Lời nhắc nhở nghiêm khắc về nhiệm vụ kiến tạo hòa bình

Nhà sử học thuộc Đại học Stanford của Mỹ James Sheehan nhận định ngày chiến thắng phátxít Đức 8/5/1945 là khởi đầu cho quãng thời gian hòa bình lâu dài nhất trong lịch sử châu Âu.

Các máy bay của đội bay Frecce Tricolori thuộc Không quân Italy thực hiện màn nhào lộn nhân kỷ niệm 75 năm Ngày giải phóng đất nước khỏi chế độ phát xít, tại Rome ngày 25/4/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Các máy bay của đội bay Frecce Tricolori thuộc Không quân Italy thực hiện màn nhào lộn nhân kỷ niệm 75 năm Ngày giải phóng đất nước khỏi chế độ phát xít, tại Rome ngày 25/4/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Nhân kỷ niệm 75 năm ngày chiến thắng phátxít Đức tại chiến trường châu Âu (8/5/1945-8/5/2020), nhà sử học thuộc Đại học Stanford của Mỹ James Sheehan cho rằng, có rất nhiều bài học được rút ra từ cuộc Chiến tranh Thế giới thứ hai, trong đó, bài học đầu tiên là phải tìm mọi cách để chiến tranh không thể xảy ra và luôn nỗ lực kiến tạo hòa bình.

Theo phóng viên TTXVN tại New York, đề cập đến những di sản của Ngày Chiến thắng đối với thế giới ngày nay, ông Sheehan, giáo sư chuyên ngành lịch sử và nhân văn tại Trường Khoa học và Nhân văn thuộc Đại học Stanford đồng thời là tác giả cuốn sách nổi tiếng “Where have all the soldiers gone?” (tạm dịch "Các cựu binh đi về đâu?) nhận định Ngày Chiến thắng có ý nghĩa khác nhau đối với mỗi quốc gia tham gia cuộc chiến.

Đối với người Mỹ, nó gợi nhớ về thời khắc chiến thắng, thời gian để tưởng nhớ về những thành tựu và cả sự hy sinh để làm nên chiến thắng.

Người Anh nhớ về quyết tâm được Thủ tướng Winston Churchill hiện thực hóa, nhưng cái giá phải trả cho cuộc chiến quá lớn và những năm tháng ngay sau khi chiến tranh kết thúc thật đáng buồn.

Ở Pháp, chiến tranh để lại một di sản phức tạp. Đối với người Đức, chiến tranh kết thúc giữa sự tàn phá và chết chóc thảm khốc. Chỉ khi nước Đức (đặc biệt phần phía Tây) bắt đầu khôi phục thì tháng 5/1945 dường như mới được coi là một sự khởi đầu mới chứ không phải là một sự kết thúc thảm khốc.

Trong khi đó, Ngày Chiến thắng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Liên Xô trước đây và nước Nga ngày nay, đất nước đã phải gánh chịu hy sinh mất mát nhiều nhất và đóng góp lớn nhất vào cuộc chiến đánh bại Đức quốc xã.

Chiến tranh đã cướp đi sinh mạng của khoảng 27 triệu người Liên Xô, trong đó gần 9 triệu chiến sỹ Hồng quân đã ngã xuống cho Ngày Chiến thắng.

Theo Giáo sư Sheehan, ngày 8/5/1945 là khởi đầu cho quãng thời gian hòa bình lâu dài nhất trong lịch sử châu Âu.

Ông cho rằng thế giới không nên coi sự “vắng mặt” của chiến tranh là điều hiển nhiên hay cũng không nên bỏ qua các chính sách đã làm nên hòa bình cho châu Âu và cần thiết phải duy trì sự cảnh giác đó.

Sử gia người Anh Michael Howard đã viết: "Việc kiến tạo hòa bình là một nhiệm vụ phải được thực hiện mỗi ngày trong cuộc sống của chúng ta…. không một công thức nào, không tổ chức nào và không một cuộc cách mạng chính trị hay xã hội nào có thể giải thoát nhân loại khỏi nhiệm vụ này. Chiến tranh Thế giới thứ hai nhắc nhở mỗi chúng ta về sự cần thiết phải tiếp tục thực hiện nhiệm vụ này."/.

Khắc Hiếu (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/loi-nhac-nho-nghiem-khac-ve-nhiem-vu-kien-tao-hoa-binh/639239.vnp