Lời hứa 25 năm trước của UBND xã và mong ước của người dân

Từ thông tin của bạn đọc, PV Báo CAND đã làm việc với các cơ quan chức năng để tìm hiểu về những bức xúc và nguyện vọng của 23 hộ dân bên bờ kênh Nam ở thôn Phước Nông, xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa (Phú Yên) liên quan đến việc nộp thuế sử dụng đất (SDĐ).

Theo tài liệu PV thu thập được, cách đây hơn 24 năm, vào cuối tháng 6-1995, UBND xã Hòa Bình 1 tổ chức đấu giá thuê đất khu dịch vụ trung tâm Phước Nông, sau đó ký hợp đồng cho thuê 23 lô đất trong hạn 20 năm.

Trong hợp đồng và biên bản họp đấu giá, chính quyền địa phương cam kết: “Sau khi hết hạn thuê đất theo hợp đồng, sẽ chuyển giao cấp đất ở cho hộ gia đình theo quy hoạch”. Theo đó, 23 người dân đã nộp cho UBND xã Hòa Bình 1 gần 760 triệu đồng. Thời đó, khoản tiền này rất lớn nhưng vì mưu sinh và do cam kết “chuyển giao cấp đất ở” nên người dân mới tham gia đấu giá.

Hết thời hạn thuê đất, UBND xã Hòa Bình 1 không thực hiện nghĩa vụ cam kết trong hợp đồng nên người dân khiếu nại từ xã lên huyện. Sau khi tiếp nhận báo cáo, đề xuất của UBND huyện Tây Hòa cùng Sở TN&MT, ngày 7-11-2017, UBND tỉnh Phú Yên có thông báo cho phép tồn tại khu dân cư 23 hộ dân ở thôn Phước Nông, xã Hòa Bình 1 theo hiện trạng, đồng thời giao cho UBND huyện Tây Hòa liên hệ Sở TN&MT hướng dẫn thủ tục chuyển mục đích SDĐ từ khu dịch vụ sang đất ở nông thôn để giao đất có thu tiền SDĐ và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho các hộ dân theo quy định.

Theo 23 hộ dân, khi xã và huyện hướng dẫn lập thủ tục xin giao đất không hề giải thích cụ thể về nghĩa vụ và mức tiền SDĐ phải nộp, nên đầu tháng 1-2020, Chi cục Thuế huyện Tây Hòa thông báo nộp tiền SDĐ với mức giá 800.000 đồng/m² đã khiến cho người dân bức xúc.

Theo tìm hiểu của PV Báo CAND, người dân bức xúc là do có một vụ việc tương tự nhưng đã được UBND huyện Tây Hòa cấp sổ đỏ không thu tiền SDĐ. Cụ thể cuối tháng 9-1994, UBND xã Hòa Bình 2 – nay là thị trấn Phú Thứ, huyện Tây Hòa, tổ chức đấu giá thuê 1.300m² đất kinh doanh sản xuất khu Bầu Chợ với tổng số tiền hơn 213 triệu đồng. UBND xã Hòa Bình 2 lập biên bản cam kết đến tháng 4-1996 sẽ chuyển sang cấp đất ở lâu dài.

Do xã không thực hiện cam kết nên người dân khiếu kiện nhiều năm, đến đầu tháng 8-2019, UBND tỉnh Phú Yên chỉ đạo Cục Thuế chủ trì cuộc họp cùng các cơ quan chức năng và địa phương. Cuộc họp xác định số tiền 15 hộ nộp cho UBND xã Hòa Bình 2 có nội dung “Thu tiền thuê mặt bằng kinh doanh sản xuất” không được coi là tiền SDĐ.

Tuy nhiên, số tiền họ đã nộp cao hơn 75 lần so với giá đất ở nông thôn do tỉnh quy định tại khu vực này năm 1995, nên Cục Thuế và các cơ quan chức năng đề nghị UBND tỉnh Phú Yên căn cứ quy định tại điểm b, khoản 1, điều 8, Nghị định 45/2014/NĐ-CP ngày 15-5-2014 của Chính phủ cho phép UBND huyện Tây Hòa cấp giấy sổ đỏ cho 15 hộ ở Bầu Chợ mà không thu tiền SDĐ; đồng thời giao huyện này rà soát, kiểm tra lại các trường hợp khác có nội dung phiếu thu, biên lai, hóa đơn hoặc các loại giấy tờ khác, mà nội dung ghi thu tiền liên quan đến việc SDĐ tương tự như 15 hộ gia đình nêu trên thì cho phép cấp sổ đỏ cho những trường hợp đó mà không phải nộp tiền SDĐ.

Làm việc với PV Báo CAND, ông Nguyễn Tấn Chân – Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa cho biết, 23 hộ ở Phước Nông đấu giá và ký hợp đồng thuê đất dịch vụ, nay tỉnh cho tồn tại theo hiện trạng nhưng phải chuyển mục đích sang đất ở và phải nộp tiền SDĐ.

Sau khi UBND huyện Tây Hòa ban hành quyết định giao đất cho 23 hộ, ngày 2-1, Chi cục Thuế thông báo nộp tiền SDĐ 400.000 đồng/m2 theo Quyết định số 56/2014/QĐ-UBND ngày 30-12-2014 của UBND tỉnh Phú Yên và nhân thêm hệ số 2,0 theo Quyết định số 05/2018/QĐ-UBND ngày 12-2-2018 của UBND tỉnh Phú Yên quy định về hệ số điều chỉnh giá đất toàn tỉnh nên mức tiền SDĐ tăng lên 800.000 đồng/m².

Trước đó, ngày 4-10-2018, UBND huyện Tây Hòa đã có văn bản đề nghị Sở Tài chính điều chỉnh hệ số từ 2,0 xuống 1,0 nhưng không nhận được phản hồi. Để hỗ trợ quyền lợi người dân, ngày 12-1, huyện tiếp tục có báo cáo và kiến nghị tỉnh xem xét, cho phép thu tiền SDĐ của 23 hộ theo mức giá 400.000 đồng/m².

Là người đại diện 23 hộ dân, ông Vương Lỡi cho rằng: “Tỉnh và huyện không giải quyết cho chúng tôi như các hộ dân khu Bầu Chợ, thị trấn Phú Thứ là thiệt thòi, vì số tiền chúng tôi đã nộp năm 1995 bình quân hơn 330.000 đồng/m², nay phải nộp thêm 800.000 đồng/m² là quá cao. Hơn nữa, tỉnh có thông báo cho phép giao đất cho 23 hộ có thu tiền SDĐ từ ngày 7-11-2017 nhưng huyện và xã không triển khai kịp thời, đến ngày 12-2-2018 tỉnh có quyết định điều chỉnh tăng hệ số đất lên gấp đôi, buộc chúng tôi gánh chịu là bất hợp lý.

Mặt khác, theo quy định pháp luật, hạn mức đất ở nông thôn đối với hộ gia đình là 250m2, nhiều hộ ở đây từ trước đến nay chưa hề có đất ở, nay được huyện giao đất thì vì sao cơ quan thuế không miễn, giảm tiền SDĐ trong hạn mức theo quy định”.

Người dân đang mong chờ và kỳ vọng UBND tỉnh Phú Yên sớm chỉ đạo cơ quan thẩm quyền kết thúc vụ việc một cách linh hoạt, thấu tình, đạt lý.

Hữu Toàn

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/dieu-tra-theo-don-ban-doc/loi-hua-25-nam-truoc-cua-ubnd-xa-va-mong-uoc-cua-nguoi-dan-582606/