Lợi ích ba 'nhà'

Chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ nghe báo cáo về các dự án BOT, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Trong bối cảnh nguồn vốn nhà nước đang thiếu, việc xã hội hóa đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng theo hình thức đối tác công tư (PPP) là cần thiết. Song, các dự án BOT phải đảm bảo lợi ích hài hòa giữa 3 bên là Nhà nước, doanh nghiệp (DN) và người dân. Theo đó, một mặt vẫn phải đảm bảo lợi ích của Nhà nước và nhà đầu tư nhưng không được đẩy phí dịch vụ lên cao gây khó khăn cho người dân.

Trạm thu phí BOT QL1 tại Quảng Đông, Quảng Trạch, Quảng Bình. Ảnh: Văn Thanh.

Trước thực trạng phức tạp về an ninh trật tự tại không ít các trạm thu phí giao thông BOT, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan, nhất là Bộ GTVT cần sớm có giải pháp khắc phục triệt để những tồn tại trong các dự án BOT giao thông. Các đơn vị có liên quan trong các dự án BOT cần có sự minh bạch rõ ràng, phương án tài chính hợp lý, không làm lấy được với chi phí đầu tư quá cao để rồi phải thu dồn dập, thu mức giá không phù hợp gây bức xúc cho người dân.

Trong tất cả các dự án đầu tư nói chung (trừ các dự án liên quan đến an ninh – quốc phòng) chứ không chỉ các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng cơ sở, càng không riêng gì các dự án BOT thì việc công khai, minh bạch thông tin về đấu thầu, về phương án tài chính... là điều hết sức cần thiết và bắt buộc. Nhưng, vì sao Thủ tướng Chính phủ vẫn phải căn dặn tỉ mỉ các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện sự minh bạch đó? Đơn giản là mặc dù việc công khai, minh bạch là bắt buộc, nhưng lâu nay không phải bộ, ngành, địa phương, đơn vị nào cũng thực hiện nghĩa vụ bắt buộc ấy, tạo bức xúc trong dư luận xã hội.

Người dân có ý kiến, báo chí truyền thông lên tiếng không phải là vô căn cứ, khi mà hầu hết các dự án BOT đều “có vấn đề”. Điều đó đã được khẳng định khi hàng loạt các kết luận thanh tra, kiểm toán được công bố thì số tiền đầu tư của các dự án đã giảm xuống hàng nghìn tỷ đồng so với công bố, kèm theo đó là hàng trăm năm thu phí của 40 dự án BOT giao thông đã bị kiến nghị cắt giảm cho đúng với thực tế đầu tư. Công bố của Kiểm toán Nhà nước khiến dư luận có quyền đặt câu hỏi: Vì sao các dự án BOT giao thông phải trải qua quá trình đấu thầu, phê duyệt của nhiều cấp, nhiều ngành mà vẫn có con số “đầu tư ảo” vênh rất nhiều so với thực tế?

Và lẽ tất nhiên khi đã là con số “đầu tư ảo” thì làm sao có thể “bạch hóa” ra cho cả xã hội biết đây? Khi công khai các thông tin, từ việc kêu gọi mời thầu đến các phương án tài chính đều phải sát với thực tế, nếu không sẽ có những cá nhân, đơn vị, DN rành rẽ về lĩnh vực đấu tư ấy sẽ phát hiện ra ngay sự gian dối, đó là chưa kể đến các cơ quan chuyên ngành như thanh tra, kiểm toán hỏi đến. Đây chính là yếu tố quyết định đến việc kiểm soát tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Đó chính là điều mà Thủ tướng Chính phủ trăn trở và yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện bằng được.

Song, ở chiều ngược lại cũng không thể nói ở một số dự án BOT hiện nay không có thực trạng một số đối tượng quá khích đang kích động người dân gây rối, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của DN, nhà đầu tư, cũng như lợi ích của Nhà nước, đồng thời gây mất trật tự an ninh tại địa phương. Đó cũng chính là lý do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một mặt yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải đưa ra mức phí dịch vụ hợp lý, song cũng chỉ đạo các cơ quan liên quan phải kiên quyết xử lý nghiêm khắc những người lợi dụng việc phản đối nhà đầu tư để cố tình gây rối an ninh trật tự.

Nhiều chuyên gia xã hội học và chuyên gia tâm lý nhận định rằng, bên cạnh số ít người cố tình lợi dụng tình hình bức xúc của người dân để gây rối, phá hoại chủ trương xã hội hóa đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức BOT của Nhà nước, còn hầu hết là người dân muốn bày tỏ sự bất bình đối với những dự án BOT thu giá dịch vụ quá cao, các cơ quan chức năng và DN chưa thực sự công khai minh bạch phương án tài chính, con số đầu tư thực, thậm chí còn có một số dự án BOT có dấu hiệu lợi ích nhóm, cố tình gian dối nhằm mục đích kéo dài thời gian thu phí...

Điều đáng nói là ngay cả khi các cơ quan thanh tra, kiểm toán đã chỉ ra sự gian dối, những con số “đầu tư ảo” vênh với thực tế hàng nghìn tỷ đồng, hàng trăm năm thu phí, nhưng đến nay vẫn chưa ai, cơ quan, tổ chức nào phải chịu trách nhiệm về hành vi gian dối đó. Thậm chí tại nghị trường Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng còn “băn khoăn” việc Kiểm toán Nhà nước kiến nghị giảm thời gian thu phí 120 năm so với phương án tài chính ban đầu và giảm giá đầu tư 1.467 tỷ đồng ở 40 dự án BOT. Bộ trưởng Dũng đề nghị Kiểm toán Nhà nước công bố kết luận “khéo léo” một chút kẻo phá hỏng chủ trương xã hội hóa đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông.

Còn Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khi giải trình trước Quốc hội đã phải thừa nhận vấn đề BOT đang rất “nóng”, nhưng ông khẳng định đó là do “lịch sử để lại” của nhiệm kỳ trước. Tất nhiên, tư lệnh ngành giao thông cũng hứa tới đây trong các dự án BOT giao thông sẽ không có chuyện trải nhựa lên đường cũ rồi thu phí nữa, mà sẽ xây dựng song hành đường mới với đường cũ để người dân có sự lựa chọn. Nếu thực sự thực hiện được như lời hứa trước Quốc hội của Bộ trưởng Bộ GTVT thì không những đảm bảo được lợi ích của 3 “nhà” (Nhà nước, nhà đầu tư và người dân), mà chắc chắn không thể xảy ra mất an ninh trật tự, dù kẻ xấu có muốn kích động cũng không có cớ mà kích động.

Lê Anh Đức

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/goc-nhin-dai-doan-ket/loi-ich-ba-nha-tintuc422296