Lời khuyên là người bình thường, tử tế: Điều tốt lan tỏa

Kỳ tích không tự nhiên xuất hiện, mà nó là kết quả của những nỗ lực, khó khăn, thất bại, sai lầm để đi đến được thành công.

GS.TS Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam bày tỏ xúc động trước lời dặn dò học sinh "hãy là người bình thường tử tế" của thầy hiệu trưởng Trường THPT Trần Hữu Trang (quận 5, TP HCM) tại buổi lễ tri ân, trưởng thành của học sinh khối 12. GS Phạm Tất Dong cho rằng, lời dặn dò dù giản dị nhưng rất khó thực hiện.

Lễ tri ân, trưởng thành của học sinh khối 12, trường THPT Trần Hữu Trang. Ảnh: PLO

Lễ tri ân, trưởng thành của học sinh khối 12, trường THPT Trần Hữu Trang. Ảnh: PLO

Vị GS nhấn mạnh, thầy Hiệu trưởng đã dùng từ "bình thường" chứ không phải là "tầm thường" hay "bất thường" để nhấn mạnh rằng, học sinh của ông dù không quá nổi trội, phải có "ghế", có địa vị, có tiền bạc nhưng sẽ không nhạt nhẽo, vô vị, họ là một công dân, họ sống đúng với nghĩa vụ của một công dân.

Theo vị GS, đa số mọi người sẽ cho rằng, dạy con thành người tử tế, người bình thường thì dễ quá và để con trở thành người tài năng, nổi tiếng, giàu có thì mới khó. Điều này thực tế đúng mà sai, dễ mà khó.

Với trường hợp làm giàu, kiếm tiền, nổi tiếng bằng con đường hợp pháp, tuân thủ đúng quy định pháp luật, không mưu mô, hại người, bên cạnh đó, biết bảo vệ môi trường sống và có trách nhiệm với lợi ích chung, không mưu lợi bất chính, bất hợp pháp thì là điều khó vô cùng.

Bỡi lẽ, để có khả năng làm việc hợp pháp thì trước hết phải sẵn sàng làm việc, làm việc có trách nhiệm và phải biết chịu trách nhiệm với những việc mình làm. Tự bản thân mỗi người cũng phải có khả năng đối mặt khó khăn, giải quyết vấn đề chứ không lẩn tránh và bao biện, cái tốt thì nhận về mình, cái sai lại đổ cho người khác.

"Điều này không phải ai cũng làm được và không phải lúc nào cũng có thể làm được. Vì thế mới nói, kiếm tiền chân chính, làm giàu chính đáng rất khó", ông Dong nói.

Thế nhưng, theo vị chuyên gia, bên cạnh đó vẫn có những trường hợp từ thời còn là học sinh đã đua tranh, hơn bạn ở bảng điểm, tấm bằng nhưng lại không phải nhờ tài trí, chăm chỉ rèn luyện mà nhờ gian lận thi cử, nhờ mối quan quan hệ, tiền bạc, chạy chọt của cha mẹ. Bé đã được sống bao bọc trong nhung lụa, ích kỷ, không biết chia sẻ, không biết yêu thương, lớn thì vụ lợi, tham lam, bất chấp mọi thủ đoạn, thậm chí vi phạm pháp luật để đánh đổi lợi ích.

Cũng vì thế, mới có những cán bộ, công chức phải tay năm, tay mười, chắt chiu, tiết kiệm mới chỉ đủ chi tiêu, trang trải trong gia đình. Nhưng lại có những người sẵn ăn trên, ngồi chốc, sớm được hưởng vinh hoa, phú quý, dù ít tuổi đã sở hữu khối tài sản kếch xù với những bất động sản, xe sang, khi lớn lên lại được trải thảm được sắp đặt vào những vị trí ngon ăn, béo bở, làm ít lương vẫn cao. Với những trường hợp này để sống được cuộc sống bình thường, tử tế chắc chắn khó hơn nhiều so với việc làm giàu, kiếm tiền.

Theo vị GS, lời nhắn nhủ của thầy Hiệu trưởng chính là mong muốn học sinh của mình hãy xây cuộc đời mình từ những điều nhỏ nhặt. Những cái nhỏ sẽ dần tích lũy theo tháng năm và tạo nên những cái lớn hơn. Kỳ tích không tự nhiên xuất hiện, mà nó là kết quả của những nỗ lực, khó khăn, thất bại, sai lầm để đi đến được thành công. Đó mới chính là thành công chính đáng, đáng được tôn vinh, trân trọng.

Cũng vì điều này, GS Phạm Tất Dong cho biết, Việt Nam đã có chủ trương xây dựng chương trình giáo dục "công dân học tập" với mục tiêu đưa xã hội đi lên.

"Một công dân học tập không có nghĩa chỉ học kiến thức, kỹ năng, học nghề mà điều đầu tiên chương trình hướng đến là giáo dục cho từng công dân trở thành một người công dân tốt. Ở bất cứ vị trí nào người công dân đó cũng phải thực hiện thật tốt vai trò, trách nhiệm công dân của mình.

Nếu ở vị trí của một người dân bình thường thì phải có trách nhiệm lao động, làm việc, đóng thuế, xây dựng nếp sống văn hóa, văn mình. Là cán bộ thì trung thực, ngay thẳng, không tham lam, vụ lợi. Là công nhân phải hăng say lao động, có lương tâm nhà nghề...

Như vậy, để trở thành một người "bình thường, tử tế" thì không chỉ là mong muốn riêng của một mình thầy Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hữu Trang mà là mong muốn chung của toàn xã hội, là mục tiêu, mục đích của cả xã hội đang hướng tới", GS Phạm Tất Dong nói.

Bất ngờ thư khuyên học sinh hãy là...người bình thường, tử tế

Theo vị GS, trong gia đình, cơ quan, hay ngoài xã hội hiện nay những người bình thường tử tế vẫn đang là đại đa số, nhưng trong đại đa số đó vẫn có những người chưa tử tế, bình thường. Trong nhà trường còn có học sinh vì đố kỵ, ganh ghét mà đánh nhau, chửi thề, vì tham vọng mà gian lận thi cử. Trong cơ quan, doanh nghiệp còn có những người tham lam, trục lợi, vì lợi ích cá nhân mà làm những việc sai trái. Trong xã hội vẫn có những người vì miếng cơm manh áo mà manh động, ngỗ ngược, đánh đuổi cha mẹ, bất chấp các thủ đoạn buôn gian, bán lậu, làm việc phi pháp.

Dù đó chỉ là số ít, là thiểu số nhưng nếu vẫn có những người chưa thể bình thường tử tế, xã hội vẫn còn những bất an. Vì thế, nếu ai cũng luôn nghĩ tới những điều tử tế, muốn làm những việc tử tế thì những điều tốt đẹp, tử tế sẽ ngày càng được nhân rộng trong xã hội.

Điều quan trọng hơn theo vị GS, khi sống trong một môi trường bình thường tử tế sẽ nhận được sự đồng thuận rất lớn. Khi một xã hội có được sự đồng thuận cao sẽ là một xã hội văn minh, phát triển. Ngược lại, sẽ là chia rẽ, mâu thuẫn.

Lam Lam

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/loi-khuyen-la-nguoi-binh-thuong-tu-te-dieu-tot-lan-toa-3413471/