Lợi ích kép từ thanh toán điện tử

Thấy được lợi ích kép từ thanh toán song phương điện tử, Kho bạc Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh phối hợp thu ngân sách với một số ngân hàng thương mại cổ phần (sau khi đã triển khai tại các ngân hàng thương mại nhà nước).

Nộp thuế bằng phương thức điện tử tạo thuận lợi tối đa cho người nộp thuế, hạn chế thanh toán bằng tiền mặt. Ảnh: Minh Anh

Nộp thuế bằng phương thức điện tử tạo thuận lợi tối đa cho người nộp thuế, hạn chế thanh toán bằng tiền mặt. Ảnh: Minh Anh

Thực tế cho thấy, thanh toán song phương điện tử đã giúp cho cả kho bạc - ngân hàng và người sử dụng ngân sách được hưởng lợi, góp phần hiện đại hóa nền hành chính nói chung và hình thành chính phủ điện tử.

Số thu ngân sách bằng tiền mặt chỉ còn 0,47%

Được nộp thuế “mọi lúc, mọi nơi” bằng phương thức điện tử, đã tạo thuận lợi tối đa cho người nộp thuế, hạn chế thanh toán bằng tiền mặt. Ngoài ra, còn đảm bảo thông tin nộp tiền được kịp thời, chính xác; giảm thời gian và chi phí. Điện tử hóa thu thuế, đối với Kho bạc Nhà nước (KBNN), các khoản thu được tập trung nhanh, kịp thời hơn vào ngân sách nhà nước (NSNN), không phải qua các khâu trung gian. Đồng thời, thông qua việc trao đổi thông tin dữ liệu điện tử về thu NSNN và ủy nhiệm thu bằng tiền mặt cũng giúp giảm khối lượng công việc thu NSNN tại KBNN, tạo điều kiện cho KBNN tiếp tục tinh gọn bộ máy. Về phía mình, ngân hàng cũng có cơ hội cung cấp thêm các dịch vụ thanh toán có chất lượng cho khách hàng, nâng cao vị thế, thương hiệu đơn vị.

Những lợi ích đó đã được chứng minh trong nhiều năm qua. Trên cơ sở kết nối, trao đổi thông tin dữ liệu thu NSNN với ngân hàng thương mại (NHTM) và cơ quan thu, các phương thức thanh toán điện tử tiếp tục được đa dạng hóa và áp dụng vào thu NSNN, nâng cao tốc độ luân chuyển thông tin và xử lý thủ tục hành chính liên quan, giảm chi phí tổ chức thu. Đồng thời, cho phép người nộp thuế thực hiện giao dịch nộp tiền mọi lúc, mọi nơi với phương thức thanh toán thuận tiện nhất, góp phần phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Năm 2019, số thu NSNN bằng tiền mặt tại KBNN chỉ còn 0,47% tổng thu qua KBNN.

Mới đây, nhằm tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp, KBNN đã báo cáo và được Bộ Tài chính chấp thuận chủ trương mở rộng việc phối hợp thu ngân sách giữa KBNN với các NHTM cổ phần.

Theo Phó Tổng Giám đốc KBNN Trần Thị Huệ, KBNN phối hợp với một số NHTM cổ phần mở và sử dụng hệ thống tài khoản chuyên thu của KBNN tại ngân hàng và thực hiện phối hợp thu, ủy nhiệm thu NSNN; đồng thời kết nối, trao đổi thông tin, dữ liệu điện tử về thu ngân sách giữa ngân hàng và KBNN. Thông qua đó, toàn bộ khoản thu ngân sách qua ngân hàng sẽ được ghi nhận trực tiếp ngay vào hệ thống các tài khoản chuyên thu của kho bạc tại ngân hàng, bảo đảm tập trung kịp thời vào NSNN; đồng thời, truyền thông tin về khoản thu sang Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan nhanh chóng, an toàn và thuận lợi.

Mở rộng không gian, thời gian thu nộp ngân sách

Với các giải pháp này, đến nay gần 70% số thu NSNN đã thực hiện qua các NHTM được KBNN ủy nhiệm thu và 99% số thu NSNN qua KBNN được thực hiện theo phương thức điện tử. Tuy nhiên, vẫn còn 1% số thu ngân sách thực hiện theo phương thức thủ công, nhưng lại có số lượng giấy tờ rất lớn, như thu phạt vi phạm hành chính và một số giao dịch khác. Do đó, KBNN tiếp tục mở rộng phối hợp thanh toán song phương điện tử với các NHTM.

Thông qua đó, KBNN tiếp tục mở rộng không gian và thời gian thu nộp NSNN (người nộp thuế có thể nộp tiền 24/7); giảm tối đa thời gian và thủ tục thực hiện giao dịch, tạo nhiều thuận lợi cho người nộp thuế. Nhờ vậy, thời gian thực hiện giao dịch nộp NSNN giảm từ 30 phút/giao dịch xuống còn khoảng 5 phút/giao dịch.

Theo ông Phan Thanh Sơn - Phó Tổng Giám đốc NHTM cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), việc KBNN triển khai thu NSNN và ủy nhiệm thu NSNN qua tài khoản tại Techcombank sẽ tạo điều kiện cho ngân hàng sử dụng hiệu quả các nguồn lực để nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán và mở ra các kênh thanh toán tiện ích mới, giúp gia tăng trải nghiệm cho khách hàng.

Sự hợp tác này cũng sẽ giúp các NHTM sử dụng hiệu quả nguồn lực để nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán cho khách hàng, mở ra kênh thanh toán tiện ích mới. 4 NHTM mới ký kết phối hợp thu với KBNN đều là các ngân hàng có mức độ an toàn, nền tảng công nghệ tiên tiến. Chẳng hạn như Techcombank - ngân hàng đã ký thỏa thuận hỗ trợ thu NSNN cùng KBNN, Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan. Chỉ tính riêng trong năm 2019, Techcombank đã hỗ trợ các khách hàng doanh nghiệp và cá nhân thanh toán trên 36.200 tỷ đồng vào NSNN.

Nhiều phương thức thu ngân sách hiện đại

Kho bạc Nhà nước đã phát triển đa dạng hóa các phương thức thu ngân sách nhà nước hiện đại bên cạnh phương thức truyền thống là nộp tiền mặt và chuyển khoản qua tài khoản tại trụ sở ngân hàng, như: thu ngân sách nhà nước qua Cổng Dịch vụ công quốc gia, cổng dịch vụ công của cơ quan thu, qua ATM, internet banking, mobile banking, qua các điểm chấp nhận thẻ POS của ngân hàng thương mại...

Minh Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/nhip-song-tai-chinh/2020-09-14/loi-ich-kep-tu-thanh-toan-dien-tu-92216.aspx