Lợi ích từ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước và công tác triển khai cổ phần hóa tại Công ty Nhiệt điện Nghi Sơn

Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 03-06-2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước và các chủ trương của Đảng về doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) cổ phần hóa (CPH) DNNN giai đoạn 2016 - 2020, xác định rõ mục tiêu CPH doanh nghiệp Nhà nước là, tạo ra loại hình doanh nghiệp có nhiều chủ sở hữu, trong đó có đông đảo người lao động, phát huy vai trò làm chủ thực sự của người lao động, của cổ đông và tăng cường sự giám sát của xã hội đối với doanh nghiệp; bảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động. CPH doanh nghiệp Nhà nước không được biến thành tư nhân hóa doanh nghiệp Nhà nước.

Theo số liệu điều tra khảo sát của Công đoàn các cấp, hầu hết các doanh nghiệp sau CPH đều có bước phát triển đáng khích lệ. Điều đáng ghi nhận là, nhiều doanh nghiệp, trước CPH kinh doanh không có lãi, việc làm và thu nhập của người lao động bấp bênh, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau CPH, tình hình thay đổi hẳn, sản xuất phát triển, kinh doanh có lãi.

Những tác động tích cực tới người lao động khi thực hiện CPH

Trong thực tế, không có doanh nghiệp nào sa thải người lao động khi thực hiện CPH. Việc sắp xếp lao động và giải quyết chính sách đối với lao động dôi dư được thực hiện đúng theo quy định hiện hành.

Kết quả khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tại hơn 100 doanh nghiệp Nhà nước đã CPH cho thấy số lao động mới vào làm việc tại các doanh nghiệp sau CPH chiếm 15% tổng số lao động hiện có.

Nhiều doanh nghiệp khi tiến hành sắp xếp lao động, số người dôi dư nghỉ hưởng trợ cấp theo Nghị định 41/2002/NĐ-CP, nay là Nghị định 126/NĐ-CP chiếm từ 20% đến 40% tổng số lao động trong doanh nghiệp, nhưng sau khi chuyển thành công ty cổ phần, nhờ phát hành thêm cổ phiếu, huy động được vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, nên tạo ra nhiều việc làm mới, thu hút thêm nhiều lao động hơn cả số lao động đã nghỉ trước đó.

Ví dụ, theo kết quả khảo sát của Công đoàn Xây dựng Việt Nam, năm 2019 có khoảng 22,25% doanh nghiệp thực hiện làm việc 40 giờ/tuần, 14,45% doanh nghiệp thực hiện làm việc 44 giờ/tuần, 53,44% doanh nghiệp thực hiện làm việc 48 giờ/tuần. Một số doanh nghiệp thực hiện nghỉ việc riêng hưởng nguyên lương cao hơn quy định của pháp luật: người lao động nghỉ kết hôn (luật quy định 3 ngày) thì 14,21% doanh nghiệp thực hiện số ngày nghỉ từ 5 - 8 ngày. Con kết hôn (luật quy định 1 ngày), có 14,7% doanh nghiệp thực hiện từ 2 - 3 ngày; tứ thân phụ mẫu, vợ (chồng), con chết (luật quy định nghỉ 3 ngày), thực tế có 11,27% doanh nghiệp thực hiện nghỉ từ 4 - 6 ngày)… 84% doanh nghiệp tổ chức ăn ca cho người lao động có trị giá suất ăn từ 15.000 đồng/suất trở lên. Theo báo cáo của các doanh nghiệp, bình quân tiền lương trả cho người lao động tăng bình quân từ 5 - 8%/năm và có chi trả các chế độ phụ cấp. Hầu hết doanh nghiệp thực hiện thưởng tháng lương thứ 13 cho người lao động với mức 1 - 3 tháng lương thu nhập. Một số doanh nghiệp thực hiện thưởng theo tháng, quý, 6 tháng, đột xuất cho người lao động.

Sở dĩ tiền lương và thu nhập của người lao động không ngừng tăng, bởi lẽ: cơ chế quản lý ở công ty cổ phần về cơ bản được đổi mới; đặc biệt, ban kiểm soát do đại hội cổ đông bầu có vai trò quan trọng trong việc kiểm tra, giám sát các hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty cổ phần.

Tổ chức bộ máy của công ty cổ phần được sắp xếp lại gọn nhẹ, năng động, khu vực hành chính được giảm tối đa. Ở nhiều công ty cổ phần, số cán bộ gián tiếp chỉ còn chiếm 7% - 8% tổng số lao động trong công ty.

Vấn đề chi tiêu trong công ty cổ phần được giám sát chặt chẽ, giảm tối đa những khoản chi lãng phí. Mọi khoản chi và mức chi trong công ty đều phải công khai, do đại hội cổ đông và hội đồng quản trị quyết định. Nhờ công khai, dân chủ, nên giá cả nguyên vật liệu, thiết bị và dịch vụ đầu vào và bán thành phẩm đầu ra được kiểm soát chặt chẽ, tránh được các hiện tượng thỏa thuận tăng giá “đầu vào”, giảm giá “đầu ra” để thu lợi bất chính...

Theo quy định tại Nghị định 126/2017/NĐ-CP, các đơn vị thực hiện CPH đều phải xây dựng chi tiết phương án sử dụng lao động và các chế độ ưu đãi cổ phần đối với người lao động có nhiều đóng góp đối với đơn vị. Thực tế tại các đơn vị CPH nhiều người lao động còn vay mượn hoặc hoãn chi tiêu riêng nhiều khoản để dành tiền mua cổ phần.

Trong công ty cổ phần, người lao động là cổ đông không những có quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động mà còn có quyền và nghĩa vụ của cổ đông, đó là quyền được bầu cử, ứng cử tại đại hội cổ đông, quyền biểu quyết, quyền được hưởng cổ tức khi công ty kinh doanh có lãi, quyền chất vấn, phê bình, kiến nghị về công việc của hội đồng quản trị, giám đốc và kiểm soát viên về hoạt động của công ty.

Theo Luật Doanh nghiệp 68/2014/QH13 quy định: Nhóm cổ đông sở hữu 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên trong thời hạn 6 tháng liện tục được yêu cầu triệu tập đại hội đồng cổ đông khi: Hội đồng quản trị vi phạm nghiêm trọng quyền của cổ đông, nghĩa vụ của người quản lý hoặc ra quyết định vượt quá thẩm quyền được giao. Đây chính là những yếu tố quan trọng làm minh bạch hoạt động quản trị của công ty từ đó làm cơ sở tăng tiền lương và thu nhập của người lao động.

Công tác triển khai CPH tại Công ty Nhiệt điện Nghi Sơn

Ngày 15-08-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 26/2019/QĐ-TTg về việc phê duyệt danh mục doanh nghiệp thực hiện CPH đến năm 2020, Tổng Công ty Phát điện 1 là doanh nghiệp trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam được chọn thực hiện công tác CPH.

Triển khai quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Công ty Phát điện 1 đã thực hiện xây dựng phướng án CPH trình các cấp thẩm quyền phê duyệt.

Thực hiện chỉ đạo về công tác CPH của Tổng Công ty Phát điện 1, Công ty Nhiệt điện Nghi Sơn - Chi nhánh Tổng Công ty Phát điện 1 đã thực hiện triển khai công tác CPH gồm các nội dung: Tính toán phương án sử dụng lao động CPH, tính toán cổ phần ưu đãi cho CBCNV khi Tổng Công ty CPH.

Đặc biệt thông qua Hội nghị người lao động bất thường năm 2020, Công ty đã phổ biến rộng rãi, minh bạch phương án sử dụng người lao động sau CPH và lấy ý kiến tiêu chí chuyên gia giỏi, có trình độ chuyên môn cao để hưởng ưu đãi theo quy định của pháp luật.

Với việc thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giải thích quyền, lợi ích từ việc CPH tới từng CBCNV, người lao động; sự phối hợp chặt chẽ giữa Công đoàn Công ty và các bộ phận chuyên môn trong công tác tuyên truyền, Hội nghị người lao động bất thường năm 2020 của Công ty Nhiệt điện Nghi Sơn đã diễn ra tốt đẹp với kết quả 100% CBCNV nhất trí với phương án sử dụng người lao động của Tổng Công ty Phát điện 1 sau khi CPH; đóng góp ý kiến bổ sung tiêu chí chuyên gia giỏi áp dụng với bậc kỹ sư 5/8 trở lên và được chấp thuận thông qua Hội nghị người lao động bất thường của Tổng công ty Phát điện 1 tại Nghị quyết số 2370/NQ-EVNGENCO1 ngày 10-11-2020.

Như vậy có thể nhận thấy, CPH doanh nghiệp Nhà nước là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với định hướng xã hội chủ nghĩa. Ngoài mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, chủ trương này còn giúp công nhân lao động trực tiếp tại các doanh nghiệp trở thành cổ đông, tức là đồng chủ sở hữu thực sự của xí nghiệp, công ty cổ phần, tạo động lực thúc đẩy phát triển mạnh mẽ sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước.

Xuân Thành

Công ty Nhiệt điện Nghi Sơn

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doanh-nghiep/loi-ich-tu-co-phan-hoa-doanh-nghiep-nha-nuoc-va-cong-tac-trien-khai-co-phan-hoa-tai-cong-ty-nhiet-dien-nghi-son/129055.htm