'Lỗi kỹ thuật thể hiện trong văn bản' của Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi!

Thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng trường THCS & THPT Marie Curie (Hà Nội), nói: 'Trong quá trình soạn thảo, rồi trình lên trình xuống, soát xét rồi thẩm tra như thế, mà sao vẫn để lại 'lỗi kỹ thuật thể hiện trong văn bản' tại Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi?'

Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường THCS & THPT Marie Curie (Hà Nội) đã cảm thấy “sốc” khi đọc và thấy trong Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi (phiên bản ngày 12/4/2019), tại Khoản 3, Điều 56 gần như tước đoạt quyền điều hành nhà trường của các nhà đầu tư, với khái niệm hội đồng trường bao gồm thành phần ngoài đại diện các nhà đầu tư ra, còn có các thành phần có liên quan trong và ngoài nhà trường. Một hội đồng trường với nhiều thành phần như vậy, gồm cả những người không hề góp vốn, đương nhiên sẽ dẫn đến một kịch bản ai cũng thấy là sự rối loạn trong việc điều hành nhà trường.

Rồi Điều 100 của dự thảo còn “vô tình hay hữu ý” đã tước đoạt quyền sở hữu của nhà đầu tư bởi khái niệm hoàn toàn xa lạ so với luật hiện hành đó là: “Quyền sở hữu trường tư thục thuộc thuộc về pháp nhân nhà trường”. Tại sao không dùng “Trường tư thục của các nhà đầu tư” mà dùng một khái niệm mới là của pháp nhân nhà trường. Pháp nhân nhà trường là ai?
Như vậy theo dự thảo, nhà đầu tư bị “tước quyền” sở hữu trường, quyền điều hành nhà trường.

Tại "Hội thảo Quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, trường tư thục trong Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi" được tổ chức chiều 8/5 ở Hà Nội, đại diện nhiều trường tư thục cũng đã có ý kiến phản biện, thể hiện sự băn khoăn, lo lắng về một số quy định trong Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi (phiên bản ngày 12/4/2019), chưa phù hợp với chủ trương xã hội hóa giáo dục cũng như cam kết bảo hộ của Nhà nước đối với quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư giáo dục ở các cơ sở giáo dục tư thục.

Trong Văn phòng trường Marie Curie, thầy Nguyễn Xuân Khang kể lại với phóng viên báo điện tử Người Đưa Tin:

“Nói lại một chút là đêm mùng 7/5, thầy ngồi soạn bản Kiến nghị rất khuya, đến 1-2h sáng. Thày vừa soạn mà nước mắt cứ chảy ròng ròng, vì nó có cái bức xúc, dồn nén trong đêm khuya với những điều mình trăn trở. Đó là sự lao công khổ tứ, vất vả gần 30 năm, giờ sắp đổ xuống sông xuống biển.

Tại Hội thảo ngày 8/5 góp ý cho dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, sự bức xúc của thày đã lên đến cao độ, rồi nó chuyển sang cảm xúc lên đến tột cùng, thày trở nên thảng thốt.

Thầy phát biểu rằng nếu dự thảo này với những nội dung trên được Quốc hội thông qua, thì tôi sẽ rao bán trường. Tôi rao bán trường trong tình huống này thì sẽ không ai mua, bởi người ta mua làm gì một sản phẩm mà không có quyền tự chủ nữa, không có quyền sở hữu thì ai mua...".

Ngày 11/5, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, đã có buổi gặp gỡ với đại diện của 25 trường phổ thông tư thục về những nội dung liên quan tới Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi. Ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban này cho rằng, những bức xúc tại hội thảo ngày 8/5 có thể xuất phát từ những điểm hiểu lầm tại các điều trong bản dự thảo.

Về điều 100, giải thích từ “pháp nhân” của nhà trường, một ông Phó chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội, tham dự, cho biết, ban soạn thảo có ý tưởng tới đây, các nhà đầu tư sẽ phải thành lập công ty để sở hữu và quản lý trường, kể cả trường dân lập lẫn trường tư thục. Pháp nhân nhà trường này trong luật doanh nghiệp và kể cả luật dân sự được định nghĩa là công ty mà các thày sắp tới phải thành lập. Công ty này sẽ phải xin mở trường và chịu sự điều chỉnh của luật doanh nghiệp, luật đầu tư. Sau khi luật này được thông qua và có hiệu lực, những nhà đầu tư nào muốn thành lập trường trước hết phải thành lập công ty, thuyết minh điều kiện và sẽ có một bộ phận thẩm định. Nếu đạt yêu cầu đề ra, công ty ấy sẽ được trao quyết định mở trường.

"Lỗi kỹ thuật thể hiện trong văn bản tại khoản 3, điều 56 của Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi"

"Lỗi kỹ thuật thể hiện trong văn bản tại khoản 3, điều 56 của Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi"

Còn về Khoản 3, Điều 56, ông Phan Thanh Bình nói do lỗi kỹ thuật thể hiện trong văn bản dẫn đến hiểu nhầm, họ sẽ sửa lại như sau:

- Cuối tiết a): thay dấu “chấm phẩy” (;) bằng dấu chấm hết câu (.)

- Đưa toàn bộ các dòng sau tiêt b, nhập vào tiết này. Nghĩa là “thành viên trong trường và ngoài trường” thuộc tiết b, không thuộc tiết a."

Thẩy Khang kể tiếp với phóng viên báo Người Đưa Tin: “Sau buổi gặp, sắc mặt thày có “bơ phờ” chút chút nhưng thấy vui, vì các nhà lập pháp cũng như những người bị điều chỉnh bởi Luật Giáo dục đã “gặp nhau”... Và con tim mọi người đã vui trở lại.

Nguyễn Quốc – Hạnh Mỹ (thực hiện)

Nguyễn Quốc

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/loi-ky-thuat-the-hien-trong-van-ban-cua-du-thao-luat-giao-duc-sua-doi-a433610.html