Lời hẹn chưa thành của vị Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn Đồng Sỹ Nguyên

'Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên có hứa với chúng tôi một ngày gần nhất sẽ xuống thăm Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh, cùng dự ngày lễ truyền thống với Bộ đội Trường Sơn. Nhưng ông không thể thực hiện được nữa rồi. Và chúng tôi không còn cơ hội được đón ông một lần nữa' – Trung tá Hoàng Oanh – Phó Giám đốc Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh nghẹn ngào chia sẻ với PV Lao Động.

 Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Bộ Tổng tham mưu và Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên bàn kế hoạch chuẩn bị cho chiến dịch “Đường 9 - Nam Lào” năm 1970.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Bộ Tổng tham mưu và Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên bàn kế hoạch chuẩn bị cho chiến dịch “Đường 9 - Nam Lào” năm 1970.

Người luôn đau đáu với tuyến đường Trường Sơn

Trung tá Hoàng Oanh – Phó Giám đốc Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh chia sẻ: Có thể nói Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên là vị tướng gắn bó với tuyến đường Trường Sơn dài nhất, lâu nhất. Ông là người đã biến tuyến đường Trường Sơn thành mạng lưới chiến lược mà được cả thế giới công nhận nó là con đường huyền thoại.

Trung tá Hoàng Oanh - Phó Giám đốc Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh. Ảnh Trần Vương

Dẫn chúng tôi tham quan Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh, chỉ rõ từng hình ảnh đen trắng tư liệu, những kỷ vật gắn với tuyến đường Trường Sơn những thập niên 60, 70 về trước, Phó Giám đốc Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh cho hay: Con đường Trường Sơn được xây dựng cực kỳ gian khổ và Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên là người luôn đau đáu với con đường này.

Qua những tư liệu, hình ảnh và hiện vật còn lưu giữ lại tại bảo tàng cũng đã phần nào chứng minh điều đó. Với khí hậu rừng núi hết sức khắc nghiệt, địa hình hết sức hiểm trở nhưng bộ đội Trường Sơn vẫn xây dựng tuyến đường Trường Sơn dài hơn 20.000km và xuyên qua 21 tỉnh thành của 3 nước Đông Dương gồm Việt Nam, Lào, Campuchia.

Tuyến đường Trường Sơn đã được biến thành một mạng lưới chi viện cho tiền tuyến.

“Qua tư liệu, hình ảnh và hiện vật còn lưu giữ tại bảo tàng, tôi thấy, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên luôn có mặt tại những nơi gian khổ nhất để động viên tinh thần cán bộ, chiến sỹ cũng như trực tiếp chỉ huy các đơn vị chiến đấu vì vậy tuyến đường Trường Sơn càng ngày càng phát triển mà cả thế giới đều kinh ngạc với tuyến đường này.

Chúng tôi cũng là những bậc hậu sinh, sinh ra và lớn lên khi đất nước đã hoàn toàn giải phóng. Tuy nhiên những câu chuyện về tuyến đường Trường Sơn huyền thoại và dấu ấn của Tướng Đồng Sỹ Nguyên thì còn mãi” – Trung tá Hoàng Oanh nói.

Lời hẹn chưa thành

Theo Phó Giám đốc Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh, ấn tượng của bà về vị Tư lệnh của Bộ đội Trường Sơn đó là vị tướng lĩnh gắn với trận mạc, chinh chiến nhưng cũng rất giản dị, đời thường từ cách ăn mặc, cách nói chuyện từ tốn, ân cần. Khi nghe tin Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên ốm và nằm viện những người đang thực hiện công tác tại Bảo tàng trong lòng trào dâng cảm xúc.

Họ rất mong ông qua khỏi được giai đoạn này để có thể dự lễ kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn. Nhưng vị Tư lệnh đã ra đi về cõi vĩnh hằng mà chưa kịp dự ngày lễ kỉ niệm này.

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên có 8 năm là Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn (1967-1975).

“Có lần chúng tôi cũng tới nhà Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên, báo cáo với bác rằng Bảo tàng đường Hồ Chí Minh nay đã khang trang và đẹp đẽ hơn và kính mời bác xuống thăm Bảo tàng.

Tư lệnh có hứa với chúng tôi một ngày gần nhất sẽ xuống thăm Bảo tàng. Nhưng lời hứa của bác chắc không thể thực hiện được nữa rồi. Và chúng tôi không còn cơ hội được đón bác một lần nữa” – Trung tá Oanh nghẹn ngào nói.

Vương Trần

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/thoi-su/loi-hen-chua-thanh-cua-vi-tu-lenh-bo-doi-truong-son-dong-sy-nguyen-726902.ldo