Lợi ích kép từ mô hình 'Biến rác thành tiền'

Từ những thứ bỏ đi, được coi là rác thải, các chi hội phụ nữ trong tỉnh đã có sáng kiến biến chúng thành sản phẩm thiết thực, thành tiền, gây quỹ hỗ trợ các hội viên. Đó là mô hình 'Biến rác thải thành tiền' đem lại kết quả thiết thực, góp phần xử lý rác sinh hoạt, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Phụ nữ khu 3, phường Cao Thắng, tham gia phân loại rác thải bán cho người thu mua từ mô hình "Biến rác thải thành tiền".

Phụ nữ khu 3, phường Cao Thắng, tham gia phân loại rác thải bán cho người thu mua từ mô hình "Biến rác thải thành tiền".

Đã thành nếp, cứ 7h30 sáng chủ nhật hàng tuần, Nhà văn hóa khu 3, phường Cao Thắng (TP Hạ Long) lại nhộn nhịp, rôm rả như hội. Đúng giờ, không ai bảo ai, từ các hướng, từng nhóm chị em với nhiều bao, túi tập trung đông đủ. Họ đến cân, bán rác.

Sân nhà văn hóa trở thành nơi tập kết rác nhựa, giấy hoặc vỏ lon... đã được phân loại cẩn thận từ các gia đình, tổ, khu. Đại lý mua phế liệu tiến hành cân từng loại rác. Người gom bán nhiều được 100.000-200.000 đồng, người ít cũng được vài chục nghìn. Số tiền này được gom lại làm quỹ chi cho các hoạt động hội, đặc biệt để giúp đỡ những hộ gia đình khó khăn.

Theo lãnh đạo Hội LHPN phường Cao Thắng, từ năm 2018, mô hình hay này nhanh chóng lan rộng ra 11/11 chi hội khu phố. Năm 2019, Hội đã thu về gần 15 triệu đồng/năm. Từ số tiền này, Hội đã thăm và tặng gần 60 suất quà, trị giá trên 10 triệu đồng cho phụ nữ khó khăn; tân binh lên đường nhập ngũ... Không chỉ gây quỹ, tạo vốn làm ăn, mô hình giúp dọn sạch đường, đẹp phố, nhiều “điểm nóng”, bãi rác di động… trên địa bàn phường.

Chị Lê Thị Bính Thìn, Trưởng Ban Tuyên giáo, Hội LHPN tỉnh cho biết, mô hình hiệu quả ở các chi hội, hội ở phường Cao Thắng chỉ là một trong hàng trăm mô hình đã được triển khai rộng khắp ở 12/13 Hội LHPN huyện, thị xã, thành phố. Với cách làm sáng tạo. Hiện có 155/177 cơ sở; 832/1.642 chi hội thực hiện tốt mô hình này, thu hút gần 44.000 hộ gia đình tham gia… qua đó đem lại hiệu quả thiết thực cho hội viên và môi trường.

Theo đó, mô hình này bắt nguồn từ mô hình phân loại rác thải từ nguồn. Để phát huy hiệu quả, năm 2018 ở một số cơ sở hội đã thí điểm thực hiện mô hình "Biến rác thải thành tiền", chú trọng phân loại rác thải từ nguồn theo các loại phế liệu như: Nhựa, vỏ lon... để bán theo mô hình gia đình hoặc theo mô hình chi, tổ hội.

Với cách làm chủ động, hướng tới hiệu quả thiết thực, sau khi thành lập mô hình, các nhóm, tổ, hội, Hội LHPN tỉnh tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho chị em cách vận hành mô hình như cách xử lý, phân loại rác tại nguồn, tái chế thành đồ gia dụng, cách ủ phân bón…

Tập huấn về, cán bộ phụ nữ phổ biến lại cho các thành viên phường, khu, xóm. Chị em dễ dàng nắm bắt cách phân loại rác tại gia đình, thu gom rác thải quanh nhà. Rác vô cơ là các vật dụng bằng nhựa, kim loại… được chị em cho vào bao.

Đến ngày họp mặt quy ước, hàng tuần, hàng tháng, mỗi người xách một bao rác đã phân loại đến điểm tập trung hoặc nhà văn hóa thôn, khu. Chi hội trưởng hợp đồng với người thu mua phế liệu mua hết số rác do chị em mang đến.

Số tiền thu được, các hội, chi hội quản lý, sử dụng theo thỏa thuận của các thành viên trong nhóm hoặc quay lại phục vụ chính quyền lợi các thành viên, thường là hỗ trợ hội viên khó khăn để phát triển kinh tế, nhân đạo từ thiện, làm nhà, thăm hỏi ốm đau, tặng thẻ bảo hiểm hoặc các hoạt động chung… Đối với rác hữu cơ như thức ăn thừa, rau, củ, quả, lá cây… chị em thu gom đổ vào hố rác hoặc được hướng dẫn đem ủ phân bón.

Rác thải được biến thành gạch sinh thái, làm làn, bồn hoa...giảm thải phát thải ra môi trường ở phường Cao Thắng (TP Hạ Long) được đánh giá cao.

Tại một số cơ sở hội, mô hình “Biến rác thành tiền” đã trở thành hoạt động hỗ trợ giúp đỡ hội viên nghèo có việc làm, tăng thu nhập thông qua hình thức “cho -tặng rác”.

Đặc biệt từ mô hình “Biến rác thành tiền”, hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa, Hội LHPN TP Hạ Long đã thí điểm phát động làm gạch sinh thái từ chai nhựa và túi nilon để xây dựng ghế ngồi, bồn hoa tại các nhà văn hóa, quá trình thực hiện có sự tham gia của học sinh, cha mẹ, cô giáo, lãnh đạo các khu; mô hình “Đan làn, sọt từ vật liệu nhựa tái chế”.

Đến nay Hội các cơ sở xây dựng được 100 công trình bao gồm bồn hoa, bàn, ghế ngồi tại các nhà văn hóa khu phố từ nguyên vật liệu là gạch sinh thái với 15.115 viên gạch (tương đương gần 3.000 kg rác túi nilon thải ra môi trường).

Nhờ cách làm đó, tính đến nay toàn tỉnh có 13/13 Hội LHPN huyện, thị xã, thành phố thực hiện tuyên truyền triển khai mô hình, 12/13 Hội lập mô hình và đã có sản phẩm từ mô hình. Số tiền thu được từ các mô hình tại địa phương là trên 652 triệu đồng, trong đó trên 552 triệu đồng từ việc bán phế liệu, tương đương khoảng 27,6 tấn rác phế liệu.

Việc ủ rác hữu cơ được tiến hành thí điểm tại 6 huyện, thị với trên 2.200 hộ tham gia, trong đó Hạ Long và Móng Cái đã có thành phẩm với trên 95,8 tấn phân vi sinh từ gần 240 tấn rác hữu cơ, trị giá hơn 100 triệu đồng. Số tiền này được dùng làm quỹ thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình nghèo, khó khăn, bị hoạn nạn, vẽ tranh bích họa...

Theo mục tiêu, Hội LHPN tỉnh phấn đấu đến năm 2021 mô hình sẽ được thực hiện ở 70% các hội, chi hội cơ sở. Cho tới nay con số này đã đạt được khoảng 50%. Với sức sống, hiệu quả đưa lại hy vọng mô hình sẽ sớm được thúc đẩy, "thắp sáng" đem lại nhiều lợi ích, hỗ trợ các hội viên.

Tạ Quân

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202003/loi-ich-kep-tu-mo-hinh-bien-rac-thanh-tien-2473838/