Lợi - hại phương pháp khoan cây rút mủ cao su bằng khí ethylen?

Dù chỉ tìm hiểu trên mạng Internet và chưa rõ lợi - hại thế nào nhưng nhiều nhà vườn trồng cao su trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã bắt đầu áp dụng phương pháp khoan lấy mủ cao su bằng khí ethylen.

Dù chỉ tìm hiểu trên mạng Internet và chưa nhận được khuyến cáo của cơ quan chức năng nhưng nhiều nhà vườn trồng cao su trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã bắt đầu áp dụng phương pháp khoan lấy mủ cao su bằng khí ethylen. Mặc dù chưa nắm rõ lợi hay hại của phương phương pháp khai thác mới này nhưng những ưu điểm hay nói đúng hơn là lợi ích trước mắt của nó đã khiến các nhà vườn đều muốn thử nghiệm.
* “Đánh liều” với khí ethylen
Có mặt tại vườn cao su 3 ha của bà Trần Thị Thu Hồng, ở ấp Đồng Búa, xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước, nơi vừa áp dụng phương pháp khoan lấy mủ cao su bằng khí ethylen, chúng tôi được chứng kiến tận mắt cách thức khai thác mủ cao su mới bằng phương pháp này.

Khoan lỗ để bơm khí ethylene lấy mủ cao su. Ảnh: Đậu Tất Thành - TTXVN

Khoan lỗ để bơm khí ethylene lấy mủ cao su. Ảnh: Đậu Tất Thành - TTXVN

Cụ thể, thay vì dùng dao cạo mủ cạo mủ cao su truyền thống, giờ đây, công nhân chỉ cần dùng một chiếc máy khoan loại nhỏ (có gắn pin để dễ di chuyển) như máy khoan tường thông thường, khoan một lỗ bằng chiếc đũa vào thân cây cao su có chiều sâu khoảng 0,5 cm.
Sau khi khoan xong, người công nhân chỉ cần gắn một ống nhựa rỗng ruột, dài khoảng 7cm, có thiết kế sẵn vừa đủ để gắn vào lỗ cao su vừa được khoan. Cứ thế mủ nước cao su sẽ tự động chảy từ lỗ khoan xuống miệng chén mà người công nhân không cần thêm bất cứ thao tác nào khác.

Vì trước đó, phần thân phía trên lỗ khoan của cây cao su đã được gắn một đường ông nhựa, có một bọc đựng để chủ vườn dùng bình khí bơm trực tiếp khí ethylene vào thân cây, giúp kích thích ra mủ nhiều hơn. Trung bình, khoảng 10 ngày chủ vườn sẽ dùng một thiết bị bơm chuyên dụng để bơm khí vào bọc nhựa một lần.
Bà Trần Thị Thu Hồng cho rằng, phương pháp khoan trực tiếp vào cao su như trên tiện lợi hơn và tiết kiệm hơn phương pháp dùng dao cạo mủ truyền thống. “Vì nếu cạo bằng dao cạo mủ thì trước khi cạo người công nhân phải lấy mủ dây trên miệng cao trước rồi mới cạo được, còn khoan lấy mủ bằng khí ethylene thì công nhân chỉ cần khoan 1 lỗ là xong”, bà Hồng nói.
Tuy nhiên, bà Hồng cho biết, gia đình bà cũng chỉ mới áp dụng phương pháp cạo mủ mới này và không biết có lợi ích lâu dài hay có ảnh hưởng gì về sức khỏe cũng như khả năng cho ra mủ sau này hay không. “Tôi thấy nhiều cái lợi trước mắt nên mới áp dụng. Nhưng về lâu dài không biết sẽ ra sao nên tôi cũng mong cơ quan chức năng vào cuộc nghiên cứu để đưa ra khuyến cáo tốt nhất cho những người nông dân như chúng tôi”, bà Hồng chia sẻ.
Không riêng gì gia đình bà Hồng, hiện tại trên địa bàn huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước cũng đang có khá nhiều nhà vườn áp dụng phương pháp khoan lấy mủ cao su bằng khí ethylen. Theo các nhà vườn, hầu hết người dân đều học ở trên Internet rồi sau đó là người này chỉ cho người kia. Kể cả những dụng cụ sử dụng cho việc khai thác cũng đều được hướng dẫn…trên mạng.
“Hai dụng cụ phải mua tốn tiền nhất của phương pháp mới này là bình khí để bơm khí ethylen và máy khoan. Riêng bình khí tôi mua 3,5 triệu đồng, còn máy khoan 600.000 đồng. Một bình khí bơm cho 500 cây thì vừa đủ cho một vụ mùa”, bà Hồng cho biết.
Cũng theo bà Hồng, những dụng cụ này bà Hồng thấy người dân các vườn cây làm nên đến hỏi và được chỉ ra tiệm vật tư nông nghiệp mua. Khi chúng tôi hỏi có biết khí này là khí gì hay không, bà Hồng chỉ e dè trả lời: “Mình thấy nó nhàn rỗi hơn thì làm thôi chứ cũng chưa biết khí này là gì, cũng không được ai tới tư vấn".
Hầu hết các nhà vườn cao su khai thác bằng khí ethylen đều tự phát và tìm hiểu phương pháp qua các trang mạng Internet. Những ưu điểm ban đầu của hình thức khai thác này so với cách thức khai thác truyền thống là: tiết kiệm nhân công, cho sản lượng cao, không mất quá nhiều thời gian đã khiến nhiều nhà vườn mạnh tay áp dụng, nhất là trong điều kiện giá mủ cao su xuống thấp như hiện nay.
Theo anh anh Lương Trọng Thế, ở ấp 1, xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú, khi thấy trên mạng một số cơ sở hướng dẫn làm nên làm theo. Anh do dự: “Chỉ nghĩ nếu sau này làm không được thì dừng cũng không biết có ảnh hưởng đến cây cao su”.
*Phân vân lợi hay hại?
Phương pháp khai thác mủ cao su bằng khí ethylen là phương pháp mới, chưa có điều kiện đánh giá lâu dài nên lợi ích và tác hại cũng như quy trình khai thác vẫn còn là câu hỏi đối với người nông dân.

Các nhà vườn tại Bình Phước bơm khí ethylene để lấy mủ cao su. Ảnh: Đậu Tất Thành - TTXVN

Anh Lương Đức Thọ, ở ấp 1, xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú cho biết, gia đình anh cũng đang áp dụng phương pháp khai thác mới này cho vườn cao su 1 ha của gia đình. Mới đầu áp dụng, anh Thọ nhận thấy bơm khí vào thấy lượng mủ chảy chậm nhưng thấy mủ ra cũng ổn, thời gian chảy lâu”.
“Tôi đọc tài liệu bên Thái Lan, Malaysia thì cao su ít nhất phải 15 năm tuổi mới áp dụng khoan lấy mủ bằng khí ethylene, còn mấy trang của Việt Nam lại áp dụng cho cả cây non nên tôi cũng đang phân vân thử nghiệm”, anh Thọ chia sẻ.
“Tôi cũng rất mong muốn có một cơ quan nghiên cứu phương pháp này để biết nó có ảnh hưởng như thế nào có nên làm hay không”, anh Thọ đề nghị.
Theo khuyến cáo của ngành chức năng, ethylen là thành phần hợp chất có trong các loại thuốc kich thích dùng cho việc kích mủ cao su. Do đó, việc sử dụng hợp chất này trong thời gian dài có thể dẫn đến tình trạng suy kiệt, làm ảnh hưởng tuổi thọ của cây cao su.
Bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước khuyến cáo: “Đối với những vườn cây mới cạo thì người dân phải cân nhắc. Bởi vì cây đang non, chưa phát triển đầy đủ. Trong khi đó, khai thác bằng phương pháp này thì mủ rất nhiều vì có tác động của khí. Nếu như khai thác quá mức, độ đặc của mủ chưa tốt có nghĩa là chưa đạt được tiêu chuẩn thì sẽ làm suy kiệt, ảnh hưởng đến tuổi thọ của cây”.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước, Sở cũng đã có công văn gửi đến UBND các huyện, thị xã và thành phố trên địa bàn tỉnh Bình Phước khuyến cáo người dân tuân thủ quy trình khai thác mủ cao su khi sử dụng chất kích thích bằng khí ethylen.
“Về phía cơ quan quản lý nhà nước cũng đang theo dõi về hiệu quả kinh tế và chưa đưa ra nhận định khẳng định được về phương pháp này. Sở đang theo quy trình của Tập đoàn Cao su Việt Nam đó là khuyến cáo bà con với độ tuổi cây trên 15 năm tuổi hoặc trong thời gian chuẩn bị thanh lý thì mới nên sử dụng phương pháp này”, bà Tuyết cho biết thêm.

Đậu Tất Thành/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/loi-hai-phuong-phap-khoan-cay-rut-mu-cao-su-bang-khi-ethylen-/134013.html