Lời giải khác cho đề bài homestay Hội An

Tại TPHCM, tôi có một người bạn là dân Hội An 'gốc' theo nghĩa gia đình có bốn thế hệ sống ở Hội An. Hiện tại, ba má và em trai của bạn đang ở sống trong một căn nhà cổ trên đường Trần Phú trung tâm của khu phố cổ ở ngoài đó. Năm ngoái, bạn kể ba má bạn muốn bán nhà để ra vùng ven sống, tưởng họ không cưỡng nổi cơn bão kim tiền khi giá những bất động sản khan hiếm như nhà cổ leo thang từng ngày. Nhưng mà không phải vậy. Hai người lớn đó buồn nỗi buồn thưa vắng hàng xóm nói tiếng Quảng tối lửa tắt đèn có nhau và thưa vắng cả hàng xóm nói chung. Nhiều nhà xung quanh đã thuộc sở hữu hay 'thuê đứt' của người miền ngoài, giờ đây đó đơn thuần chỉ là những 'ki ốt' bán hàng cho du khách chứ không còn những sinh hoạt mang tính gia đình, cộng đồng. Sáng quản lý, nhân viên đến mở cửa, tối hết khách thì đóng cửa im ỉm.

Giới thiệu đặc sản Hội An bên lề cuộc họp báo về Liên hoan ẩm thực quốc tế Hội An 2016. Ảnh: Nguyên Thanh.

Thị trường “nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê” (homestay) tại vùng ven của lõi đô thị cổ này cũng đang có sự chuyển dịch tương tự, được chính quyền địa phương mô tả bằng những từ như “biến tướng”, “mất bản sắc”... Nhiều người từ nơi khác đến mua đất, thuê nhà, làm không chỉ một mà nhiều homestay, xem nó đơn thuần chỉ là cơ sở lưu trú để kinh doanh có tính chất... ăn theo.

Ai cũng hiểu du khách đến Hội An (Quảng Nam) không phải chỉ để xem vài ngôi nhà cổ biệt lập, thương hiệu du lịch Hội An là cả một không gian đô thị vật chất và phi vật chất. Giá trị thương hiệu của nó sẽ ra sao nếu khu phố cổ này vắng bóng cư dân bản địa và nếp nhà của họ? Thì cũng như vậy với câu chuyện homestay, khi khách chọn ở homestay là chọn sống trong bầu không khí gia đình, cộng đồng, không chỉ lưu trú mà cùng ăn uống, sinh hoạt, lao động...

Ở chiều ngược lại, chính quyền và người dân Hội An cũng muốn giới thiệu với du khách “truyền thống, văn hóa, lịch sử, đời sống sinh hoạt của người dân địa phương”, không chỉ để kinh doanh mà còn để bảo tồn và phát huy nó trong đời sống thực. Cho nên, cũng dễ hiểu khi chính quyền Hội An đặt ra mục tiêu trên, trong kế hoạch mới đây về phát triển mạng lưới cơ sở lưu trú du lịch của thành phố này, hay ở cấp cao hơn, chính quyền tỉnh Quảng Nam cũng vừa ban hành quy chế quản lý hoạt động kinh doanh homestay.

Có điều, đề bài đúng nhưng lời giải lại không đúng, ít nhất dưới khía cạnh pháp luật, khi các văn bản cấp địa phương này đặt ra các “điều kiện kinh doanh” vốn thuộc quyền của Quốc hội và Chính phủ thông qua việc ban hành luật và nghị định. Theo quy định của pháp luật hiện hành, homestay là một loại hình lưu trú du lịch, chủ thể kinh doanh loại hình này không bị bắt buộc phải có hộ khẩu thường trú tại ngôi nhà xin đầu tư, hay phải có ít nhất hai thế hệ sống trong ngôi nhà đó, hay phải có danh hiệu gia đình văn hóa... (Xem thêm bài Quy định về kinh doanh homestay: cần đảm bảo quyền tự do kinh doanh và bình đẳng, tr.12).

Có lời giải nào khác cho đề bài homestay Hội An hay không?

Trong khi Thông tư 88/2008/TT-BVHTTDL hướng dẫn Nghị định 92/2007/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch chỉ quy định chung chung rằng (homestay) “là nơi sinh sống của người sở hữu hoặc sử dụng hợp pháp trong thời gian cho thuê lưu trú du lịch, có trang thiết bị, tiện nghi cho khách du lịch thuê lưu trú, có thể có dịch vụ khác theo khả năng đáp ứng của chủ nhà”, thì cộng đồng dân cư Hội An (chứ không phải chính quyền) có thể xây dựng cho mình thương hiệu homestay Hội An với những nội hàm “bản địa” mà mình muốn quảng bá, gìn giữ và thu lợi nhờ nó. Cộng đồng dân cư địa phương quản lý và sử dụng thương hiệu homestay Hội An của mình để giới thiệu với du khách. Có thể tính tới việc vật chất hóa thương hiệu này dưới hình thức nhận dạng nào đó (như bảng hiệu, logo...), tất nhiên là sẽ phải theo một quy trình thủ tục pháp lý nhất định. Về phần mình, chính quyền địa phương cần tư vấn, hỗ trợ cộng đồng dân cư vấn đề thủ tục pháp lý trong việc này, nhưng trước đó, quan trọng là giúp họ có đủ kiến thức chuyên môn du lịch, an toàn, vệ sinh... điều kiện tài chính để bước vào cuộc kinh doanh bằng chính căn nhà, vốn sống của mình. Sau đó, hãy để cho thị trường quyết định.

Đó cũng là cách làm nâng cao giá trị thương hiệu du lịch của di sản văn hóa thế giới Hội An.

“Bảo hộ” giá trị bản địa nên trên tinh thần và cách làm đó!

Nguyên Lê

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/265981/loi-giai-khac-cho-de-bai-homestay-hoi-an.html