Lợi ích từ lưu trữ và truyền tải hình ảnh tại bệnh viện

Ứng dụng hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh tại bệnh viện mang lại hiệu quả cao trong chẩn đoán điều trị bệnh và lợi ích kinh tế.

Hội nghị có sự tham dự của nhiều chuyên gia y tế, lãnh đạo các bệnh viện lớn tuyến trung ương và địa phương. ảnh: moh.gov.vn

Ngày 30/8/2018 tại Phú Thọ, Bộ Y tế tổ chức hội nghị sơ kết đánh giá thực hiện Đề án thí điểm hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh tại bệnh viện (PASC).

Trong những năm qua, các cơ sở y tế đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám chữa bệnh và thanh toán Bảo hiểm y tế theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Y tế.

Tuy nhiên, đa phần các bệnh viện ở Việt Nam vẫn đang thực hiện quản lý và lưu trữ các hồ sơ phát sinh trong quá trình khám chữa bệnh dưới dạng các văn bản giấy và phim. Các hệ thống thông tin quản lý bệnh viện (HIS) tại một số bệnh viện vẫn chưa quản lý được hết các hoạt động, các thông tin phát sinh trong quá trình khám chữa bệnh của bệnh viện.

Ngoài ra, chưa có cơ chế pháp lý nào cho phép các bệnh viện không cần in giấy và không cần in phim mà chỉ cần sử dụng các dữ liệu bệnh án điện tử trong quá trình khám chữa bệnh.

Đây chính là nguyên nhân dẫn đến một thực trạng là các bệnh viện phải vận hành những hệ thống này song song cùng với hệ thống quản lý lưu trữ giấy và phim.

Điều này đã gây ra rất nhiều khó khăn trong quá trình kiểm soát và khai thác các thông tin, dữ liệu hiện có tại bệnh viện.

Với phương pháp quản lý như hiện tại, chi phí cho việc lưu trữ phim phục vụ cho công tác chẩn đoán hình ảnh và hồ sơ bệnh án giấy là rất lớn, gây tốn kém và lãng phí rất lớn cho ngân sách hàng năm để phục vụ mua phim trắng, giấy và xây dựng nhà kho đủ tiêu chuẩn cho lưu trữ hồ sơ bệnh án.

Đứng trước thực tiễn đó, trên cơ sở ý kiến của Bộ Tài chính và Bảo hiểm xã hội Việt Nam, lãnh đạo Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 4868/QĐ-BYT ngày 16/11/2015 phê duyệt đề án triển khai thí điểm hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS).

Theo đó các bệnh viện thực hiện sẽ ứng dụng hệ thống PACS để quản lý, xử lý hình ảnh, đọc kết quả và trả kết quả chẩn đoán hình ảnh như chụp X-Quang, chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp CT-scanner và chụp mạch số hóa nền (DSA) không sử dụng phim.

Việc ứng dụng cũng làm căn cứ để Bộ Y tế đánh giá chi phí hiệu quả của việc áp dụng PACS trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh không cần in phim để có thể áp dụng trên phạm vi toàn quốc.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Phạm Lê Tuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, sau 3 năm triển khai đề án thí điểm hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh tại bệnh viện (PACS) đã có 10 bệnh viện trên cả nước được xem xét, thẩm định và phê duyệt thực hiện trong đề án và được Bảo hiểm xã hội thanh toán.

Kết quả từ phản ánh của các bệnh viện cho thấy đề án đã mang lại những kết quả đáng khích lệ, vừa thuận lợi cho công tác chẩn đoán, điều trị bệnh nhân, vừa mang lại lợi ích về kinh tế y tế.

Tuy nhiên, để thực hiện PACS thành công đòi hỏi các bệnh viện phải triển khai các giải pháp về kỹ thuật như phải đồng bộ hóa các trạm làm việc có tính năng xem hình ảnh, hệ thống máy tính có server lưu trữ hình ảnh, máy chụp số hóa, thay đổi quy chế hoạt động khoa chẩn đoán hình ảnh, quy chế hoạt động của các sĩ và bỹ thuật viên. Đặc biệt phải có sự quyết tâm cao của lãnh đạo các bệnh viện trong chỉ đạo, điều hành.

Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn phát biểu tại hội nghị. ảnh: moh.gov.vn

Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn hy vọng, thông qua hội nghị, các cơ sở khám, chữa bệnh sẽ chia sẻ những bài học kinh nghiệm hữu ích, bao gồm cả những kết quả đạt được cũng như khó khăn, vướng mắc để việc thực hiện hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh có thể mở rộng ra nhiều địa phương, đơn vị…

Đây cũng là một nội dung rất quan trọng để ngành y tế thực hiện tốt Nghị quyết số 68/2013/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về Bảo hiểm y tế, tiến tới Bảo hiểm y tế toàn dân, Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử nhằm hoàn thành việc kết nối, liên thông gửi dữ liệu theo chuẩn và định dạng mới, đặc biệt là tuân thủ đúng lộ trình hoàn thành việc gửi dữ liệu Bảng 4, 5 của Đề án PASC.

Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe tham luận của đại diện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hải Phòng báo cáo tình hình thực hiện Đề án thí điểm hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh; Cục Công nghệ thông tin Bộ Y tế trình bày tình hình triển khai về đề án PACS, những kết quả đạt được và định hướng phát triển; Các đơn vị tư vấn Công nghệ thông tin của Bộ Y tế trình bày một số Mô hình quản lý lưu trữ hình ảnh tập trung cấp Tỉnh/Thành phố tuân thủ kiến trúc tổng thể hệ thống khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế.

Hội nghị này cũng nhằm sơ kết và thảo luận đánh giá từ các đại biểu của các Vụ, Cục, Viện của Bộ Y tế, đại diện lãnh đạo Sở Y tế, Bảo hiểm xã hội các tỉnh/Thành phố và các bệnh viện tham gia đề án làm căn cứ để Bộ Y tế có thể đánh giá chi phí hiệu quả của việc áp dụng hệ thống lưu trữ, xử lý và truyền ảnh y tế (PASC) trong lĩnh vực chuẩn đoán hình ảnh không cần in phim để có thể triển khai trên toàn quốc.

Trúc Diệp

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/suc-khoe/loi-ich-tu-luu-tru-va-truyen-tai-hinh-anh-tai-benh-vien-post189486.gd