Lời hứa và cam kết hành động

Hồi đầu tháng 2 vừa qua, trong khi kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại chốt trực khu vực bị phong tỏa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã dùng điện thoại thông minh kết nối với người dân trong khu vực phong tỏa, động viên, chia sẻ khó khăn với bà con.

Hồi đầu tháng 2 vừa qua, trong khi kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại chốt trực khu vực bị phong tỏa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã dùng điện thoại thông minh kết nối với người dân trong khu vực phong tỏa, động viên, chia sẻ khó khăn với bà con.

Quan sát hình ảnh và trực tiếp nghe phản ánh của người dân bày tỏ sự hài lòng về các điều kiện sinh hoạt trong khu vực cách ly, đồng chí hứa với người dân sẽ chỉ đạo lực lượng chức năng cố gắng kiểm soát tình hình và dập dịch sớm nhất để bà con được trở lại nhịp sống bình thường. Cũng tại đó, đồng chí yêu cầu các ban, ngành, địa phương quan tâm, hỗ trợ tốt nhất người dân khu vực bị phong tỏa; các tổ phòng, chống dịch bệnh bên trong đáp ứng kịp thời nhu yếu phẩm. Thực tế hơn một tháng qua, tình hình dịch bệnh tại tỉnh Bình Dương đã được kiểm soát tốt, hạn chế thấp nhất sự lây lan trong cộng đồng, một số người đã được điều trị và ra viện.

Trước đó, trong một cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng đã khẳng định mạnh mẽ trách nhiệm cá nhân trong lãnh đạo, chỉ đạo kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn. Ðó không chỉ là lời hứa mà còn là cam kết của người đứng đầu chính quyền Thủ đô về trách nhiệm của mình trước hệ thống chính trị, trước nhân dân. Và thực tế, dịch Covid-19 tại Thủ đô đã được khoanh vùng, kiểm soát rất tốt, dù là địa bàn cận kề tỉnh Hải Dương với hàng chục nghìn người trở về từ vùng dịch trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua.

Lời hứa và hành động của người có trách nhiệm đã lan tỏa đến cả hệ thống và tạo hiệu ứng tích cực trong quá trình thực thi nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh. Lời hứa trong những trường hợp tương tự không chỉ thể hiện quyết tâm, trách nhiệm cá nhân trên cương vị lãnh đạo, quản lý mà còn là tiếng nói đại diện cấp ủy, chính quyền, cơ quan trước người dân và công luận. Với cơ chế giám sát quyền lực nhà nước của nhân dân đã được luật định thì lời hứa của người có trách nhiệm sẽ trở thành một trong những căn cứ để cán bộ, đảng viên và nhân dân giám sát ngược lại hành động của họ sau lời hứa.

Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thời gian qua, trên nhiều lĩnh vực, cũng như trong xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, từ Trung ương đến địa phương đã thể hiện rõ sự đổi mới về tư duy hành động, nói đi đôi với làm. Ðáp ứng sự nghiệp xây dựng Ðảng và phát triển đất nước, với quyết tâm chính trị của Ðảng và yêu cầu ngày càng cao đối với đội ngũ cán bộ các cấp, sẽ loại dần ra khỏi hệ thống những cán bộ chỉ hứa suông, chỉ nói mà không hành động. Do vậy, việc đánh giá mức độ hoàn thành lời hứa, chương trình hành động đã đưa ra trước tập thể, nhân dân cần phải trở thành quy định, tiêu chí đo đếm mức độ tín nhiệm đối với cán bộ. Lời hứa của người có chức vụ, quyền hạn phải đồng nghĩa với cam kết giải quyết, không thể là lời hứa suông. Tuy nhiên, để cơ chế này được thực hiện đầy đủ và thực chất trong thực tế, để mỗi lời hứa vừa là mục tiêu phấn đấu, vừa là động lực, ngoài trách nhiệm hành động của người có trách nhiệm, nhất là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị, còn đòi hỏi sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể và của chính người dân.

LÊ VY

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/dang-va-cuoc-song/loi-hua-va-cam-ket-hanh-dong-637816/