Lợi ích kép của việc chọn bữa sáng là bữa cơm gia đình

Trong nhịp sống hiện đại, các thành viên cùng nhau quây quần bên mâm cơm đối với nhiều gia đình thực sự là điều khá xa xỉ. Tuy nhiên, không thể phủ nhận vai trò quan trọng của nó trong việc gắn kết tình cảm, tăng thấu hiểu và tương trợ lẫn nhau từ chính những câu chuyện tại bữa ăn ấm cúng đó. Vậy, cách nào để bữa cơm gia đình có đầy đủ các thành viên, đạt ý nghĩa cả về lượng và chất?

Bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày (Ảnh minh họa)

Bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày (Ảnh minh họa)

Đừng mặc định bữa tối là bữa cơm gia đình

Theo phân tích của TS. Vũ Thu Hương, thông thường người Việt thu xếp bữa cơm chính của gia đình là bữa tối. Đó là bữa cơm tất cả nhà cũng tụ họp. Tuy nhiên, ăn tối cũng thường là lúc xem tivi chương trình thời sự, chính vì thế, hầu như mọi người trong nhà cũng không nói gì với nhau mà chỉ vừa cùng ăn vừa cùng ngồi xem tivi.

Chúng ta đều biết, Tivi không chỉ có hại cho trẻ nhỏ, việc vừa ăn uống vừa theo dõi Tivi như thế cũng rất không tốt với đường tiêu hóa của tất cả mọi người.

Bên cạnh đó, vớibữa ăn tối, thường các mẹ cuống cuồng lao ra đường sau giờ tan làm, tạt vào chợ mua đồ rồi vội vàng về nấu nướng. Sau 8h làm việc mệt mỏi, việc chuẩn bị bữa ăn tối sẽ làm cho các mẹ căng thẳng.

“Vì bữa cơm gia đình vào đầu tối, mọi việc khác cần sự quan tâm của người lớn sẽ bị đình trệ. Trẻ con không được nói chuyện với bố mẹ. Còn bố mẹ đi làm về mệt mỏi, có khi gặp công việc khó khăn còn bực bội, căng thẳng. Điều đó dễ khiến họ cáu gắt với con cái. Như thế, việc nghỉ ngơi sau 1 ngày làm việc không được thực hiện mà lại là mầm mống của những mâu thuẫn gia đình.”, TS. Vũ Thu Hương nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, để có bữa cơm chiều tập trung sẽ khiến lũ trẻ trong nhà phải ngủ muộn. Khoa học khuyến cáo, trẻ cần lên giường vào lúc 8h tối và sẽ ngủ vào lúc 8h30 để có giấc ngủ sâu từ khoảng 10 đêm, tốt cho chiều cao và trí tuệ. Tuy nhiên, ở Việt Nam, trẻ đi ngủ sớm cũng phải tầm 9h30, 10h. Điều này khiến trẻ dậy rất uể oải vào sáng hôm sau, không tốt cho tăng trưởng toàn diện.

Ngủ sớm và dậy sớm giúp cơ thể sảng khoái và giàu năng lượng cho cả ngày (Ảnh minh họa)

Hãy để bữa sáng gánh trọng trách

Vậy tại sao chúng ta không chuyển đổi và chọn bữa sáng là bữa ăn chính, bữa cơm gia đình?

Cả nhà hãy thử cùng nhau dậy sớm, chuẩn bị 1 bữa ăn sáng đàng hoàng, đủ chất. Cùng ngồi ăn với nhau, bàn luận mọi việc, chia sẻ với nhau. Xong xuôi, cả nhà mỗi người 1 ngả đến nơi làm việc với tinh thần phấn chấn và ấm áp.

Đến cuối ngày, bữa tối, có thể mạnh ai nấy ăn để trong gia đình không ai phải chịu áp lực chuẩn bị cơm tối cho cả nhà sau cả một ngày làm việc vất vả. Mẹ không phải vội vàng ra chợ rồi về vùi đầu vào bếp. Thay vào đó, người phụ nữ quan trọng của gia đình có thể thong thả về muộn để tránh tắc đường, có thể la cà mua sắm tùy thích cho cá nhân. Một bữa ăn nhẹ đơn giản thì ai cũng có thể tự phục vụ hoặc hỗ trợ nhau, kể từ đứa trẻ lớp 1.

Ăn nhẹ vào buổi tối, khi cơ thể chuẩn bị nghỉ ngơi, không vận động là một việc làm tốt được khoa học khuyến cáo áp dụng. “Bữa tối là ăn cho kẻ thù” – vậy tại sao chúng ta vẫn giữ thói quen quây quần ăn tối với áp lực tăng và niềm vui giảm?

Để cùng có những bữa ăn đoàn tụ ý nghĩa, mỗi gia đình đều có thể giành dịp cuối tuần cho những bữa ăn thịnh soạn, cầu kỳ mà có thể huy động “mỗi người một tay một chân”, cùng tham gia chuẩn bị.

Sau bữa tối đơn giản, tắm rửa cuối ngày rồi cùng chơi, chuyện trò với nhau là việc làm giúp xả stress lý tưởng. Sau thời gian đó, người lớn thoải mái thưởng thức các chương trình truyền hình, vui chơi và nghỉ ngơi. Người lớn cũng có thể ngủ sớm hơn và sức khỏe sẽ tốt hơn.

Nếu có bức xúc gì ở nơi làm việc thì khi về nhà với người thân yêu, được nghỉ ngơi, thư giãn, sáng hôm sau, mọi việc đã thoải mái, tốt hơn rất nhiều. Khi đó, những lời dạy dỗ con cái sẽ kiên nhẫn và bình tĩnh hơn nhiều.

Bằng những phân tích đầy tính thuyết phục trên, TS Vũ Thu Hương cho rằng, bữa sáng hoàn toàn có thể gánh trọng trách của bữa cơm gia đình, bữa cơm gắn kết yêu thương giữa các thành viên trong cùng tổ ấm.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/gia-dinh/loi-ich-kep-cua-viec-chon-bua-sang-la-bua-com-gia-dinh-4051642-v.html