Lỗi hệ thống đào tạo nghề

Mới đây, Tổng cục Thống kê và Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương công bố những con số về lao động được đào tạo tính đến hết năm 2018. Nhiều người thực sự 'sốc' khi biết có tới 43 triệu lao động (chiếm tỷ lệ 78% tổng số người trong độ tuổi lao động cả nước) hoàn toàn chưa qua lớp đào tạo kỹ năng nghề.

Lớp đào tạo nghề Điện lạnh (hệ Cao đẳng) của Trường Cao đẳng nghề kỹ thuật Việt - Đức (Nghệ An). Ảnh: TTXVN

Lớp đào tạo nghề Điện lạnh (hệ Cao đẳng) của Trường Cao đẳng nghề kỹ thuật Việt - Đức (Nghệ An). Ảnh: TTXVN

Con số trên khiến dư luận bàng hoàng hơn khi cả nước hiện có 5,3 triệu người trình độ đại học; 1,6 triệu người trình độ cao đẳng và khoảng 2,2 triệu người trình độ trung cấp, nhưng mới vỏn vẹn 3 triệu người được dạy nghề từ 3 tháng trở lên. Nhiều người đặt câu hỏi: Suốt một thời gian dài, đào tạo nghề được xác định ưu tiên hàng đầu trong đào tạo nguồn nhân lực của quốc gia và một hệ thống trường dạy nghề rộng khắp cả nước nhưng lại để xảy ra tình trạng này.

Câu trả lời xuất phát ngay từ sự chồng chéo và khó hiểu về tên gọi dạy nghề trong hệ thống GD-ĐT nước ta. Thực tế, nhiều người vẫn chưa phân biệt nổi giữa trung cấp nghề và trung cấp chuyên nghiệp và cao đẳng nghề (thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) với cao đẳng không nghề (thuộc Bộ GD-ĐT). Trong vòng 40 năm qua, khối dạy nghề đã được tách nhập 3 lần giữa các bộ: Bộ Giáo dục, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Từ năm 2017, giáo dục nghề nghiệp (từ trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, đến cao đẳng nghề, cao đẳng chuyên nghiệp) đã phân về Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý. Tuy nhiên, “điểm nghẽn” trong giáo dục nghề nghiệp nằm ở hàng loạt vấn đề trong hệ thống GD-ĐT chưa được cải tổ như: Hệ thống tư vấn, hướng nghiệp tại các trường phổ thông vẫn gần như trắng; hệ thống thông tin thị trường lao động gần như chưa có hoặc có thì chưa hoàn chỉnh để phổ cập đến dân; thị trường việc làm cho những người học nghề vẫn còn rất hạn hẹp.

Suốt một thời gian dài, Bộ GD-ĐT chưa tiến hành hiệu quả việc phân luồng trong giáo dục phổ thông căn cứ vào năng lực học tập và hoàn cảnh, nguyện vọng của gia đình học sinh, nên nhiều học sinh chưa thoát được tâm lý “bằng cấp” để học lấy cái nghề. Nếu giáo dục phân luồng tốt, nhiều học sinh sẽ vào hệ thống dạy nghề và cơ hội việc làm rộng mở, đồng thời tránh được lãng phí công sức, tiền bạc của gia đình và xã hội.

Trong khi đó, việc tuyển sinh dạy nghề, liên kết giữa đào tạo nghề với các khu vực kinh tế, tạo nguồn việc làm cho học viên của Bộ LĐTB-XH còn rất thụ động trong. Nhiều năm, cả một hệ thống đào tạo nghề cũ kỹ, không bám sát được bước đi công nghệ mới của các doanh nghiệp. Mặt khác, cơ quan quản lý Nhà nước về lao động và việc làm chưa tham mưu tốt cho Chính phủ trong việc ban hành các chế tài về lao động như: Các cơ sở sản xuất chỉ được sử dụng lao động đã qua đào tạo kỹ năng nghề, tối thiểu từ 3 tháng trở lên; chương trình đào tạo liên thông giữa giáo dục nghề nghiệp với giáo dục đại học, cao đẳng...

Theo dự báo, trong vòng 10 năm tới sẽ có khoảng 75% việc làm hiện hữu sẽ biến mất và xuất hiện những ngành nghề mới gắn với công nghệ thông tin. Tuy nhiên, những dự báo về những ngành nghề cho tương lai công nghệ 4.0 vẫn chưa được nghiên cứu một cách khoa học. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành các chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho hiện tại và đón đầu tương lai.

Tình hình việc làm trên toàn cầu đang biến đổi từng giờ, từng ngày, dư luận thật khó yên lòng khi 43 triệu lao động chưa qua đào tạo kỹ năng nghề. Thiết nghĩ, hệ thống GD - ĐT Việt Nam cần nhanh chóng lấp đầy các lỗ hổng để khắc phục và có những giải pháp cấp bách đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho đất nước.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/loi-he-thong-dao-tao-nghe/