Lợi ích kép trong bảo vệ, phát triển rừng

Gần 10 năm nay, từ nhiều nguồn vốn lồng ghép khác nhau, tỉnh Gia Lai đã triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư. Không chỉ góp phần hạn chế tình trạng xâm hại tài nguyên rừng, chính sách này còn giúp người dân được hưởng lợi từ rừng. Ðây được đánh giá là lợi ích kép trong công tác bảo vệ, phát triển rừng ở Gia Lai.

Người dân nhận khoán bảo vệ rừng trao đổi với cán bộ kiểm lâm Ban quản lý rừng phòng hộ Mang Yang.

Người dân nhận khoán bảo vệ rừng trao đổi với cán bộ kiểm lâm Ban quản lý rừng phòng hộ Mang Yang.

Gần 10 năm nay, từ nhiều nguồn vốn lồng ghép khác nhau, tỉnh Gia Lai đã triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư. Không chỉ góp phần hạn chế tình trạng xâm hại tài nguyên rừng, chính sách này còn giúp người dân được hưởng lợi từ rừng. Ðây được đánh giá là lợi ích kép trong công tác bảo vệ, phát triển rừng ở Gia Lai.

Cộng đồng bảo vệ rừng

Ðã nhiều năm rồi, 11 hộ dân ở làng Bông Pim (xã Ðắk Jơ Ta, huyện Mang Yang) sau khi được tuyên truyền, vận động đã đứng ra nhận khoán bảo vệ hơn 300 ha rừng thông ba lá của Ban Quản lý rừng phòng hộ Mang Yang. Hiệu quả thấy rõ là diện tích rừng được bảo vệ, không bị phá và đáng mừng hơn là từ khi nhận khoán, đời sống của bà con đã từng bước được cải thiện nhờ có thu nhập ổn định. Ông Bet - một trong 11 hộ dân nhận khoán cho biết: "Hằng tháng, tổ chia thành nhiều nhóm thay phiên nhau tuần tra, kiểm soát nhằm phát hiện những dấu hiệu xâm hại rừng và đất rừng, báo về Ban Quản lý và lực lượng chức năng của xã để ngăn chặn, xử lý kịp thời. Mỗi hộ được nhận 7 đến 9 triệu đồng/năm. Tuy số tiền này vẫn còn thấp so với ngày công lao động hiện nay nhưng mọi người đều vui vẻ bởi không chỉ có nguồn thu nhập ổn định mà còn có đóng góp vào việc tham gia bảo vệ rừng". Cũng tham gia nhận khoán bảo vệ rừng, ông Phạm Ðăng Ngọc (tổ 3, thị trấn Kon Dơng) cho hay: "Tổ chúng tôi có sáu hộ nhận khoán chăm sóc, bảo vệ khoảng 250 ha rừng thông ba lá và bạch đàn. Vào mùa khô, việc kiểm tra được các hộ thực hiện thường xuyên hơn, qua đó không chỉ hạn chế cháy rừng mà còn kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi xâm hại rừng. Chúng tôi luôn ý thức trách nhiệm của mình là giữ rừng để giúp cảnh quan thị trấn thêm xanh, có thể phát triển du lịch trong những năm tới". Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Mang Yang thông tin thêm: "Hằng năm, từ nguồn kinh phí dịch vụ môi trường rừng và vốn lồng ghép khác, đơn vị chúng tôi thực hiện khoán bảo vệ rừng cho người dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống gần rừng với diện tích hơn 2.600 ha. Ðể động viên, khuyến khích cộng đồng và nhóm hộ nhận khoán thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng, năm nào đơn vị cũng tổ chức biểu dương và khen thưởng những hộ tích cực, nhờ đó, tình trạng xâm hại tài nguyên rừng được ngăn chặn, đời sống người dân được cải thiện".

Ở xã Ðất Bằng, huyện Krông Pa, công tác vận động người dân tham gia bảo vệ, phát triển rừng được xem là việc của cả hệ thống chính trị. Trên cơ sở này, Ban Thường vụ Ðảng ủy xã ban hành Nghị quyết số 10 về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và đề ra mục tiêu, nhiệm vụ trồng, quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững giai đoạn 2020 - 2025, đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Theo kết quả rà soát, điều chỉnh quy hoạch ba loại rừng, xã Ðất Bằng có hơn 6.000 ha đất lâm nghiệp, trong đó, đất có rừng hơn 4.323 ha, chưa có rừng 1.729 ha. Ðến nay, xã đã giao khoán bảo vệ rừng cho chín nhóm cộng đồng dân cư ở bốn thôn, buôn với diện tích 993,23 ha. Hằng năm, người dân thuộc các nhóm nhận được khoảng 1,4 tỷ đồng, trung bình mỗi hộ được 423.000 đồng/ha/năm từ tiền dịch vụ môi trường rừng. Ông La O Tuân, Bí thư Chi bộ buôn Ia Prông cho biết: "Triển khai thực hiện nghị quyết của Ðảng ủy xã, Chi bộ lấy lực lượng đảng viên làm nòng cốt, giao nhiệm vụ làm tổ trưởng ba tổ quản lý, bảo vệ rừng, các tổ còn lại lập danh sách, phân công các nhóm hộ (từ 30 đến 50 người/nhóm) tham gia tuần tra quản lý, bảo vệ rừng theo kế hoạch đã lập ra. Nhờ được tổ chức quy củ, chặt chẽ, các tổ bảo vệ rừng hoạt động linh hoạt và chủ động trong việc tuyên truyền về công tác phòng, chống cháy rừng, vận động người dân không chặt phá rừng làm nương rẫy, do vậy nhận thức của bà con từng bước được nâng lên". Cùng suy nghĩ trên, bà Rơ Căm H’Vót, Trưởng thôn Ia Rnho cho hay, mỗi nhóm trong thôn có 30 hộ tham gia, được phân công cụ thể nên thường xuyên duy trì việc tuần tra, nhắc nhở bà con tham gia quản lý, bảo vệ rừng, ngăn chặn các hành vi xâm hại tài nguyên rừng. Ngoài ra, bà con cũng được tạo điều kiện cho nhận khoán quản lý, chăm sóc bảo vệ rừng, qua đó có việc làm và thu nhập ổn định.

Ðồng chí Trịnh Thanh Khiết, Bí thư Ðảng ủy xã Ðất Bằng cho biết: Hiệu quả của nghị quyết chuyên về công tác quản lý, bảo vệ rừng tại địa phương đã mang lại hiệu quả thiết thực, toàn hệ thống chính trị, bao gồm MTTQ, các đoàn thể ở các thôn, buôn, không chỉ trực tiếp chỉ đạo mà còn tham gia cùng các tổ quản lý bảo vệ rừng thường xuyên, tích cực tổ chức kiểm tra, tuần tra kịp thời ngăn chặn những sai phạm; người dân không chỉ tham gia bảo vệ và phát triển rừng mà còn tự giác kê khai, trả lại diện tích đất rừng lấn chiếm để chuyển đổi cây trồng phù hợp mục đích lâm nghiệp và hưởng lợi theo quy định của Nhà nước. Tuy vậy, Bí thư Ðảng ủy xã Trịnh Thanh Khiết cũng không khỏi băn khoăn: Hầu hết các hộ dân tham gia trồng rừng không có vốn đầu tư, với mức hỗ trợ ban đầu hai triệu đồng/ha chỉ đủ để mua cây giống, chưa đáp ứng được nhu cầu cần thiết (vận chuyển, công trồng, chăm sóc, phân bón…) đến khi nghiệm thu. Ðối với nhiều hộ dân, diện tích đất rừng hiện đang lấn chiếm, canh tác nông nghiệp là nguồn thu duy nhất nuôi sống gia đình, vì vậy nhiều hộ dân không muốn trồng rừng hoặc chỉ trồng theo kiểu đối phó do lo sợ bị thu hồi đất. Thiết nghĩ đây cũng là vấn đề Nhà nước, các cơ quan hữu quan cần quan tâm…

Ðẩy mạnh giao khoán

Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai, đến cuối năm 2020, các địa phương và chủ rừng trên địa bàn tỉnh đã thực hiện khoán bảo vệ được hơn 145.357 ha rừng cho khoảng 11.590 hộ dân. Trong đó, khoán cho các đối tượng theo Nghị định số 75/2015/NÐ-CP được 106.907 ha và khoán cho đối tượng khác hơn 38.449 ha với định mức khoán bảo vệ rừng là 400 nghìn đồng/ha/năm. Hằng năm, UBND các xã và chủ rừng đều chủ động xây dựng hồ sơ thiết kế và hợp đồng giao khoán theo đúng quy định. Phó Giám đốc phụ trách Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Gia Lai Nguyễn Xuân Thưởng cho biết: "Những năm gần đây, từ nguồn kinh phí dịch vụ môi trường rừng, Quỹ phối hợp với cơ quan chuyên môn và chủ rừng ký kết hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng với người dân, cộng đồng và nhóm hộ sinh sống gần rừng. Có thể khẳng định, việc khoán bảo vệ rừng mang lại hiệu quả thiết thực, rừng được chăm sóc, bảo vệ tốt hơn; người dân sinh sống gần rừng được hưởng lợi từ nguồn kinh phí dịch vụ môi trường rừng, từ đó họ có trách nhiệm hơn trong công tác bảo vệ rừng. Quỹ cũng thực hiện chi trả qua tài khoản ngân hàng để bảo đảm tính minh bạch, giảm rủi ro cho các hộ tham gia nhận khoán bảo vệ rừng". Nói thêm về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai Nguyễn Văn Hoan đánh giá: Ðặc thù của Gia Lai là tỉnh có diện tích rộng, đất rừng và đất có rừng phần lớn tập trung ở vùng sâu, vùng xa, khó khăn cách trở, dẫn đến công tác quản lý, bảo vệ rừng trở thành áp lực lớn, nếu chỉ riêng lực lượng kiểm lâm thì không thể quản lý hết. Vì vậy chính sách hỗ trợ khoán bảo vệ rừng cho người dân, cộng đồng đã mang lại hiệu quả thiết thực. Người dân tham gia nhận khoán đã thật sự trở thành "tai mắt" trong quản lý, bảo vệ rừng ở các địa phương. Nhờ chính sách này, thời gian qua, người dân đã phát hiện, báo cáo cơ quan chức năng ngăn chặn và xử lý kịp thời nhiều vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép. Từ kết quả mang lại, chúng tôi đang nghiên cứu và sẽ tiến hành lồng ghép các nguồn kinh phí để đẩy mạnh công tác khoán bảo vệ rừng cho người dân và cộng đồng..., Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Hoan nói.

Bài và ảnh: PHAN HÒA

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/loi-ich-kep-trong-bao-ve-phat-trien-rung-639264/