Lời 'kêu cứu' của hàng loạt các di sản văn hóa và câu chuyện bảo tồn

Hàng loạt các di sản văn hóa đang 'kêu cứu' trong thời gian qua như một hồi chuông báo động về tính khẩn thiết trong việc bảo tồn và gìn giữ những giá trị lâu đời.

Bức phù điêu được phát hiện ở Trường ĐH Mỹ thuật VN vốn tiền thân là Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. TS Phạm Long cho hay bởi số lượng số lượng các nhà điêu khắc được đào tạo trong giai đoạn này rất ít nên những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc cũng rất hiếm. Hai bức phù điêu vô tình được phát hiện này không chỉ có giá trị lịch sử mà còn là một phát hiện lớn có tính giá trị đối với nền điêu khắc Việt Nam.

Nằm nép mình ở bức tường bên hông hông Trường ĐH Mỹ thuật VN, các bức phù điêu vẫn giữ nguyên giá trị của nó suốt năm tháng dài đằng đẳng. Cạnh bên là một con phố nối với bên hông của trụ sở Bộ Công an nên vốn dĩ những ai đi qua đoạn đường này trước đều có thể nhìn thấy tác phẩm. Tuy nhiên, từ khoảng năm 1960 thì đoạn phố này bị chắn lại và chạy dọc bức tường có phù điêu là tòa nhà một tầng mới xây. Thế nên, khoảng cách giữa bức phù điêu và tòa nhà chỉ còn một khe nhỏ chừng 40-60cm và lối vào từ hai đầu đều bị bịt kín bằng tường và hai cây cột điện.

Theo PGS.TS Lê Văn Sửu - Hiệu trưởng Trường ĐH Mỹ thuật VN và cũng là người đã có dịp may mắn nhìn thấy hai bức phù điêu đánh giá chúng còn rất mới, đẹp và màu patin trên bề mặt phù điêu còn đều tăm tắp từ 4 góc vào bên trong. Nhận thấy tình hình của bức tường phù điêu vẫn còn nguyên giá trị, TS. Phạm Long các quan ban ngành hãy chung tay và cấp thiết bảo vệ một di sản quý của nền mỹ thuật VN hiện đại thời trứng nước 1930-1945.

Để quan sát bức phù điêu khá khó khăn

Để quan sát bức phù điêu khá khó khăn

Trước đó, dư luận đã và đang xôn xao trước việc hạ giải nhà thờ Bùi Chu (ở xã Xuân Ngọc, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định). Nhà thờ được xây dựng từ năm 1884 bởi giám mục người Tây Ban Nha Wenceslao Onate Thuận và đã qua hai lần trùng tu vào năm 1974 và 2000. Nơi đây có kiến trúc độc đáo, lịch sử hình thành, phát triển gắn liền với đời sống của nhiều thế hệ giáo dân cũng như của cộng đồng dân cư. Hiện nhiều chỗ bên trong nhà thờ đã xuống cấp. Ở bên ngoài, mỗi khi trời mưa, một bên nhà thờ lại bị ngập nước.

Khi hay tin nhà thờ Bùi Chu sẽ hạ giải vào ngày 13/5, 25 kiến trúc sư đã gửi đơn đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị đề nghị can thiệp giữ lại nhà thờ. Thế nên, sáng 10/5, Tổng đại diện, trưởng ban xây dựng nhà thờ chính tòa Bùi Chu - linh mục Giuse Nguyễn Đức Giang đã ký văn bản thông báo về việc tạm hoãn hạ giải nhà thờ chính tòa Bùi Chu.

Trước đó, chiều 7/5, Thứ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Lê Quang Tùng dẫn đầu đoàn công tác đến khảo sát thực trạng nhà thờ Bùi Chu. Cuối giờ chiều cùng ngày, đoàn có báo cáo nhanh, đề xuất Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện chỉ đạo Viện Bảo tồn di tích khảo sát, đánh giá thêm về hiện trạng nhà thờ, đề xuất phương án trùng tu.

Ông Trần Đình Thành - Cục phó Di sản văn hóa cho biết nhà thờ đã xuống cấp. Nhiều chỗ bị nứt, hỏng như cửa vào, các mái vòm hai bên tường. Thậm chí, tòa tháp trái bị nghiêng. Về diện mạo nhà thờ Bùi Chu sắp được xây dựng mới, ông Thành cho biết, theo bản thiết kế sơ bộ, quy mô mặt bằng và kiến trúc công trình sẽ giữ nguyên như cũ. Nhiều thành phần kiến trúc của công trình cũ sẽ được giữ lại ở nhà thờ mới.

Nhà thờ Bùi Chu đã được tạm hoãn hạ giải

Hay trong những tháng đầu năm, dư luận cực kỳ bức xúc trước thông tin bức tranh Vườn xuân Trung Nam Bắc của danh họa Nguyễn Gia Trí - một bảo vật quốc gia - được phát hiện bị hư hại sau khi làm vệ sinh.

Họa sĩ Nguyễn Xuân Việt - người học trò kề cạnh những năm cuối đời của danh họa Nguyễn Gia Trí và cũng là thành viên Hội đồng thẩm định - nhận xét bức tranh bị hư hỏng phần lớn bề mặt. Nguyên nhân theo ông là đội vệ sinh đã sử dụng bột chu để đánh bóng mặt tranh. Vốn bột chu chỉ được dùng để đánh bóng tác phẩm khi bề mặt được phủ một lớp sơn mỏng và sẽ bay đi sau khoảng 10 năm sau. Còn bức tranh đã ra đời cách đây 30 năm và sinh thời, cụ Nguyễn Gia Trí cho các học trò mài nhẹ lên bề mặt sơn với độ đậm - nhạt khác nhau để bức tranh được hài hòa.

Bức tranh trước và sau khi vệ sinh

Có thể nói câu chuyện về bảo tồn di sản đang dần bước đến hồi căng thẳng bởi hàng loạt các công trình mang giá trị lịch sử và ý nghĩa bị đe dọa. Việc bảo tồn e rằng đến thời điểm này đã là quá trễ và phải chăng, chúng ta chỉ còn có thể tìm cách khắc phục để cứu vãn hết mức có thể?

Theo TS - KTS Nguyễn Hạnh Nguyên thì có nhiều giải pháp để bảo vệ di sản văn hóa, song lại thiếu công cụ đã được cụ thể hóa. Mặc dù Luật Di sản từ rất lâu nhưng việc hiện thực hóa vẫn còn nhiều bất cập do các quy định còn quá chung chung. Đó là di sản văn hóa, nhưng trong di sản văn hóa còn bao gồm di sản thiên nhiên, di sản vật thể, di sản phi vật thể, di sản kiến trúc, di sản kiến trúc trong đô thị...

Bên cạnh đó, việc thực hiện quy chế quản lý di sản di tích cũng rất kém và ý thức của cộng đồng trong việc gìn giữ và bảo tồn cũng chưa được nâng cao. Chắc chắn rằng sẽ còn rất nhiều bức phù điêu quý như trên tường Trường ĐH Mỹ Thuật VN, những di sản có giá trị lịch sử gắn với cả văn hóa cộng đồng “suýt chết” như nhà thờ Bùi Chu và cũng đã có không ít nhưng tác phẩm nghệ thuật hư hỏng mà chúng ta thì cứ mải loay hoay tìm cách khắc phục như bức tranh Vườn Xuân Trung Nam Bắc.

Mong rằng trong thời gian sắp tới các cơ quan ban ngành sẽ tìm được cách khắc phục và bảo tồn những di sản văn hóa có giá trị để nền nghệ thuật Việt Nam ngày càng phát triển!

Hữu Long

Nguồn Sao Pháp Luật: http://sao.baophapluat.vn/tin-tuc/chi-tiet/loi-keu-cuu-cua-hang-loat-cac-di-san-van-hoa-va-cau-chuyen-bao-ton-4492/