Lợi ích chung của Nga và Israel tại Syria

Tuần trước, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã có cuộc gặp với tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 73 tại New York (Mỹ). Một trong những vấn đề được hai bên thảo luận đó là mối quan hệ có nguy cơ bị đổ vỡ giữa Israel và Nga.

Hệ thống tên lửa đất đối không S-300 của Nga. Ảnh: MEM

Quan hệ giữa Israel và Nga rạn nứt xuất phát từ khi Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc các máy bay chiến đấu F-16 của Israel đã sử dụng máy bay trinh sát quân sự II-20 của Nga để làm lá chắn trước hệ thống phòng thủ trên lửa của Syria hôm 17-9. Hậu quả khiến tên lửa phòng không S-200 của Syria bắn nhầm vào máy bay II-20, làm 15 binh sĩ Nga thiệt mạng.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Igor Konashenkov cái buộc phía Israel đã thông báo sai lệch về vị trí tấn công của máy bay chiến đấu F-16. Theo đó, trong ngày 17-9, quân đội Nga nhận được thông báo của quân đội Israel cho biết nước này sẽ triển khai máy bay chiến đấu tại miền Bắc Syria – khu vực máy bay II-20 đang hoạt động. Khi nhận được tin báo, máy bay II-20 đã rời khu vực miền Bắc và chuyển hướng sang phía Nam Syria. Nhưng các máy bay F-16 của Israel lại tiến hành tấn công các mục tiêu ở thành phố Latakia, miền Tây Syria.

Đáp trả vụ việc, Nga tuyên bố sẽ triển khai hệ thống tên lửa đất đối không S-300 tại nước đồng minh Syria. Hệ thống S-300 có khả năng đánh bại các máy bay chiến đấu của Israel hoạt động trên toàn không phận. Sở hữu hệ thống S-300 đồng nghĩa với việc chính phủ Syria có khả năng kiểm soát và tiêu diệt các mục tiêu đường không từ tầm trung đến tầm xa. Theo mô tả của ông Vladimir Ermakov, giám đốc Cơ quan kiểm soát phổ biến vũ khí hạt nhân của Bộ Ngoại giao Nga, hệ thống phòng không S-300 có thể “phong tỏa” toàn bộ không phận Syria nếu “cần thiết”.

Washington và Jerusalem đã lên tiếng phản đối quyết định triển khai hệ thống S-300 của Nga. Đây không phải lần đầu tiên Nga tuyên bố triển khai hệ thống vũ khí tối tân đến Damacus. Trước đây, Mỹ và Israel đã từng thuyết phục Nga trì hoãn việc giao hệ thống S-300 cho Syria.

Theo Thủ tướng Benjamin Netanyahu, Syria và Iran mới là các bên chịu trách nhiệm trong tai nạn bắn nhầm máy bay của Nga. Trong cuộc điện đàm với tổng thống Nga V.Putin, ông Netanyahu nhấn mạnh rằng chính tên lửa của Syria đã tấn công nhầm mục tiêu, đồng thời trong bối cảnh đó Iran lại tích cực phá hoại sự ổn định của khu vực. Sức ảnh hưởng ngày càng tăng của Iran tại nước láng giềng Syria đã khiến Israel lo ngại, và cũng là lý do để nước này bắt tay ngoại giao với Mát-xcơ-va nhằm hy vọng sử dụng mối quan hệ lâu dài này để tăng vị thế tại khu vực. Lãnh đạo hai nước Nga và Israel đã nhiều lần gặp nhau kể từ khi Nga tham chiến tại Syria vào năm 2015.

Về phía Nga, tổng thống V.Pu-tin từng cam kết tiếp tục củng cố quan hệ song phương với Israel, nhưng trước những yêu cầu đáp trả Israel từ Bộ Quốc phòng Nga, đây sẽ là dịp để Nga có lý do hợp lý triển khai hệ thống S-300 tại Syria. Hiện tại, chính phủ Syria đã giành lại được hầu hết lãnh thổ từ tay các lực lượng nổi dậy. Chỉ còn lại tỉnh Idlib vẫn đang nằm dưới sự kiểm soát của các phiến quân và vùng lãnh thổ phía Đông do lực lượng người Cuốc nắm giữ. Bên cạnh đó, Moscow đang nắm bắt cách tiếp cận mới đối với Trung Đông, trong đó theo đuổi chính sách có lợi cho Nga và tái thử nghiệm quan hệ với Israel, Iran, Syria và Mỹ.

Một số chuyên gia nhận định, trong thời gian tới, Nga và Israel vẫn tiếp tục duy trì mối quan hệ do những lợi ích chung cả hai bên đem lại. Thủ tướng B. Netanyahu hiểu rằng chỉ có Moscow mới có thể gây sức ép với chính phủ Syria và các phiến quân đồng minh của Iran. Nga từng cho biết sẽ rất khó để đưa Iran ra khỏi Syria. Nhưng Nga đã thuyết phục thành công quân đội Iran rút khỏi miền Nam và Tây Nam Syria. Đồng thời, Tổng thống V.Pu-tin cũng muốn duy trì hợp tác với Israel nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng của Nga trong khu vực.

Cả Nga và Israel sẽ tiếp tục theo dõi động thái của đối phương. Nhưng cuộc khủng hoảng ngoại giao với Nga tạo áp lực nhiều hơn cho Iran. Với những bước đi của Nga nhằm ngăn chặn sự cố tương tự xảy ra trong tương lai, Israel sẽ cần phải cẩn trọng xem xét trước khi chuẩn bị các đợt không kích mới trong lãnh thổ Syria.

Hà Thu

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/loi-ich-chung-cua-nga-va-israel-tai-syria/