Lời hứa và chữ tín

Với giải thích: Từ năm 2011 đến nay, các yếu tố đầu vào, chi phí sản xuất điện luôn tăng chứ chưa giảm, vì thế giá điện 'không thể giảm'. Lý giải này của 'tư lệnh' ngành Công Thương khiến dư luận xã hội băn khoăn.

Mới đây, giải trình trước Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết: Tới 2024, Việt Nam sẽ có thị trường điện cạnh tranh. Tất nhiên, cả xã hội đang rất mong chờ thị trường điện cạnh tranh, bởi lâu nay do EVN độc quyền mà giá điện chỉ có tăng chứ không có giảm. Song, người ta hoài nghi không biết lời hứa của người đứng đầu ngành Công thương có trở thành hiện thực hay không, khi mà từ trước tới nay nhiều “tư lệnh” ngành đã hứa nhưng kết quả thì… còn xa lắm.

Trả lời chất vấn của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Hoàng Quang Hàm, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh thừa nhận, từ năm 2011 đến nay, sau 9 lần điều chỉnh giá điện thì chỉ có tăng mà chưa giảm lần nào. Với giải thích: Từ năm 2011 đến nay, các yếu tố đầu vào, chi phí sản xuất điện luôn tăng chứ chưa giảm, vì thế giá điện “không thể giảm”. Lý giải này của “tư lệnh” ngành Công thương khiến dư luận xã hội băn khoăn.

Để trấn an dư luận, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định: Hiện, môi trường phát điện cạnh tranh đã hoàn chỉnh, 94 nhà máy điện đã tham gia thị trường này. Khâu cuối cùng là bán lẻ điện cạnh tranh, hiện nay đang tiến hành thí điểm để đến năm 2024 thực sự có môi trường điện cạnh tranh hoàn toàn. Khi đó giá điện có tăng, có giảm theo cơ chế thị trường. Từ giá nguyên liệu đầu vào sẽ ra giá thành sản xuất, từ đó quyết định giá điện bán lẻ trên cơ sở công khai, minh bạch, cạnh tranh bình đẳng.

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, theo lộ trình xây dựng thị trường điện cạnh tranh được Chính phủ thông qua, đến năm 2022 bắt đầu thí điểm cấp độ cao nhất là bán lẻ cạnh tranh, năm 2024 sẽ hoàn chỉnh. Khi đó sẽ chỉ có điện một giá, không còn nhiều bậc thang như hiện nay. Song, từ nay tới 2024 thời gian không còn nhiều, liệu ngành công thương có thể đảm bảo hoàn thành lời hứa có thị trường điện cạnh tranh hoàn chỉnh, hay đến thời điểm đó lại “xin lùi” như những dự án, đề án... của những bộ, ngành, địa phương khác?

Dư luận có quyền nghi ngờ lời hứa của Bộ trưởng Bộ Công thương, bởi lâu nay đã từng có người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương hứa rất nhiều nhưng chẳng mấy khi hoàn thành công việc. Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông chẳng phải là ví dụ điển hình đó sao? Bộ GTVT đã năm lần bảy lượt xin khất, rồi hứa tới thời điểm A, thời điểm B sẽ đưa vào vận hành, khai thác dự án này. Kết quả là sau gần một thập kỷ triển khai xây dựng, tới nay vẫn chưa biết bao giờ có thể nghiệm thu đưa vào sử dụng.

Một lý do khác cũng khiến dư luận khó tin lời hứa của người đứng đầu ngành Công thương bởi hiện EVN đang độc quyền, “làm cả, ăn tất”, lẽ nào đơn vị này dễ dàng “nhả miếng bánh thơm ngon” cho những doanh nghiệp khác? Mà khi EVN đã gây khó thì các doanh nghiệp khác tham gia thị trường bán lẻ điện chỉ có đường... khóc, bởi hạ tầng lưới điện vẫn do EVN làm chủ. Sẽ rất khó có thị trường điện cạnh tranh, khi mà các thành phần tham gia thị trường bán lẻ điện vẫn phải phụ thuộc vào EVN bởi không thể tự thiết kế hạ tầng lưới điện.

Dẫu còn nghi ngờ, băn khoăn về tính khả thi trong lời hứa của người đứng đầu ngành Công thương, song dư luận xã hội không còn cách nào khác hơn là phải chờ tới năm 2024 mới có thể chứng thực lời hứa của vị “tư lệnh” ngành này. Tới lúc đó mới có thể biết được Bộ trưởng Bộ Công thương có đảm bảo được chữ tín hay không. Khoảng cách giữa lời hứa và chữ tín là thời gian!

Tinh Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/loi-hua-va-chu-tin-507217.html