Lợi ích của Mỹ tại quần đảo Mi-crô-nê-xi-a

Hiệp ước về Liên kết tự do giữa Mỹ và quần đảo Mi-crô-nê-xi-a sắp kết thúc, sẽ tạo ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng.

Bản đồ Liên bang Mi-crô-nê-xi-a. Nguồn: The Diplomat

Bản đồ Liên bang Mi-crô-nê-xi-a. Nguồn: The Diplomat

Tháng 12-2015, Quốc hội Liên bang Mi-crô-nê-xi-a đã thông qua nghị quyết tuyên bố ý định kết thúc Hiệp ước Liên kết tự do với Mỹ trong năm 2018. Trong khi trước đó, hai nước vừa thảo luận về khả năng gia hạn Hiệp ước này sau khi kết thúc vào năm 2023.

Khi cả thế giới theo dõi diễn biến trên Biển Đông, Trung Quốc đang dần nhắm tới những khu vực thuộc mối quan tâm chiến lược của Mỹ. Nếu Oa-sinh-tơn không hành động kịp thời để gia hạn mối quan hệ Hiệp ước, thì điều này vô tình sẽ tạo điều kiện để Mi-crô-nê-xi-a tăng cường quan hệ với Trung Quốc, đồng thời tạo ra lỗ hổng trong khu vực chiến lược.

Lịch sử Hiệp ước: Bài học về sự phụ thuộc lẫn nhau

Liên bang Mi-crô-nê-xi-a là một đảo quốc nằm ở Thái Bình Dương, là một quốc gia có chủ quyền Liên kết tự do với Mỹ. Vấn đề đáng quan tâm hiện nay là nước này phụ thuộc quá nhiều vào viện trợ của Mỹ.

Hiệp ước Liên kết tự do là nhân tố ít được biết tới trong mạng lưới quan hệ phức tạp thuộc lợi ích toàn cầu của Mỹ. Sau khi Chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc, Liên hợp quốc đã thiết lập quan hệ giữa Nhật và các nước đồng minh.

Kết quả là Liên hợp quốc đã thành lập lãnh thổ ủy trị quần đảo Thái Bình Dương (theo Nghị quyết Hội đồng Bảo an số 21 ký ngày 18-7-1947), theo đó, Mỹ chịu trách nhiệm quản lý. Trong suốt 2 thập niên 50 và 60 của thế kỷ trước, Mỹ đã phát triển và thi hành cơ chế, hệ thống luật dân sự được Chính phủ Mi-crô-nê-xi-a thực hiện cho đến ngày nay. Giữa thập niên 60, làn sóng yêu cầu tự trị tại các khu vực dẫn tới việc thành lập Khối thịnh vượng chung Bắc Ma-ri-a-na, Cộng hòa đảo Mác-sa, Cộng hòa Pa-lau và Liên bang Mi-crô-nê-xi-a.

Liên bang Mi-crô-nê-xi-a bao gồm bốn quận: Cốt-ra-e, Pôn-pây, Chu-úc và Y-áp. Tất cả các quận đều tập hợp nhiều quần đảo nhỏ và các đảo san hô với diện tích 2.600.000km2 đất liền và trên biển, dân số khoảng 100.000 người sinh sống, phía Tây giáp Bắc Thái Bình Dương, phía Đông giáp Phi-líp-pin và phía Nam giáp Pa-pua Niu Ghi-nê. Trong lịch sử, các đảo trên được gọi là quần đảo Ca-rô-lin, từng diễn ra nhiều cuộc chiến trong suốt Chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Theo nội dung Hiệp ước, Mỹ đã giúp bảo vệ quốc phòng Liên bang Mi-crô-nê-xi-a. Điều này cho phép Mi-crô-nê-xi-a có được nguồn lực quan trọng trong khi duy trì một số lượng nhỏ lực lượng công an và bán quân sự. Là thành viên của Hiệp ước, người dân Mi-crô-nê-xi-a có thể tự do tham gia lực lượng quân sự Mỹ mà không cần chứng minh thường trú hoặc là công dân Mỹ. Thỏa thuận cho phép Mỹ duy trì việc tiếp cận chiến lược tuyến hành lang mở rộng tới Biển Đông và biển Hoa Đông, vùng biển có nhiều hàng hóa thương mại và năng lượng vận chuyển tới châu Á. Với xấp xỉ 1/3 giao dịch toàn cầu và gần 50% thương mại năng lượng vận chuyển qua khu vực này, vì thế Mỹ luôn duy trì lợi ích an ninh tại Mi-crô-nê-xi-a.

Từ khi thành lập lãnh thổ ủy trị quần đảo Thái Bình Dương năm 1947 đến nay, việc quản lý hành chính các đảo là lý do gây căng thẳng giữa người dân Mi-crô-nê-xi-a và Chính phủ Mỹ. Quân đội Mỹ (do Lục quân Mỹ quản lý từ năm 1947-1951) đã sử dụng nhiều đảo san hô trong khu vực để tổ chức thử nghiệm vũ khí hạt nhân, gây ra nhiều bệnh tật cho cư dân ở đây (như ung thư, dị tật bẩm sinh và tiểu đường).

Sở Nội vụ là cơ quan Chính phủ Mỹ quản lý Hiệp ước với Mi-crô-nê-xi-a thông qua cơ chế Ủy ban liên hợp Quản lý kinh tế (JEMCO). Mục tiêu của JEMCO là "thúc đẩy quản lý và giải trình thông qua hỗ trợ theo nội dung Hiệp ước, thúc đẩy sử dụng hiệu quả nguồn viện trợ". Hiệp ước cho phép công dân Mi-crô-nê-xi-a tới Mỹ miễn phí với thị thực hợp pháp không nhập cư. Phần lớn người dân Mi-crô-nê-xi-a di cư tới Ha-oai, Gu-am, Sa-mô-a và Khối thịnh vượng chung quần đảo Bắc Ma-ri-a-na. Chi phí sắp xếp di cư đặt gánh nặng lên ngân sách giữa các bang và các nước. Quốc hội Mỹ đã tăng cường ngân sách trong các năm tài khóa để giải quyết những tác động trên.

Hai bên thỏa thuận rằng, Mỹ sẽ viện trợ để giải quyết các vấn đề về kinh tế, giáo dục và chăm sóc sức khỏe tại Mi-crô-nê-xi-a. Nhưng người dân Mi-crô-nê-xi-a cho biết, Chính phủ Mỹ quản lý kém và chậm trễ trong hỗ trợ phát triển.

Có nên kết thúc Hiệp ước?

Mặc dù Hiệp ước Liên kết tự do với Liên bang Mi-crô-nê-xi-a kết thúc vào năm 2023, nhưng trong quá trình thực hiện, hai nước đã trải qua nhiều cuộc tái đàm phán sửa đổi hiệp ước. Hành động yêu cầu kết thúc Hiệp ước vào năm 2018 sớm hơn 5 năm so với thỏa thuận sẽ làm ảnh hưởng tới nguồn viện trợ các chương trình đang thực hiện theo chu trình 15 năm. Trong thỏa thuận sửa đổi hiện hành, hỗ trợ tài chính hằng năm sẽ kết thúc vào năm 2023 và được thay thế bằng một quỹ ủy thác chung. Quỹ ủy thác này sẽ tiếp tục tài trợ thường niên theo sửa đổi Hiệp ước năm 2003.

Nếu kết thúc Hiệp ước vào năm 2018 sẽ ảnh hưởng tới Mi-crô-nê-xi-a nhiều hơn. Người dân Mi-crô-nê-xi-a đang sống ở nước ngoài sẽ mất tình trạng nhập cư và không được hưởng các lợi ích liên bang. Trên quan điểm của Liên bang Mi-crô-nê-xi-a, kết thúc Hiệp ước sẽ tạo cơ hội để xác định lại mối quan hệ với Mỹ, thiết lập một mối quan hệ bình đẳng hơn, thay thế cho mối quan hệ đối tác cấp cao - cấp thấp giữa hai quốc gia có độc lập chủ quyền. Tuy nhiên, ảnh hưởng nghiêm trọng nhất đó là Mỹ sẽ không tham gia bảo đảm an ninh và quốc phòng cho Liên bang Mi-crô-nê-xi-a. Điều này sẽ tạo điều kiện cho Trung Quốc tham gia vào những vấn đề tại đây.

Ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc

Trong thời điểm hiện nay, tranh chấp chủ quyền trên biển Hoa Đông và Biển Đông căng thẳng, ảnh hưởng của Trung Quốc trên các đảo Thái Bình Dương dường như ít được chú ý hơn. Tuy nhiên, sự hiện diện của Trung Quốc tại khu vực này đã khiến nhiều quốc gia lo ngại, bao gồm Mỹ, Ô-xtrây-li-a và Niu Di-lân... Sự ảnh hưởng theo hướng tiếp cận "quyền lực mềm" thông qua viện trợ kinh tế và phát triển không ràng buộc. Qua hàng loạt các gói đầu tư cơ sở hạ tầng quy mô lớn, các chương trình và tổ chức quy mô nhỏ, cũng như việc xây dựng Khu nhà ở cho quan chức Mi-crô-nê-xi-a của Trung Quốc đã cho thấy sự khác biệt lớn về vốn so với nguồn viện trợ bị cắt giảm của Mỹ. Viện trợ phát triển nước ngoài (ODA) của Trung Quốc đã tăng đáng kể từ năm 2003 lên tới 28 triệu đô-la.

Khi kết thúc Hiệp ước Liên kết tự do, có khả năng Mỹ sẽ không thể tiếp cận tuyến đường biển chiến lược nối liền Thái Bình Dương với Biển Đông và biển Hoa Đông. Vấn đề an ninh nổi cộm này đòi hỏi nỗ lực từ các nhà hoạch định chính sách của Mỹ. Nếu không gia hạn được Hiệp ước, Mỹ có thể phải đối mặt với một sự thay đổi về an ninh trong khu vực, đồng thời tác động tới lợi ích của nhiều quốc gia khác. Vì vậy, Mỹ cần ưu tiên nỗ lực để đảm bảo lợi ích an ninh lâu dài không bị ảnh hưởng bất lợi.

Hà Thu (Lược dịch từ The Diplomat)

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/loi-ich-cua-my-tai-quan-dao-mi-cro-ne-xi-a/