Lối mở nào cho hộ kinh doanh hậu Covid-19 lần 2?

Không thể mãi ngóng chờ vào chính sách hỗ trợ khi có thể không đáp ứng đủ điều kiện, với các hộ kinh doanh chịu ảnh hưởng nặng nề từ đợt Covid-19 lần 1 cho đến lần 2, một trong những 'lối mở' là cần linh động chuyển đổi hình thức kinh doanh và tránh các rủi ro từ biến động thị trường.

Gia đình ông Phan Hữu Phước đăng ký hộ kinh doanh, cửa hàng may đo áo dài ở quận 5, Tp.HCM. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cửa hàng đã phải đóng cửa, thực hiện cách ly xã hội từ ngày 1/4/2020.

Khó tiếp cận chính sách hỗ trợ

Do dịch bệnh đang phức tạp, lượng khách hàng đến cửa hàng ngày một sụt giảm, ảnh hưởng nặng đến nguồn thu nhập duy nhất của gia đình ông Phước trong suốt thời gian qua.

Ông Phước nhận thấy hộ kinh doanh của gia đình thỏa mãn các điều kiện được hỗ trợ theo chủ trương của Chính phủ, ông đã liên hệ đến chính quyền phường. Tuy nhiên, gần đây ông nhận được thông tin phản hồi, gia đình ông nằm ngoài danh sách được hỗ trợ, với lý do cửa hàng của gia đình không bị buộc ngừng kinh doanh từ ngày 1/4/2020.

Gặp khó bơỉCovid-19 lần 2, các hộ kinh doanh cần linh động chuyển đổi hình thức kinh doanh.

Gặp khó bơỉCovid-19 lần 2, các hộ kinh doanh cần linh động chuyển đổi hình thức kinh doanh.

Theo ông Phước, định nghĩa “ngừng kinh doanh” chưa được rõ ràng và thống nhất, không phản ánh thực trạng của người dân đang bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh.

Mới đây, UBND quận 5 cho biết thêm về hộ kinh doanh Quỳnh Duyên do ông Nguyễn Văn Dũng đứng tên giấy phép kinh doanh không nằm trong diện phải tạm ngưng kinh doanh và doanh thu của hộ kinh doanh trong năm 2020 theo Chi cục Thuế Quận 5 cung cấp là 259.320.000 đồng (21.600.000 đồng/tháng).

Chính quyền quận 5 lý giải các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với điều kiện hỗ trợ là doanh thu do cơ quan thuế thực hiện quản lý thuế đối với hộ kinh doanh năm 2020 dưới 100 triệu đồng, được xác định tại thời điểm ngày 15/1/2020 theo quy định của pháp luật quản lý thuế.

Trong khi đó, Tổng cục Thống kê điều tra vào ngày 10/9 có cho biết là họ sẽ kiểm tra đột xuất đánh giá tác động của dịch Covid-19 lần 2 tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN).

Theo đó, cơ quan này sẽ khảo sát tình hình sản xuất kinh doanh của DN, các giải pháp ứng phó của DN trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, đánh giá hiệu quả các giải pháp của Chính phủ hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn, giảm thiểu thiệt hại do dịch Covid-19 và một số câu hỏi về năng lực cạnh tranh của DN.

Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, nhiều hộ kinh doanh ở Tp.HCM cho biết rất muốn được cơ quan thống kê khảo sát điều tra những khốn đốn của họ từ sản xuất kinh doanh do tác động Covid-19 lần 2 cho đến các bất cập trong chính sách hỗ trợ, để qua đó khâu chính sách sẽ giúp họ tháo gỡ được phần nào khó khăn.

Linh động chuyển đổi hình thức kinh doanh

Nhưng, như đợt khảo sát đột xuất lần này của Tổng cục Thống kê thì đối tượng điều tra là các DN được thành lập và chịu sự điều tiết của Luật DN và đang hoạt động tại thời điểm 10/9/2020 trên phạm vi cả nước. Trong khi đó, từ tháng 6/2020 thì các quy định về hộ kinh doanh đã chính thức được bỏ khỏi luật DN.

Có thể thấy, việc các hộ kinh doanh đang gặp khó khăn lại ngóng chờ vào chính sách hỗ trợ là điều không dễ dàng nếu như không đáp ứng đủ các điều kiện cũng như những bất cập từ cách thức triển khai các gói vốn vay hỗ trợ.

Và thay vì chăm chăm chờ hỗ trợ thì các hộ kinh doanh nên tập trung nhiều vào việc tự lực vượt khó cho hậu Covid-19 lần 2, đặc biệt là cần linh động trong việc chuyển đổi hình thức kinh doanh để tăng sức cạnh tranh.

Chẳng hạn như mới đây các hộ kinh doanh ở chợ truyền thống tại quận 5 và quận 6, Tp.HCM đã tham gia vào “chợ phiên online Chợ Lớn” nhằm thâm nhập vào kênh bán hàng trực tuyến với đa dạng mặt hàng từ thực phẩm tươi sống, đông lạnh, chế biến khô, mỹ phẩm, đồ gia dụng, kể cả phụ tùng ô tô, xe máy.

Giới chuyên gia cho rằng dịch Covid-19 lần 1 rồi lần 2 đã gây ra nhiều khó khăn cho hoạt động kinh doanh của các hộ kinh doanh ở những ngôi chợ truyền thống.

Cho nên, việc linh động chuyển đổi hình thức kinh doanh từ ngoại tuyến (offline) sang trực tuyến (online) như vậy sẽ trở thành giải pháp hữu hiệu, tạo kênh bán hàng online nhằm thúc đẩy hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh ứng phó tốt với đại dịch.

Còn theo chia sẻ của bà Tô Tuệ Lang, Chủ tịch Hội DN Quận 5, việc bán hàng kiểu truyền thống chuyển sang làm quen với kinh doanh online, bán hàng trực tuyến như nêu trên, dần sẽ giúp các hộ kinh doanh trở nên chuyên nghiệp và có thể tham gia các sàn thương mại điện tử lớn, tiếp cận khách hàng rộng lớn hơn.

Bên cạnh đó, theo giới chuyên gia, các hộ kinh doanh cần thận trọng trước những biến động thị trường do ảnh hưởng dịch Covid-19. Chẳng hạn với cơn sốt giá vàng khiến cho không ít chủ hộ kinh doanh thay vì tập trung cho việc kinh doanh thì lại liều lĩnh vay mượn tiền nhằm đầu tư vào vàng hòng kiếm lời để bù đắp thiệt hại do dịch bệnh.

Như lưu ý của Ts. Phạm Nguyễn Anh Huy (Đại học RMIT), việc lướt sóng thị trường vàng với mong muốn làm giàu nhanh chóng là một hành vi cực kỳ rủi ro vì luôn có khoảng chênh lệch cực lớn giữa giá mua vào và bán ra khi thị trường biến động.

Chưa kể, nguồn vốn lớn chảy vào vàng đặc biệt có thể ảnh hưởng đến thị trường cho vay ngân hàng, vốn là kênh gây quỹ chính cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước (tiền gửi ngân hàng giảm sẽ khiến tiền khả dụng cho các hộ kinh doanh vay sẽ ít hơn).

Theo Thế Vinh/Thời báo Kinh doanh

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/loi-mo-nao-cho-ho-kinh-doanh-hau-covid-19-lan-2/20200912091319606