Lợi ích từ cắt giảm điều kiện kinh doanh

Trong báo cáo về tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành pháp luật liên quan đến kiểm tra chuyên ngành, điều kiện kinh doanh (ÐKKD), Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đưa ra con số đáng khích lệ: Ước tính chung từ đầu năm đến nay, việc các bộ, ngành đồng loạt cắt giảm, đơn giản hóa ÐKKD đã tiết kiệm cho doanh nghiệp (DN) và người dân khoảng gần 18 triệu ngày công và hơn 6.000 tỷ đồng mỗi năm.

Về cơ bản, số ngày công và số tiền tiết kiệm được này sẽ được chuyển hóa thành nguồn lực chảy vào sản xuất kinh doanh, góp phần tạo ra của cải vật chất cho xã hội, làm nên sự thịnh vượng của đất nước. Nhưng quan trọng hơn, kết quả này chính là sự khẳng định thông điệp xây dựng một Chính phủ kiến tạo, Chính phủ luôn đồng hành cùng DN, với các nhiệm vụ cơ bản: Chủ động thiết kế một hệ thống pháp luật tốt, những chính sách tốt, thể chế tốt để nuôi dưỡng nền kinh tế phát triển; chỉ tạo điều kiện, không làm thay thị trường; kiến thiết được môi trường kinh doanh thuận lợi, đứng đầu trong nhóm các nước ASEAN và phấn đấu vươn lên đạt tiêu chí của các nước nhóm OECD; Chính phủ nói đi đôi với làm, siết chặt kỷ cương.

Thực tế, "cuộc chiến" cắt giảm ÐKKD luôn dai dẳng, cam go vì đó là sự giằng co giữa tư duy muốn ôm đồm "giữ để quản", giữ để có quyền xin - cho với tư duy cởi trói, giải phóng nguồn lực. Ngay cả người trẻ tuổi nhất thuộc thế hệ những cán bộ khởi xướng "cuộc chiến" với giấy phép con như ông Nguyễn Ðình Cung (trước đây là Thư ký Tổ công tác thi hành Luật DN năm 2000, hiện đang giữ chức Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương - CIEM) đến giờ vẫn đang trăn trở với "cuộc chiến" này dù đã ở vào giai đoạn chuẩn bị nghỉ hưu. "Truyền lửa" lại cho lớp cán bộ kế cận của CIEM tiếp tục công cuộc cắt giảm ÐKKD để cải thiện môi trường kinh doanh như yêu cầu tại Nghị quyết 19 hằng năm của Chính phủ, ông Cung luôn dặn dò, động viên anh em không nản chí, không buông xuôi. Bởi nếu ngừng cải cách thì sẽ trở về con số 0 và muốn bắt nhịp trở lại sẽ rất khó.

Thiệt thòi của DN Việt Nam là không chỉ phải cạnh tranh trên thương trường mà còn phải đối mặt với rủi ro thể chế để tồn tại. Thế giới ngày càng phẳng, khoảng cách giữa sự thuận lợi của môi trường kinh doanh Việt Nam với thế giới càng được rút ngắn thì cơ hội vươn lên của DN Việt Nam càng nhiều hơn. Chúng ta đã đạt nhiều kết quả trong việc cắt giảm ÐKKD, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế nhưng so với thế giới thì vẫn chậm cho nên phải cải cách mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, thực chất hơn nữa để dòng tiền đầu tư chảy vào các dự án kinh doanh nhanh nhất, có lợi nhất. Năm 2018, nhiều chỉ số thành phần của Việt Nam trong Báo cáo Môi trường kinh doanh (Doing Business) đều được tăng điểm nhưng vẫn bị đánh tụt một bậc trong bảng xếp hạng vì DN chưa nhận được lợi ích cụ thể từ các quyết định cải cách. Thí dụ, thứ hạng về nộp bảo hiểm xã hội giảm vì mặc dù đã có thông tin kết nối với thuế nhưng dữ liệu vẫn chưa được đưa lên mạng để thực hiện. Thủ tục hoàn thuế đã nhanh hơn, nhưng doanh nghiệp lại không nhận được tiền thuế hoàn lại như trước mà chuyển sang phần nộp thuế của năm sau cho nên thứ hạng nộp thuế vẫn giảm.

Rõ ràng, chúng ta có cải cách mạnh mẽ về thủ tục, nhưng chưa thay đổi về cơ chế quản lý khiến DN chưa nhận được những lợi ích thật sự, cho nên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Ðây là những kinh nghiệm rất đáng chú ý để chúng ta tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết 19 của năm tiếp theo một cách hiệu quả, thực chất hơn.

Tô Hà

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/thoi_su/item/38594902-loi-ich-tu-cat-giam-dieu-kien-kinh-doanh.html