Lời nhắc nhở nước Mỹ trước thềm bầu cử

Giới quan sát cho rằng tên lửa khổng lồ mới mà Triều Tiên khoe trong lễ duyệt binh vừa qua là đe dọa rõ ràng đối với hệ thống phòng thủ của Mỹ và là thách thức ngầm đối với cả tổng thống Mỹ hiện tại và kế nhiệm.

Hình ảnh ICBM mới trên truyền hình Triều Tiên

Hình ảnh ICBM mới trên truyền hình Triều Tiên

Hôm 10/10, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un quan sát tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mới được đưa qua quảng trường Kim Nhật Thành ở Bình Nhưỡng trong lễ duyệt binh buổi tối hiếm có.

Giới quan sát đồng ý rằng đây là loại tên lửa di động trên bộ, sử dụng nhiên liệu lỏng lớn nhất trên thế giới, có khả năng được thiết kế với công nghệ đa đầu đạn phân hướng (MIRV).

Ông Jeffrey Lewis, công tác tại Viện Nghiên cứu quốc tế Middlebury, cho rằng tên lửa này rõ ràng nhằm áp đảo hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Alaska. “Triều Tiên thêm đầu đạn sẽ rẻ hơn nhiều so với việc Mỹ thêm hệ thống đánh chặn”, ông Lewis viết trên Twitter.

Theo chuyên gia này, nếu ICBM mang theo 3 hoặc 4 đầu đạn, Mỹ sẽ cần chi khoảng 1 tỷ USD cho 12-16 tên lửa đánh chặn có thể tiêu diệt một tên lửa. “Với chi phí đó, tôi khá chắc chắn rằng Triều Tiên có thể bổ sung đầu đạn nhanh hơn việc bổ sung tên lửa đánh chặn”, ông Lewis viết.

Tên lửa của Triều Tiên ước tính dài 24m và có bán kính 2,5m, đủ chứa 100 tấn nhiên liệu, và phải mất vài giờ mới có thể đưa lên bệ phóng. Các chuyên gia cho rằng tên lửa này quá to và nặng nên khó sử dụng trong thực tế, nhưng có tác dụng để gửi đi thông điệp rằng Triều Tiên giờ đã có ICBM với MIRV.

Các nhà quan sát Triều Tiên thường cảnh báo rằng những thiết bị mà Bình Nhưỡng khoe trong các cuộc duyệt binh có thể chỉ là mô hình, và không có bằng chứng cho thấy chúng hoạt động cho đến khi được bắn thử.

Nhưng tên lửa mới lần này được chở trên xe phóng 11 hàng bánh khổng lồ chưa từng thấy, lớn hơn nhiều xe 8 hàng bánh do Trung Quốc sản xuất mà Triều Tiên sử dụng từ trước đến nay.

Video ghi lại hình ảnh lễ diễu binh còn cho thấy Triều Tiên khoe loại tên lửa lớn hơn dành cho tàu chiến mặt nước, tên lửa thế hệ mới phóng từ tàu ngầm và các loại vũ khí truyền thống tiên tiến hơn.

Dọa khéo

Ông Kim được đánh giá là vừa có màn thể hiện khéo léo, một mặt nhằm gia tăng áp lực lên Mỹ về việc giảm bớt trừng phạt cho Bình Nhưỡng, mặt khác không phá hủy mối quan hệ với Tổng thống Mỹ Donald Trump hay Trung Quốc. Trong bài phát biểu, ông Kim không nhắc tên Mỹ hay Trung Quốc mà tập trung chủ yếu vào khán giả trong nước.

Bài phát biểu của ông Kim không đe dọa Mỹ mà khẳng định sức mạnh hạt nhân của Triều Tiên là để tự vệ. “Thông điệp rõ ràng là, ngược lại với khẳng định của Mỹ, mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên vẫn chưa được giải quyết”, ông Bruce Klingner, cựu chuyên gia phân tích về Triều Tiên của CIA, nói với Reuters.

Không lâu sau khi tuyên thệ nhậm chức vào đầu năm 2017, ông Trump viết trên Twitter rằng việc Triều Tiên phát triển loại vũ khí có thể tấn công các khu vực của lục địa Mỹ “sẽ không xảy ra”.

Ông Trump liên tục khẩu chiến với nhà lãnh đạo Triều Tiên trước khi hai người tạo nên mối quan hệ ngoại giao thân thiết không ngờ. Tuy nhiên, tiến trình đàm phán giữa hai bên bế tắc từ khi hai nhà lãnh đạo không đạt được thỏa thuận trong cuộc gặp tại Hà Nội.

Giới phân tích cho rằng ICBM là bằng chứng cho thấy Triều Tiên tiếp tục chương trình phát triển vũ khí của họ trong khi tiến trình ngoại giao diễn ra, và vũ khí này tạo lợi thế lớn hơn cho Bình Nhưỡng nếu hai bên quay lại bàn đàm phán. Triều Tiên giờ đã là một cường quốc hạt nhân và trở thành nước thứ ba, sau Nga và Trung Quốc, có khả năng tấn công các thành phố của Mỹ.

Hơn một ngày trôi qua từ khi truyền hình Triều Tiên chiếu xong màn duyệt binh, ông Trump chưa đăng thông điệp nào lên Twitter. Đối thủ Joe Biden của ông cũng vậy.

Bình Giang

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/the-gioi/loi-nhac-nho-nuoc-my-truoc-them-bau-cu-1733772.tpo