Lợi ích từ ứng dụng y học hiện đại

Nhiều bệnh viện tại thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động tiếp cận, ứng dụng thành công những công nghệ, thành tựu y học mới của thế giới và còn chủ động tạo ra những ứng dụng trên nền tảng IoT (mạng lưới vạn vật kết nối internet), áp dụng thành công vào quy trình khám, chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe của người dân. Qua đó nâng cao rõ rệt chất lượng khám, chữa bệnh của các bệnh viện.

Trong thời gian qua, nhiều tiến bộ khoa học y tế hiện đại và những ứng dụng trên nền tảng internet đã được áp dụng thành công tại thành phố Hồ Chí Minh. Nổi bật trong số đó là: "Ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong phẫu thuật nội soi: Robot Davinci" của Bệnh viện Bình Dân, hay "Ứng dụng IoT để quản lý và điều phối máy giúp thở giữa các khoa trong toàn bệnh viện" của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương; hoặc "Phần mềm quản lý sử dụng kháng sinh hạn chế" của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới.

Bệnh viện Bình Dân đã khiến nhiều chuyên gia y tế thế giới ngỡ ngàng về việc đã làm chủ công nghệ phẫu thuật bằng robot hiện đại. Từ ca phẫu thuật đầu tiên ngày 10-12-2016, trong khoảng thời gian 3 năm, ê kíp phẫu thuật robot của Bệnh viện Bình Dân đã phẫu thuật thành công 850 trường hợp về niệu khoa, ngoại tổng quát. Đây là công nghệ phẫu thuật bằng robot 8 cánh tay đa chức năng Davinci chỉ có tại Mỹ và các nước có nền y học phát triển. Tiến sĩ, bác sĩ Trần Vĩnh Hưng, Giám đốc Bệnh viện Bình Dân cho biết, khi phẫu thuật bằng robot, các mô bệnh được lấy hết, trong khi đó, những phần khác như thần kinh, mạch máu không bị ảnh hưởng. Người bệnh mất ít máu, hồi phục nhanh; chất lượng phẫu thuật triệt căn được nâng cao trong ung thư trực tràng và ung thư tuyến tiền liệt. Hiện bệnh viện có 18 kíp mổ được đào tạo ở Mỹ, Hàn Quốc... và làm chủ công nghệ phẫu thuật bằng robot.

Còn tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, việc ứng dụng nền tảng IoT để quản lý và điều phối máy thở giữa các khoa trong bệnh viện được ứng dụng thành công đã giúp giải quyết nỗi lo lắng của các bác sĩ khi tiếp nhận bệnh nhân suy hô hấp nặng hoặc ngưng thở trong lúc khoa không còn máy thở, vốn là hiện tượng khá thường gặp ở các bệnh viện tuyến cuối. Bác sĩ Võ Đức Chiến, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết: Tận dụng hạ tầng công nghệ thông tin sẵn có của bệnh viện, các chuyên gia công nghệ thông tin đã thiết lập nên hạ tầng cho IoT của bệnh viện, từ đó các máy thở sẽ được định danh và truyền thông tin tình trạng hoạt động qua mạng wifi của bệnh viện.

Tại Bệnh viện Nhiệt đới, thực hiện nghiêm chiến lược phòng, chống kháng thuốc của Bộ Y tế, lãnh đạo bệnh viện đã đặt hàng với Ban Quản lý kháng sinh của bệnh viện phối hợp với Phòng Công nghệ thông tin nghiên cứu và xây dựng quy trình “Hội chẩn kháng sinh online” nhằm rút ngắn thời gian thẩm định và phê duyệt cho phép sử dụng kháng sinh hạn chế, đồng thời giảm bớt thủ tục giấy tờ.

Trước đây, thời gian hoàn thành quy trình này thường phải mất 2 ngày làm việc, nên sẽ ảnh hưởng đến việc sử dụng kháng sinh để điều trị cho bệnh nhân. Dựa vào các kết quả cận lâm sàng (siêu âm, xét nghiệm...), phần mềm hỗ trợ cho các bác sĩ điều trị và các bác sĩ thuộc Ban Quản lý kháng sinh ra quyết định nhanh chóng, chính xác hơn.

Đánh giá về những ứng dụng công nghệ mới của ngành Y tế thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2019, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Thanh Liêm nhận định: “Việc ứng dụng công nghệ mới trong lĩnh vực y tế bước đầu đã đem lại hiệu quả tích cực, góp phần xây dựng thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh trong tương lai, hướng đến công tác quản lý, điều hành hoạt động, điều trị và chăm sóc bệnh nhân ngày càng tốt hơn, đem lại sự hài lòng cho bệnh nhân”.

Trúc Ly

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/suc-khoe/954802/loi-ich-tu-ung-dung-y-hoc-hien-dai