Lợi ích 'kép'

Không chỉ giải quyết bài toán dạy nghề, quá trình thực hiện Đề án 'Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) đến năm 2020' được thực hiện 10 năm qua trên địa bàn tỉnh đã mở ra cơ hội việc làm cho hàng ngàn lao động, đồng thời tạo ra nhiều sản phẩm giá trị trên thị trường.

Mô hình chăn nuôi dê của gia đình ông Võ Văn Đời (xã Xuân Sơn, huyện Châu Đức).

Mô hình chăn nuôi dê của gia đình ông Võ Văn Đời (xã Xuân Sơn, huyện Châu Đức).

“CẦM TAY CHỈ VIỆC”

Sau 3 tháng học lớp kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa lan, ông Nguyễn Hữu Phước (TT.Long Hải, huyện Long Điền) đã tự tin hơn khi được tiếp cận với nhiều kỹ thuật mới về trồng loài hoa này. Nhờ được hướng dẫn thực hành tại vườn lan, các kiến thức về cách chọn cây, cắt tỉa lan, phòng trừ sâu bệnh... đối với ông thật dễ hiểu, dễ tiếp thu. Ông Phước cho biết, sau khóa học ông đã tăng diện tích trồng lan và mua thêm một số giống hoa lan đắt tiền về trồng. Hiện vườn lan của gia đình ông cho thu nhập gần 10 triệu đồng/tháng. “Những lớp học ngay tại vườn giúp nông dân tiếp cận kiến thức thực tế, kinh nghiệm từ giáo viên và các học viên khác. Giáo viên trao đổi, chỉ dẫn trực tiếp trên cây, tại vườn chứ không phải ghi chép qua sách vở nên dễ tiếp thu, dễ nhớ hơn”, ông Phước nói.

Theo bà Ngô Thị Tuyết Linh, Phó Trưởng Phòng LĐTBXH huyện Long Điền, giai đoạn 2016-2020 tổng số LĐNT được học nghề toàn huyện là 1.269 người. Tỷ lệ lao động có việc làm sau học nghề là 97,4%. Trong lĩnh vực nông nghiệp, các ngành nghề đào tạo được huyện đẩy mạnh gồm tạo dáng và chăm sóc cây cảnh, kỹ thuật chăn nuôi, thú y, trồng lúa năng suất cao, trồng rau an toàn. Đây là những nghề rất thiết thực ở địa phương, sản phẩm sản xuất ra có giá trị, được thị trường trong và ngoài tỉnh đón nhận. Qua 10 năm đào tạo nghề cho LĐNT, huyện đã xây dựng được nhiều mô hình làm ăn có hiệu quả.

Báo cáo của Sở LĐTBXH cũng cho biết, qua 10 năm thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020” đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Các nghề phi nông nghiệp được đào tạo gắn với nhu cầu DN và triển khai lớp ngay tại DN. Sau học nghề, 95% lao động được DN tuyển dụng vào làm việc với mức thu nhập khởi điểm bình quân từ 4-7 triệu đồng/người/tháng. Điển hình như các ngành nghề: may công nghiệp, lái xe nâng, vận hành cẩu trục, nghiệp vụ bàn-buồng, nghiệp vụ buồng, kỹ thuật chế biến món ăn. Các mô hình trồng rau an toàn, trồng hoa, mãng cầu... giúp kỹ năng nghề của nông dân được cải thiện, chất lượng cây trồng, năng suất lao động, thu nhập tăng lên từ 60-80 triệu đồng/hộ/năm.

Ông Trần Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH khẳng định, công tác đào tạo nghề đã có chuyển biến mạnh về mô hình, chương trình, phương thức đào tạo, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo.

CẦN SỰ VÀO CUỘC CỦA DOANH NGHIỆP

Mục tiêu của chương trình đào tạo nghề cho LĐNT giai đoạn 2021-2025 của tỉnh là tổ chức đào tạo và đào tạo lại trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng cho khoảng 5.500 người. Trong đó, nghề nông nghiệp khoảng 2.700 người và nghề phi nông nghiệp khoảng 2.800 người. BR-VT đặt mục tiêu tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo và đào tạo lại nghề cho LĐNT nhằm tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập; gắn công tác đào tạo nghề với mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mục tiêu CNH-HĐH nông nghiệp nông thôn và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh; phấn đấu 80% trở lên số người học có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn.

Để đạt được điều này, ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông (Sở NN-PTNT) cho rằng, tỉnh cần chú trọng đào tạo nghề gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ sản xuất thuần nông nghiệp sang sản xuất nông nghiệp gắn kết dịch vụ, mang lại thu nhập ổn định cho LĐNT. Đặc biệt, quá trình đào tạo cần tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng về sản xuất sản phẩm nông nghiệp “sạch” hướng tới bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường, hướng đến nông nghiệp bền vững. “Chỉ khi có sản phẩm sạch thì người sản xuất và người kinh doanh mới đứng vững trong nền kinh tế biến đổi không ngừng. Đây là hướng đi hiệu quả trong đào tạo nghề cho LĐNT”, ông Cường nhấn mạnh.

Theo thống kê của Sở LĐTBXH, giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho 9.548 lao động, đạt 85,25% so với kế hoạch. Trong đó, nghề nông nghiệp có 4.913 người và nghề phi nông nghiệp có 4.635 người. Tỷ lệ lao động có việc làm sau học nghề đạt 96,51%. Kết quả thực hiện chỉ tiêu chung cả giai đoạn thực hiện Đề án (2010-2020) đạt 98,5%.

Ông Đoàn Kim Hải, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Du lịch Vũng Tàu khẳng định, đội ngũ giáo viên dạy nghề có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác dạy nghề cho LĐNT. Đồng thời, sự kết hợp chặt chẽ giữa việc tuyển sinh và tuyển dụng đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Đối với các lớp học được triển khai, ngay thời điểm tuyển sinh, DN đã cam kết bố trí việc làm và đưa ra mức lương khởi điểm sau học nghề, giúp lao động yên tâm theo học. Đặc biệt, với đặc thù nghề du lịch, việc bảo đảm về thiết bị, công cụ, dụng cụ thực hành theo chuẩn mực nghề rất quan trọng. Vì vậy, để lao động có thể làm được việc sau học nghề, DN cần tham gia ngay từ đầu.

Bài, ảnh: NHÃ UYÊN

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/xa-hoi/202101/dao-tao-nghe-cho-lao-dong-nong-thon-loi-ich-kep-918076/