Lợi ích từ công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là chủ trương đúng đắn, kịp thời của Chính phủ nhằm đáp ứng yêu cầu học nghề, tạo việc làm ổn định, nâng cao chất lượng nguồn lao động ở nông thôn. Để thực hiện chủ trương này, Hà Nội đã có nhiều mô hình đào tạo nghề và hình thức dạy nghề thích hợp.

Việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần nâng cao chất lượng lao động, tạo cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập. Đồng thời, góp phần thay đổi vị thế của người lao động ở nông thôn, giúp người nông dân từng bước cải tiến phương thức sản xuất theo hướng tiên tiến, hiện đại.

Nếu như trước đây, người nông dân xã Chương Dương, huyện Thường Tín chủ yếu chăn nuôi gia súc, gia cầm tự phát theo kinh nghiệm dân gian thì nay đã biết áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Trong căn nhà khang trang, ông Trung (xã Chương Dương) giờ đây đã phấn khởi hơn trước sau khi được tham gia lớp kiến thức về chăn nuôi.

Ông Trung cho biết: “Những kiến thức tôi học ở lớp chăn nuôi thú y đã được áp dụng vào chăn nuôi gà, lợn cho năng suất và chất lượng cao. Hiện tôi đã biết cách vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, bắt được bệnh cho gà để cho uống thuốc kịp thời”. Ông Trung hy vọng, gia đình sẽ bán gà được khoản tiền kha khá để đầu tư mô hình chăn nuôi lớn.

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn góp phần giúp người lao động nâng cao tay nghề và cải thiện thu nhập. Ảnh: N.Đăng

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn góp phần giúp người lao động nâng cao tay nghề và cải thiện thu nhập. Ảnh: N.Đăng

Cũng giống như ông Trung, bà Mến (xã Chương Dương) cũng khẳng định, nhờ học lớp đào tạo nghề, thu nhập từ chăn nuôi đã tăng lên. Nếu như trước đây, mỗi năm bà Mến nuôi 3 lứa gà, mỗi lứa 100 con nhưng chỉ được 30 con sống thì sau khi được học nghề, tỷ lệ gà sống rất cao và từ đó giá trị đàn gà khi bà xuất chuồng được tăng lên gấp 3 lần so với trước.

Chưa hết, câu chuyện về nỗ lực vươn lên nắm bắt kiến thức, kỹ thuật, mở rộng khu nuôi trồng, gia tăng kinh tế gia đình của anh Thùy (xã Trung Tú, huyện Ứng Hòa) là một ví dụ. Là chủ nhân của gần 1,7 mẫu vừa đào ao thả cá, vừa chăn vịt, nuôi gà, hàng năm trang trại của anh Thùy cho thu nhập từ 150-170 triệu đồng/năm, anh Thùy cho biết, do được tham gia khóa đào tạo về chăn nuôi thú y, điều khiến anh Thùy hài lòng nhất là đã nắm được cách chủ động phòng bệnh và chữa bệnh cho gia cầm; tiêm phòng bệnh đúng thời điểm, đúng liều lượng, biết sắp xếp diện tích nuôi trồng cho khoa học hơn.

Chính điều này đã mang lại cho anh những lợi ích mà trước đây anh chưa từng nghĩ tới, cũng từ đó điều kiện kinh tế của gia đình đã được cải thiện hơn trước rất nhiều. “Người nông dân như chúng tôi quen bám ruộng đồng, nay được đi học, về áp dụng vào nuôi trồng sẽ cho năng suất cao hơn, đồng nghĩa với việc giá trị kinh tế cao hơn nên ai cũng hào hứng. Tôi kỳ vọng đợt xuất lứa vịt và cá mới của tôi sẽ đem lại nguồn thu hơn 200 triệu đồng/năm”, anh Thùy bày tỏ.

Những năm gần đây, TP Hà Nội đang nỗ lực trong việc giúp người lao động nông thôn có điều kiện được tiếp cận với khoa học công nghệ. Sở NN&PTNT cùng Sở LĐ-TB&XH Hà Nội đã vừa đề xuất với UBND TP phê duyệt kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn năm 2019, trong đó sẽ dành khoảng 43,6 tỷ đồng đào tạo nghề cho 15.615 lao động nông thôn.

Cụ thể, liên Sở NN&PTNT – LĐ-TB&XH Hà Nội đề xuất, năm 2019 sẽ tổ chức đào tạo nghề cho 15.615 lao động nông thôn, trong đó nghề nông nghiệp 9.060 người, nghề phi nông nghiệp 6.555 người. Tỷ lệ lao động sau học nghề tối thiểu đạt 80% có việc làm mới, hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn.

Kế hoạch cũng nêu, danh mục các nghề đào tạo thực hiện theo quy định đã được phê duyệt gồm 33 nghề, trong đó nhóm nghề phi nông nghiệp 17 nghề; nhóm nghề nông nghiệp 16 nghề. Kinh phí đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn Hà Nội năm 2019 là 43,6 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ lao động nông thôn học nghề gần 43,3 tỷ đồng và khoảng 300 triệu đồng phục vụ hoạt động tuyên truyền, giám sát.

Với những hiệu quả từ công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn mang lại, Sở NN&PTNT cùng Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cũng đề xuất UBND TP yêu cầu các cấp, ngành huy động sự tham gia của hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân vào việc triển khai thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tạo sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các đơn vị. Đồng thời, đào tạo nghề phải gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, gắn với sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới của địa phương. Liên Sở cũng lưu ý các địa phương xây dựng kế hoạch, tổ chức đào tạo nghề đảm bảo hiệu quả, đúng đối tượng, đúng quy định. Đặc biệt, chỉ tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn khi đã xác định được nơi làm việc (tức đầu ra) và mức thu nhập với việc làm có được sau học nghề.

Nguyễn Đăng

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/loi-ich-tu-cong-tac-dao-tao-nghe-cho-lao-dong-nong-thon-138474.html