Lời khuyên khó thực hiện của bà Phó thống đốc

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khuyên khách hàng gửi tiền nên đến tận nơi thực hiện giao dịch...

Ngân hàng được toàn quyền sử dụng và phải có trách nhiệm bảo đảm an toàn tiền gửi của khách hàng - Ảnh: K.Linh

Ngân hàng được toàn quyền sử dụng và phải có trách nhiệm bảo đảm an toàn tiền gửi của khách hàng - Ảnh: K.Linh

Từ khi nhiều vụ nhân viên ngân hàng rút trộm tiền gửi bị phát hiện và nhất là khi Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khuyên khách hàng gửi tiền nên đến tận nơi thực hiện giao dịch, kiểm tra thường xuyên số dư tiền gửi, lòng tôi nóng như lửa đốt.

Không có hàng trăm tỷ như một khách hàng đã từng mất mà đến nay chưa thấy ngân hàng chịu hoàn lại, nhưng số tiền tiết kiệm của tôi là toàn bộ tài sản mà tôi dành dụm gửi ngân hàng để có chi phí lo cho bố mẹ già ở Việt Nam, sau khi tôi đi định cư ở nước ngoài.

Ở nơi xa này, làm sao tôi làm được theo lời khuyên của bà Phó thống đốc?

Những tưởng gửi ngân hàng là cẩn tắc vô áy náy nào ngờ ngân hàng để xảy ra rút trộm tiền gửi khách hàng, chưa thấy thực hiện trách nhiệm hoàn tiền, lại khuyên người gửi phải tự thân kiểm tra thường xuyên xem tiền mình có bị bốc hơi hay không thì thật là hoang mang quá đỗi.

Như vậy, trách nhiệm bảo đảm an toàn tiền gửi là của ai, ngân hàng hay khách hàng? Trên thực tế, chúng tôi những người gửi tiền không sử dụng “dịch vụ giữ tiền hộ” của ngân hàng. Số tiền chúng tôi gửi, ngân hàng không niêm phong để nguyên trong két sắt rồi đến khi người gửi đến rút thì ngân hàng đem trả lại. Mà ngân hàng được toàn quyền sử dụng tất cả số tiền gửi trong các hoạt động kinh doanh, cho vay lấy lãi của mình, từ đó mà sinh lời.

Nói một cách khác, chúng tôi để cho ngân hàng dùng tiền của mình để kinh doanh, đi cùng với nghĩa vụ phải đảm bảo số tiền gửi cùng mức lãi suất định kỳ mà ngân hàng công bố vào thời điểm khách hàng gửi tiền. Vì bất kỳ lý do gì, ngân hàng kinh doanh không hiệu quả hay làm mất số tiền khách hàng gửi thì đó là ngân hàng làm mất tiền của mình, chứ không phải khách hàng gửi tiền phải chịu rủi ro này. Ngân hàng vẫn phải thực hiện nghĩa vụ trả đầy đủ cho khách hàng khi đến hạn.

Ngân hàng chính là xương sống của nền kinh tế, xương sống vững vàng mới giúp cho dòng tiền máu lưu thông nuôi cả cơ thể. Để xảy ra những dấu hiệu trộm cắp, lừa đảo, mất an toàn tiền gửi trong hệ thống ngân hàng cực kỳ nguy hiểm, nhưng nếu đã trót xảy ra rồi, Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm đôn đốc các ngân hàng thực hiện tròn nghĩa vụ với khách hàng, không nên để xảy ra bất kỳ sự lo ngại, hoang mang nào vì đây là lĩnh vực đặc biệt nhạy cảm.

Tôi dám chắc mình không phải là trường hợp cá biệt, vì Việt Nam đang nằm trong top 10 nước có lượng kiều hối cao nhất trên toàn thế giới. Và theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, lượng kiều hối về Việt Nam trong năm 2017 ước đạt 13,81 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay và tăng 1,9 tỷ USD, tương ứng 16% so với năm 2016.

Và cũng theo thông tin từ chính Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước), tới 72,6% lượng kiều hối được chuyển về Việt Nam được thực hiện phổ biến qua hệ thống ngân hàng thương mại, rồi mới đến các tổ chức kinh tế, hải quan và bưu điện, các hình thức khác.

Trước những lợi ích rõ ràng, lớn lao và dài lâu như vậy, hy vọng Ngân hàng Nhà nước sớm có những chính sách yêu cầu các ngân hàng trong hệ thống của mình phải có ngay động thái phản hồi nhanh và tích cực, đủ mạnh mẽ để củng cố niềm tin cho người dân trong nước cũng như đồng bào tại hải ngoại, thay vì những lời khuyên đổ trách nhiệm về phía những người đã trao trọn những đồng tiền xương máu cho mình như vậy.

Yen Cuypers

(Viết từ Vương quốc Bỉ)

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

.

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/loi-khuyen-hai-sao-tren-troi-cua-ba-pho-thong-doc-d250748.html