc độ gấp 5 lần tốc độ âm thanh (Mach 5, hoặc 1657 m/s, hoặc 5966 km/h), cũng như khả năng cơ động theo hành trình và độ cao, khiến nó không thể bị đánh chặn.

Theo Sputnik, Mỹ phát triển tên lửa siêu thanh mới trong bối cảnh hệ thống tên lửa chiến thuật độ chính xác cao mặt đất có tầm bắn xa nhất của Mỹ là MGM-140 ATACMS với khoảng cách chỉ 270 km. Điều này rõ ràng là không đủ để đối đầu với Nga ở châu Âu.

Một dự án đầy tham vọng khác về vũ khí tên lửa siêu thanh của Tập đoàn Lockheed Martin là Vũ khí siêu thanh tầm xa (LHRW), trị giá 347 triệu USD. Đây là loại tên lửa đạn đạo tầm trung nhiên liệu rắn đa năng với đầu đạn tương tự như hệ thống OpFires. Nó được cho là sẽ phóng ngay từ các container vận chuyển, lắp đặt trực tiếp trên khung gầm xe hoặc trên rơ moóc kéo bằng đầu kéo hạng nặng.

Tên lửa siêu thanh DF-17 của Trung Quốc

Tổ hợp này sẽ được trang bị tiêu chuẩn theo hệ thống điều khiển hỏa lực tên lửa, pháo binh Quân đội Mỹ. Tốc độ LHRW cao hơn Mach 5. Về tầm hoạt động, các chuyên gia cho rằng sẽ là 3.000-4.000 km.

Để đối phó với việc Nga trang bị tên lửa siêu thanh Kinzhal, Mỹ đã khởi động một số chương trình chế tạo vũ khí tương tự. Lầu Năm Góc ký hợp đồng trị giá 63 triệu USD với Raytheon về hệ thống tên lửa đất đối không siêu thanh chiến thuật TBG được trang bị đầu đạn bay lượn có tốc độ lên tới Mach 5 và bắn trúng mục tiêu cách điểm phóng tới 920 km.

Theo DARPA, nếu tên lửa đủ nhỏ gọn thì sẽ cho phép bố trí trên các máy bay tấn công tiền tuyến. Các chuyến bay thử nghiệm được lên kế hoạch cho năm nay nhưng nó sẽ không được đưa vào trang bị trước năm 2025.

Một mẫu máy bay chiến đấu siêu thanh "cũ" Tu-22M của Nga cũng khiến phương Tây "hoảng hốt"

Một chương trình khác của Mỹ là HAWC - tên lửa siêu thanh phóng từ trên không có tốc độ lên tới Mach 10 (gần 12.000 km/h). Cho đến nay, vụ phóng thử nghiệm đầu tiên của HAWC từ máy bay vào cuối năm 2020 đã kết thúc thất bại.

Một dự án vũ khí đầy hứa hẹn khác của Không quân Mỹ là AGM-183A ARRW - tên lửa hành trình không đối đất siêu thanh với tốc độ Mach 17 (20.285 km/h) và tầm bắn 800 km. Ra mắt và giới thiệu tới các phương tiện truyền thông dự kiến vào năm 2022.

Sputnik kết luận, những dự án trên cho thấy Washington đang rất cố gắng để bắt kịp Moscow và Bắc Kinh trong lĩnh vực “siêu thanh” và không tiếc tiền đầu tư. Tuy nhiên, vào thời điểm những tên lửa đầu tiên của Mỹ đi vào sản xuất hàng loạt, Nga sẽ có Avangard, Kinhzal, Zircon và một số loại khác như S-500 có khả năng đánh chặn các mục tiêu siêu thanh.

Đông Triều

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/loi-nhac-ve-suc-manh-quan-su-nga-3426792/