Lời giải nào cho bài toán 'chưa giàu đã già'?

Từ giữa năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã có hướng dẫn về điều chỉnh mức sinh phù hợp với vùng/miền.

Một tỉnh ở vùng đồng bằng sông Cửu Long vừa khen thưởng 22 gia đình sinh đủ 2 con một bề gái. Thông tin đó khiến không ít người vui mừng khi một chính sách nhằm khuyến khích sinh đủ mức thay thế, không lựa chọn giới tính, được thực thi, nhằm hạn chế tốc độ già hóa dân số. Nhưng những trường hợp được khen thưởng như vậy là quá ít ỏi, không đủ để can thiệp vào xu hướng giảm sinh đang ngày một rõ ràng hơn trong những năm gần đây.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo tính toán của các chuyên gia dân số, chỉ còn 5 năm nữa là Việt Nam sẽ chính thức bước vào giai đoạn "dân số già" với tỉ lệ người 65 tuổi trở lên chiếm từ 10 - 19,9%. Hàng loạt vấn đề nan giải sẽ được đặt ra nếu không được giải quyết một cách phù hợp thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình phát triển đất nước.

Việt Nam được xem là quốc gia có thời gian chuyển từ "già hóa dân số" sang "dân số già" vào nhóm nhanh trên thế giới, dự báo là 20 năm, trong khi Nhật Bản và Trung Quốc là 26 năm, Anh và Tây Ban Nha 45 năm... Một trong những chính sách để hạn chế tốc độ già hóa dân số là duy trì mức sinh thay thế. Nhưng thực tế, những chính sách để hỗ trợ thêm còn rất ít, thậm chí chưa có. Hiện TP. Hồ Chí Minh, một trong những đô thị có mức sống cao nhất cũng lại là nơi có tỷ lệ sinh thấp nhất cả nước.

Qua trao đổi với một số cặp vợ chồng trẻ, do yêu cầu chất lượng sống ngày càng cao, trong khi chi phí cho việc nuôi dạy con cái ở mức cao và không ngừng tăng theo thời gian, nên nhiều gia đình quyết định chỉ sinh 1 con hoặc thậm chí trì hoãn việc sinh con. Nhiều gia đình người lao động, nhất là gia đình công nhân nhập cư ở các vùng công nghiệp tập trung đang phải đối mặt với rất nhiều áp lực, khi thu nhập thường xuyên không đủ đáp ứng nhu cầu mức sống tối thiểu; trong khi hệ thống nhà trẻ, trường mẫu giáo công lập còn thiếu thốn, hệ thống tự thục thì chi phí quá cao. Mức chi phí cho học sinh phổ thông cũng đặt ra nhiều thách thức đối với các gia đình lao động.

Không chỉ các gia đình lao động có mức thu nhập thấp mà ngay cả các gia đình có mức sống từ trung bình trở lên, các khoản chi phí để nuôi dạy một đứa trẻ vẫn luôn là vấn đề khiến phụ huynh phải đau đầu. Do đó, họ quyết định lựa chọn sinh ít nhưng có điều kiện để nuôi dạy "đến nơi đến chốn" hơn là sinh nhiều mà không đủ điều kiện chăm sóc tốt.

Kinh nghiệm ở nhiều quốc gia cho thấy, nếu mức sinh đã xuống thấp sẽ rất khó để tăng sinh trở lại. Khi mức sinh thấp, dân số càng già với tốc độ nhanh hơn. Trong khi đó, một trong những đặc điểm của người cao tuổi ở Việt Nam là trên 70% phải tự lao động kiếm sống với sự hỗ trợ của con cháu, chỉ 25,5% sống bằng lương hưu và trợ cấp xã hội. Con số này dự báo không thay đổi nhiều trong thời gian tới. Khi bước vào thời kỳ dân số già, số người già tăng cao cùng với tỉ lệ người già không có lương hưu/trợ cấp cũng tăng theo, vô hình chung sẽ là một gánh nặng về an sinh xã hội.

Từ giữa năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã có hướng dẫn về điều chỉnh mức sinh phù hợp với vùng/miền, trong đó các địa phương có mức sinh thấp (hiện là 21 tỉnh thành) hỗ trợ các gia đình sinh đủ 2 con thông qua việc ưu đãi mua nhà ở xã hội, ưu tiên vào trường công lập, hỗ trợ chi phí giáo dục trẻ em, miễn giảm thuế thu nhập cá nhân, miễn giảm đóng góp công ích... Tuy nhiên đến nay, chưa địa phương nào thực hiện triển khai và hỗ trợ. Do đó, vấn đề chênh lệch giới tính khi sinh, mức sinh thấp có thể sẽ còn kéo dài.

Để giải quyết thực trạng mức sinh thấp, một chuyên gia dân số tại TP. Hồ Chí Minh cho rằng cần sự chung tay, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các tổ chức chuyên môn và tất cả người dân. Hãy coi đó là vấn đề lớn của toàn xã hội chứ không phải "chuyện riêng" của mỗi gia đình!

KHÁNH NGUYỄN

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/loi-giai-nao-cho-bai-toan-chua-giau-da-gia-20201225180817147.htm