Lời hứa trên mảnh đất anh hùng

Chúng tôi đến Thị Hoa vì lời hứa 'dấn thân nơi gian khó' của người làm báo, chứng kiến lời hứa giúp nhân dân thoát nghèo của bộ đội biên phòng (BĐBP). Cuộc sống đi lên, kinh tế phát triển, văn hóa được giữ gìn là kết quả của lời hứa một lòng theo Đảng của đồng bào nơi đây.

1. Biết chúng tôi lên Cao Bằng tìm điển hình tiên tiến cho Cuộc thi viết “Quân đội anh hùng, quốc phòng vững mạnh”, Trung tá Hoàng Văn Bạc, Chính trị viên Đồn Biên phòng (ĐBP) Thị Hoa, nhắn tin: “Mấy ngày mưa lũ diện rộng trên miền biên giới phía Bắc, vùng rốn lũ chúng tôi rất mong các nhà báo tới thăm”. Cái tin nhắn khiến chúng tôi nổi máu nghề nghiệp, quyết tâm vào “rốn lũ”. Đại tá Mã Đức Thuận, Chủ nhiệm Chính trị BĐBP tỉnh Cao Bằng, biết chuyện cũng ủng hộ: “Đồn Thị Hoa ở vùng sâu vùng xa, đường đi lối lại còn khó khăn, nếu hứa rồi các đồng chí nên đi”.

Từ TP Cao Bằng chúng tôi ngược về hướng đông theo Quốc lộ 3 rồi men theo các tỉnh lộ 207, 214, 21A qua thị trấn Thanh Nhật để lên biên giới. Nhiều đoạn đường tỉnh lộ đang được mở rộng khiến xe lưu thông rất khó khăn, nhiều đoạn phải đợi chờ thông đường từng chiều một. Huyện Hạ Lang mấy ngày hứng chịu mưa lớn kéo dài, lòng sông suối đã đầy ắp nước, đường cũng bị ngập ít nhiều nhưng may là không có sạt lở, không có thiệt hại lớn về tài sản, con người. Điều này mới đầu cũng khiến chúng tôi ngạc nhiên, chỉ đến khi được tận mắt ngắm nhìn những ngôi nhà kiên cố của người dân địa phương mới dám tin là thật.

 Một góc của xóm Cốc Nhan, xã Thị Hoa (Hạ Lang, Cao Bằng).

Một góc của xóm Cốc Nhan, xã Thị Hoa (Hạ Lang, Cao Bằng).

2. ĐBP Thị Hoa quản lý bảo vệ đoạn biên giới dài 26,5km, nằm trên địa bàn 3 xã gồm: Cô Ngân, Thị Hoa và Thái Đức đều thuộc huyện Hạ Lang. Tìm hiểu lịch sử mới biết, tên ba xã này được đặt theo 3 vị anh hùng hy sinh trong kháng chiến chống thực dân Pháp; trong đó xã Thị Hoa năm 2000 được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Năm 2009, khi nhiệm vụ phân giới, cắm mốc biên giới đất liền Việt-Trung hoàn thành, xã Thị Hoa có thêm cơ sở để vươn mình phát triển. Đến giờ, toàn huyện Hạ Lang đang tập trung cho xã Thị Hoa về đích nông thôn mới vào cuối năm 2020. Đây cũng là một quyết tâm của thực hiện lời hứa “đền ơn đáp nghĩa” đối với một xã anh hùng của huyện.

Đón chúng tôi tại cổng ĐBP Thị Hoa, Trung tá Hoàng Văn Bạc tươi cười hỏi thăm những vất vả trên đường. Anh nói: “Những đoạn đường đó là hiện thực hóa các chủ chương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với xã nghèo vùng biên giới. Con đường cũng là một phần của mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới mà xã Thị Hoa là địa phương được hưởng lợi đầu tiên trong toàn huyện”. Những năm về trước, cán bộ chiến sĩ ĐBP Thị Hoa có nhiều đóng góp làm nên sự đổi thay của đời sống kinh tế-xã hội, giúp người dân địa phương vươn lên thoát nghèo. Đó là những chương trình đầu tư bò, dê... cho các hộ nghèo; xây dựng chuồng trại xa khu dân cư giúp môi trường lành mạnh; và quan trọng nhất là “tặng” người dân Trung tá Nông Đình Quang đảm nhiệm cương vị Phó chủ tịch UBND xã, người rất có năng lực và trách nhiệm.

Trò chuyện với anh Quang ngay tại phòng làm việc vốn là một căn nhà tập thể của cán bộ UBND xã, chúng tôi cảm nhận được nhiệt huyết của người cán bộ quyết tâm giúp nhân dân thoát nghèo. Theo anh Quang: Từ nay cho tới cuối năm 2020 phải giảm được số hộ nghèo từ 31,6% xuống dưới 12% để đạt mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Thực tế ở xã trước đây có hiện tượng tự đánh giá thấp để “được” ở diện hộ nghèo nhằm tranh thủ chính sách giúp đỡ của Nhà nước. Nếu đánh giá kỹ và có sự bình bầu của thôn, xóm sẽ loại bỏ được 10% số hộ nghèo. Còn 21,6% là do những nguyên nhân chủ quan của các hộ, đó là chưa biết cách làm ăn. Xã đã có kế hoạch kết hợp với ĐBP Thị Hoa giúp đỡ những hộ này. May mắn là đất nông nghiệp không thiếu, nếu khéo làm, chỉ một vụ là thoát nghèo. Anh Quang nhấn mạnh: “Điều này tôi hứa là tôi sẽ làm được”.

Chúng tôi được biết rằng, trước đây đã có Thượng tá Lê Văn Sơn cũng được Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Cao Bằng cử xuống giúp bà con Thị Hoa. Ông từng giữ cương vị Bí thư Đảng ủy xã. Trong gần 10 năm công tác ở xã, ông đã vận động nhân dân trồng cây mía xuất khẩu. Nhiều xóm đến nay vẫn còn được hưởng lợi từ quyết tâm trồng mía của thời ấy. Năm vừa rồi riêng tiền mía, người dân Thị Hoa đã thu về 14 tỷ đồng.

3. Chúng tôi vào thăm gia đình ông Nông Văn Anh, nguyên Chủ tịch UBND xã Thị Hoa. Ông kể: “Tôi nhập ngũ năm 1965, trải qua nhiều cương vị, trong đó có thời kỳ gian khổ nhất là từ năm 1979 đến 1989 nhân dân phải sơ tán tránh chiến tranh. Nhưng dù trong bất cứ hoàn cảnh nào đồng bào chúng ta cũng hứa một lòng đi theo Đảng, gìn giữ từng tấc đất của tổ tiên, cha ông, từng ly biên giới Tổ quốc”. Nghỉ hưu năm 2004, ông thấy lòng thanh thản vì đây là thời kỳ Thị Hoa bắt đầu có sự đổi thay, những chính sách ưu tiên của Nhà nước bắt đầu phát huy tác dụng.

Đến thăm xóm Cốc Nhan nằm sát đường biên giới, đập vào mắt chúng tôi là nhiều căn nhà khang trang của người dân trong xóm đang hình thành. Nhiều nhà lấp ló trong sân những chiếc xe ô tô du lịch. Gia đình chị Lăng Thị Hà là một hộ có thu nhập khá. Chỉ với nghề trồng mía và thu nông sản mấy năm qua hai vợ chồng đã gửi một con đi du học Hàn Quốc, một con học đại học tại Hà Nội, và đầu năm nay còn tậu chiếc xe hơi đời mới. Chị Hà nói: “Cuộc sống được như hôm nay nhân dân rất biết ơn Đảng, Nhà nước, biết ơn BĐBP. Các chú, các anh đã làm trọn lời hứa giúp nhân dân thoát nghèo”.

Bài và ảnh: HÀ SƠN HÙNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/loi-hua-tren-manh-dat-anh-hung-591426