Lời mời gọi từ Cao nguyên đá

Mới đây, tỉnh Hà Giang đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia (DLQG) Cao nguyên đá Đồng Văn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Nơi đây đang dần trở thành 'địa chỉ đỏ' trong bản đồ du lịch của du khách ưa thích trải nghiệm.

“Cưỡi” xế nổ cùng người dân bản địa

Trên đường trải nghiệm từ TP Hà Giang lên Cao nguyên đá Đồng Văn, chúng tôi tình cờ gặp chàng trai Vàng A Tới, người dân tộc Mông đang hướng dẫn cậu thanh niên Việt kiều Canada-Nguyễn Bảo Nam (19 tuổi) chụp ảnh tại dốc Thẩm Mã. Theo lời của anh lái xe chở chúng tôi, khách du lịch đi lẻ, nhất là khách nước ngoài và Việt kiều thường chọn người dân bản địa dẫn đường. Vì thế, thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng đất cao nguyên này khá nhanh nhạy, chịu khó học ngoại ngữ để làm hướng dẫn viên du lịch, tạo cảm hứng trải nghiệm cho du khách.

Vàng A Tới tốt nghiệp Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội năm 2015, thông thạo tiếng Anh và có thể giao tiếp bằng tiếng Nhật. A Tới chia sẻ, nhà ở thị trấn Mèo Vạc có cửa hàng lưu niệm nên từ nhỏ đã thường xuyên giao tiếp với người nước ngoài. Sau khi tốt nghiệp THPT, gia đình định hướng làm kinh doanh, nhưng anh lại thích khám phá các vùng đất quê hương mình. Trong thời gian 3 năm theo học tại Hà Nội, anh tham gia các trang web về du lịch, phượt và kết bạn với khá nhiều nhóm bạn đam mê trải nghiệm. Dần dần A Tới có những vị khách, đầu tiên là các nhóm khách 2-3 người trong nước, rồi khách quốc tế “đặt hàng” dẫn đường trải nghiệm Hà Giang. Từ chiếc xe Win được bố mẹ đầu tư, đến nay trong tay Vàng A Tới có 8 chiếc xe máy, 2 ô tô (7 chỗ) cùng đội ngũ nhân viên hơn 10 người làm du lịch. Bản thân Vàng A Tới thường xuyên dẫn khách trải nghiệm, chẳng hạn anh nhận hợp đồng đặt xe ô tô đón Nguyễn Bảo Nam từ sân bay Nội Bài lên Hà Giang, thực hiện đúng yêu cầu của chàng Việt kiều này là trải nghiệm khắp Hà Giang trong 10 ngày bằng xe máy, lên kế hoạch ăn uống, tham quan, nơi nghỉ…

Những cánh đồng hoa tam giác mạch là một sản phẩm du lịch hấp dẫn khi đến Đồng Văn, Hà Giang. Ảnh: Trọng Hải.

Do Nguyễn Bảo Nam nói tiếng Việt không sõi nên Vàng A Tới vừa làm hướng dẫn viên vừa phiên dịch cả tiếng Anh và tiếng Việt. Chia sẻ với chúng tôi, chàng Việt kiều rất tin tưởng và ưng ý “dịch vụ” du lịch mà chàng trai bản xứ cung cấp: “Mới được A Tới đưa lên Đồng Văn sang ngày thứ ba thôi mà tôi đã rất thích nơi này. A Tới hiểu biết rất sâu sắc văn hóa và truyền thống của vùng đất anh ấy sinh ra nên truyền cảm hứng đến khách du lịch. Đi chưa được nửa hành trình khám phá Hà Giang, nhưng được “cưỡi” xế nổ trên cung đường Đồng Văn, thấp thoáng trong mây là hình ảnh những quả đồi, bãi đá, ngôi nhà, những cây ngô mọc lên xanh tốt bên các hốc đá… đặc biệt là cung đường tưởng là nguy hiểm nhưng có sức hấp dẫn lạ kỳ. Cảnh sắc của Hà Giang rất đẹp mà không phải quốc gia nào cũng có”.

Phát triển thành vùng kinh tế du lịch mũi nhọn

Năm 2014, Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành Công viên địa chất toàn cầu được UNESCO công nhận. Ngày 21-12-2017, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Khu DLQG Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Trần Đức Quý, những năm qua, tỉnh đã nỗ lực, chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, các tổ chức quốc tế tư vấn xây dựng các quy hoạch phát triển nhằm khai thác, phát huy giá trị của Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn gắn với phát triển du lịch, tạo sinh kế cho người dân vùng cao Hà Giang để trong tương lai, nơi đây trở thành vùng kinh tế du lịch mũi nhọn.

Quy hoạch Khu DLQG Cao nguyên đá Đồng Văn gồm toàn bộ Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, nằm trên địa bàn 4 huyện: Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh và Quản Bạ. Tổng diện tích khu du lịch là 232.606ha, trong đó khu vực tập trung phát triển các dịch vụ du lịch rộng khoảng 2.000ha.

Thời gian qua, một số sản phẩm du lịch đặc thù đã thu hút đông đảo du khách, như: Lễ hội hoa tam giác mạch; một ngày của Pao (tham quan Làng văn hóa du lịch Lũng Cẩm, xã Sủng Là, huyện Đồng Văn); chợ tình Khau Vai (xã Khau Vai, huyện Mèo Vạc); một ngày với vua Mèo tại khu di tích kiến trúc nghệ thuật nhà Vương (xã Xà Phìn, huyện Đồng Văn); trồng ngô, lên nương với đồng bào Mông… Hiện nay, UBND tỉnh đang phối hợp với các chuyên gia của mạng lưới công viên địa chất xây dựng các tuyến du lịch trong ngày trên Cao nguyên đá, như: Tuyến Quản Bạ-Yên Minh “Hành trình lên khởi nguồn của sự sống”; tuyến Yên Minh-Đồng Văn “Giai điệu cuộc sống trên miền đá”; tuyến Đồng Văn-Mèo Vạc “Hành trình tới tự hào và hạnh phúc” và sẽ tiếp tục khảo sát, xây dựng các tuyến khác trên công viên địa chất để hình thành và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch của tỉnh; đẩy mạnh thu hút đầu tư, cải cách hành chính, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển giao thông đồng bộ để liên kết và phát triển du lịch.

Mặc dù vậy, theo PGS, TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Hà Giang vẫn còn nhiều điểm cần chú ý khi hiện thực hóa quy hoạch này. Một trong số đó là cần chú ý tới sự đa dạng của văn hóa tộc người (ngoài dân tộc Mông sinh sống chủ yếu, còn 17 dân tộc khác), để có hình thức tuyên truyền, quảng bá tới khách du lịch, "níu chân" khách du lịch bằng những sản phẩm du lịch đặc thù, bền vững.

VƯƠNG HÀ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/du-lich/loi-moi-goi-tu-cao-nguyen-da-546738